Bảo vệ môi trường trong hương ước: Bản cam kết của cộng đồng xã Ea Ktur
09:58, 19/10/2010
Từ nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân xã Ea Ktur (Cư Kuin) đã và đang thực hiện có hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) trong bản hương ước của địa phương. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của mọi người tích cực tham gia xây dựng thôn, buôn ngày càng khang trang; xanh - sạch - đẹp; khuyến khích những việc làm tốt, có lợi đối với môi trường; ngăn chặn, xóa bỏ những việc làm xấu; những hủ tục lạc hậu làm mất vệ sinh…
Xã Ea Ktur có 24 thôn, buôn (trong đó có 6 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bảo vệ môi trường rất được mọi người chú trọng. Đến nay, tất cả thôn, buôn trong xã đều xây dựng hương ước của riêng mình; tùy theo điều kiện, đặc điểm của từng thôn buôn để đưa ra những quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng dân cư.
Được thành lập từ năm 1998, có diện tích đất tự nhiên là 25.000m2 với tổng số 123 hộ, 646 khẩu, đa số là người miền Bắc vào sinh sống và lập nghiệp, người dân thôn 2 đã đưa bản hương ước vào trong thực tiễn đời sống của mọi người. Trong đó, vấn đề bảo vệ môi trường rất được chú trọng. Cụ thể, ngoài những quy định chung trong việc tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; trồng cây, gây rừng; từng hộ phải có giếng nước ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm; không phóng uế, ném xác súc vật, chai lọ thuốc trừ sâu bừa bãi; chăn nuôi các con vật đúng chuồng trại để không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh… Hương ước thôn 2 còn quy định mỗi tháng, mỗi hộ phải đóng góp một ngày công vào chủ nhật cuối tháng để tổng vệ sinh; khơi thông cống rãnh; tu sửa đường làng, ngõ xóm cho sạch đẹp. Anh Nguyễn Anh Minh, Thôn trưởng thôn 2 chia sẻ, nhờ có hương ước mà đường làng ngõ xóm trong thôn luôn sạch đẹp, không những thế mỗi gia đình đều có một hố rác nên không còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi ra đường nữa. Do đó, thôn 2 đã được công nhận là thôn văn hóa.
Cùng với thôn 2, người dân các thôn khác như thôn 6, thôn 7, thôn 12… luôn quan tâm đến vấn đề môi trường. Những vấn đề bức xúc về môi trường của từng thôn, buôn được người dân bàn bạc, đưa vào hương ước, qua đó sẽ có những hình thức xử phạt cũng như khen thưởng kịp thời đến từng cá nhân, hộ gia đình. “Từ khi có hương ước môi trường, bản thân mỗi người dân chúng tôi thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong hoạt động BVMT tại địa phương. Trước đây, nhiều người chỉ biết sạch nhà mình nên vất rác ra đường rất bừa bãi, giờ thì ai cũng ý thức được vấn đề không chỉ phải làm sạch trong nhà mà cả ngoài đường, ngõ xóm”, anh Nguyễn Minh Quang, một người dân thôn 8 phấn khởi nói.
Buôn Jung A với đặc điểm là tập trung đa số đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, do đó, bên cạnh những tập quán tốt đẹp, vẫn còn không ít những hủ tục lạc hậu. Vì vậy để nâng cao đời sống vật chất cũng như ý thức của mọi người, nhân dân buôn Jung A đã thống nhất xây dựng bản hương ước với 5 chương, 20 điều. Trong đó, quy định về BVMT ở chương III với Điều 11 nêu rõ: không được xay xát nông sản để bụi và thổi vỏ ra đường làm ô nhiễm môi trường; không sử dụng lòng lề đường làm nơi đổ vỏ cà phê, gạch, đá và chất thải khác; không đào đường dẫn ống nước tưới gây cản trở giao thông… Điều 12 (chương III): Mỗi gia đình phải thực hiện tốt công tác vệ sinh trong sinh hoạt đời sống hằng ngày; hằng năm mỗi hộ phải trồng một cây xanh theo đúng quy định và tham gia một ngày công trong mỗi tháng để bảo vệ môi trường… Không được đốt rừng làm nương rẫy, không uống nước lã, không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà, ốm đau không cúng Giàng, bỏ hủ tục nối dây, nghi ma lai… (Điều 13, chương III). Có thể thấy, việc xây dựng hương ước này đã góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tạo một môi trường sống lành mạnh cho đồng bào thiểu số. Già làng Y Nghi Knul (buôn Jung A) tâm sự, nhờ những quy định trong hương ước mà người dân có một cuộc sống vật chất cũng như tinh thần tốt hơn trước nhiều. Bây giờ, nuôi con heo, con gà cũng không lo bị chết như trước nữa.
Vấn đề BVMT trong hương ước đã giúp người dân xã Ea Ktur nâng cao nhận thức về ứng xử với môi trường. Người dân trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường của chính họ một cách tự giác, góp phần làm cho quê hương, thôn, buôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. “Việc xây dựng hương ước, cụ thể là hoạt động BVMT trong hương ước trên địa bàn xã rất được mọi người hưởng ứng. Một khi cả cộng đồng cùng vào cuộc thì không có việc gì là không giải quyết được”, đó là nhận xét của anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ phụ trách xây dựng Hương ước xã Ea Ktur. Thiết nghĩ, đây là một mô hình cần được nhân rộng để môi trường ngày càng xanh – sạch – đẹp.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc