Sức sống nơi “làng phong” năm xưa
Trở lại buôn Ea Bhốk hôm nay, di chứng của bệnh phong vẫn còn đâu đó trong từng mái nhà, từng cơ thể … Song, vẫn một nghị lực sống, khao khát chiến thắng bệnh tật để chung sức chăm lo làm ăn, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no. Họ là các thế hệ của “làng phong” năm xưa, nay là buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin.
“Làng phong” ngày ấy...
Từ trung tâm huyện, vượt qua hơn 10 cây số, buôn Ea Bhốk yên ả nằm trên những con đường đất dốc, quanh co, có không ít những nóc nhà xây mọc lên. Buôn phó Y Brah Niê cởi mở nói: “Làng phong” giờ đã thay đổi nhiều lắm rồi…”.
Theo Y Ba Byă (82 tuổi), người có thể xem là lớn tuổi nhất, nhì ở trong buôn kể lại, những thập niên 60 của thế kỷ trước, các bệnh nhân nhẹ của Trại phong Ea Na được đưa về đây để điều trị và sinh sống. Thời gian ấy, buôn Băng Phok, (theo tiếng Êđê có nghĩa là phụ thuộc), được mệnh danh là “làng phong” , lúc nào cũng có từ 40- 50 bệnh nhân, sống bằng trợ cấp của nhà nước, được bác sĩ về khám chữa bệnh và cấp phát thuốc thường xuyên.
“Làng phong” khi hình thành và tồn tại như vốn dĩ mang những nỗi niềm, thân phận căn bệnh mà một thời người đời dị nghị - bệnh phong. Cuộc sống ngày đầu đầy rẫy khó khăn, càng khốn khó hơn với những bệnh nhân phong, bao khát khao của họ bị mòn dần theo đôi tay không được lành lặn… Nhớ lại một thời, Y Ba lắc đầu nói, cũng có lúc, những bệnh nhân phong phải sống trong tủi hờn, xa lánh, hắt hủi của người đời. Song, những người như Y Ba không gục ngã, họ vẫn mang trong mình khát vọng sống, niềm tin chiến thắng bệnh tật, nghị lực để vượt lên số phận, và cái nhìn thị phi dán cho “người hủi, người phong”. Nhiều người đã kiên trì chữa bệnh, lập gia đình, sinh con đẻ cái, đi theo cách mạng và chọn nơi này làm mảnh đất gắn cả phần đời còn lại của mình về sau. Chính Y Ba cũng là một trong những trường hợp ấy. Hai vợ chồng Y Ba về ở với nhau trong căn nhà tranh, vách nứa, cùng tham gia hoạt động cách mạng nhưng không có con. Giờ, hai ông bà sống với người con nuôi, căn bệnh thỉnh thoảng cũng tái phát làm đau nhức… Còn ông Y Tlop Niê, năm nay đã 73 tuổi kể, tự nhiên thấy trên da xuất hiện những vết bỏng ở khắp chân tay. Các ngón tay cứ tê mỏi, cấu, véo vào không có cảm giác đau, có khi cầm cả hòn than đang cháy rực trên bếp mà cũng chẳng thấy nóng. Đi khám thì được bác sĩ cho biết, ông đã mắc phải căn bệnh phong. Ông được chuyển vào điều trị ở Ea Na rồi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm, được đưa về đây. Vừa điều trị, ông vừa tham gia cộng tác viên y tế làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân, mãi đến sau giải phóng, ông và nhiều bệnh nhân nữa quyết bám trụ lại làm ăn, khai hoang ổn định đời sống đến tận hôm nay và đã có con cháu đề huề. Buôn phó Y Brak cho biết thêm, những bệnh nhân phong năm xưa vào đây, hầu hết đã tìm được “mái ấm” của mình, chí thú động viên, bảo ban con cháu chăm lo làm ăn.
Cả hai vợ chồng Y Dlop Êban đều bị bệnh phong, không làm được những công việc nặng nên chỉ phụ giúp các việc nhỏ như phơi ngô, lúa. |
...Và làng mới hôm nay
Buôn Ea Bhốk giờ vẫn còn không ít trường hợp bị di chứng nặng phải cắt bỏ một phần chi, có người đã bị cụt hết ngón chân, co tay, thậm chí phải tháo khớp, hầu hết đều trên 50 tuổi. Buôn hiện có 157 hộ với 751 nhân khẩu, trong đó có 12 bệnh nhân phong, hộ nghèo chiếm 63%.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con nơi đây đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã biết đầu tư, chăm chỉ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Y Mi (38 tuổi), con của bệnh nhân phong, bản thân anh cũng có dấu hiệu co ngón tay. Anh tâm sự, ngay từ nhỏ anh đã chứng kiến nỗi đau bệnh tật hành hạ trên cơ thể mẹ. Không ngờ, về sau, bản thân anh cũng bị mắc phải căn bệnh này. Song, anh vẫn chăm lo làm ăn, điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Giờ cơ ngơi của Y Mi có thể nói là khang trang nhất buôn, anh đã xây được nhà, sắm xe máy, xe công nông, các con được đến trường, ăn học đàng hoàng. Hai vợ chồng Y Tlop Niê và bà H’ Mlăng Byă đều bị bệnh phong, bản thân ông đã tháo đi khớp chân. Không thể làm được các công việc nặng nhọc, ông ở nhà chăm đàn gà, phơi sân lúa, phụ giúp các con công việc nhà, còn bà hằng ngày đi thả bò, các con của ông bà đều đã xây dựng gia đình, có nhà cửa ổn đinh. Còn cụ bà H’Hin Ksor hai chân đã bị cụt hết ngón nhưng trừ những lúc ốm đau, bà đều tự mình làm các việc: nấu ăn, giặt giũ. Tuy đã gần 60 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh, hằng ngày vẫn phụ giúp việc nhà và bảo ban con cháu chăm lo làm ăn.
Bà H'Hin Ksor với những di chứng của bệnh phong khiến hai bàn chân không còn lành lặn. |
Trở lại Ea Bhốk hôm nay, đã là có sự đổi thay kỳ diệu, người dân trong buôn đã biết chú trọng hơn đến cái chữ, quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, ra sức làm ăn thoát khỏi đói nghèo, cùng chung sức xây dựng cuộc sống mới ngày một ấm no, tốt đẹp hơn. Chỉ tiếc là buôn hiện vẫn còn những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, dựng dốc, càng khó khăn hơn cho việc đi lại với những người bị tàn tật do di chứng của căn bệnh năm xưa, nhất là vào mùa mưa…
Ý kiến bạn đọc