Multimedia Đọc Báo in

Để Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả tối ưu

09:37, 22/10/2010

Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Chính phủ  thể hiện quyết tâm đào tạo cho 2/3 dân số nước ta (khoảng gần 60 triệu người là nông dân)  có nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc từ đó có cuộc sống ổn định và có cơ hội làm giàu một cách chính đáng. Ở tỉnh ta, việc triển khai Đề án đang được Đảng, chính quyền, các cấp, ngành rất quan tâm và nỗ lực thực hiện theo đúng quy trình, có sự áp dụng sáng tạo cho từng địa phương để  phát huy được hiệu quả tối ưu của Đề án.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dạy nghề và Đề án 1956, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27 ngày 25-6-2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh”. UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định 1334 ngày 2-6-2010 ban hành kế hoạch triển khai Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo; đối tượng được thụ hưởng; mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, ngành; phân kỳ một số nội dung quan trọng để triển khai có hiệu quả dạy nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Đề án 1956…

Theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí học nghề cho lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi (Người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập thấp...). Đề án 1956 còn hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học /người; hỗ trợ tiền đi lại với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Ngoài ra Đề án còn tạo điều kiện cho lao động nông thôn học nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề. Lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. 

Dạy nghề đan mây tre cho nông dân nghèo ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Dạy nghề đan mây tre cho nông dân nghèo ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Đề án 1956 không chỉ mở rộng diện lao động khu vực nông thôn sẽ được đào tạo nghề mà còn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Minh chứng rõ nhất, Đề án 1956 đã mở ra cho người nông dân cơ hội được học những nghề mà họ muốn, hoặc họ thấy cần cho cuộc sống và công việc của chính mình. Những đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trước đây mới chỉ mang tính “hướng cung” – tức là mới mang những nghề mình có dạy cho bà con. Còn nay, Đề án 1956 đã mở ra cơ hội lớn hơn cho người nông dân, họ sẽ được “hướng cầu” – tức là sẽ được học những nghề gì mà mình thích, mình cần. Về quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Với quy định mới, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tìm đầu ra trong giải quyết việc làm cho người dân  nông thôn. Nhưng hiện nay có một thực tế là rất nhiều lao động nông thôn ở tỉnh ta chưa được học nghề và cũng chưa hiểu được vai trò quan trọng của học nghề; chưa xác định được nghề cần học và cũng chưa biết học nghề ở đâu…Vì vậy, khó khăn lớn nhất là trang bị cho người dân “ba biết” của đề án đặt ra: biết được nhu cầu việc làm ở địa phương; biết được chính sách và nhiệm vụ của người học; biết được cơ hội việc làm. Để giải quyết khó khăn trên thì Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp ngành yêu cầu phải thực hiện 3 điều tra khảo sát trước khi tiến hành dạy nghề cho LĐNT, đó là: điều tra khảo sát gắn với tuyên truyền tư vấn để nắm bắt được nhu cầu học nghề của từng người dân phù hợp với năng lực và điều kiện của từng hộ gia đình; khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các DN, tổ chức dịch vụ trên địa bàn; khảo sát năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề.

Hiện nay Sở LĐTB&XH đang tiến hành triển khai công tác huấn luyện kỹ năng tư vấn nghề nghiệp cho các điều tra viên. Đồng thời cũng chỉ đạo Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên mở lớp sư phạm dạy nghề  để cung cấp giáo viên dạy nghề phục vụ Đề án. Theo kết quả khảo sát sơ bộ, dự kiến trong giai đoạn 2010-2015 tỉnh cần bổ sung thêm 200 giáo viên dạy nghề và giai đoạn 2016-2020 cần bổ sung thêm 400 giáo viên dạy nghề. Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho các học sinh, sinh viên cao đẳng nghề, trung cấp nghề ra trường năm 2010 và các sinh viên năm cuối của các trường chuyên nghiệp khác trên địa bàn để tạo nguồn giáo viên nghề cho các trung tâm nghề. Tổ chức xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho những người được huy động tham gia dạy nghề là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, công nhân có tay nghề cao, nông dân giỏi. Đồng thời tổ chức các khóa đào tạo giáo viên kiểu mẫu và các lớp nhân rộng. Trong năm 2010, dự kiến sẽ đào tạo nghề cho 3.480 lao động nông thôn trong tỉnh. Hiện có 29 nghề đang được đào tạo, trong đó Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Chăn nuôi và Thú y là những nghề được bà con chọn học nhiều hơn cả.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc