Kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ea Súp: Giúp bà con ổn định cuộc sống
Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, nghị quyết, kế hoạch của Huyện ủy, trong những năm qua, huyện Ea Súp đã đẩy mạnh công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đã giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tăng cường tình đoàn kết và góp phần giữ vững an ninh - trật tự địa phương.
Trước đây, cuộc sống của gia đình chị H’Pam Siu ở buôn B2 (thị trấn Ea Súp) rất khó khăn. Cả nhà có 8 miệng ăn nhưng tất cả chỉ trông chờ vào 5 sào đất trồng hoa màu. Khi công tác kết nghĩa được triển khai, gia đình chị Phan Thị Hiệp và anh Đinh Văn Nghị đã nhận kết nghĩa với gia đình chị H’Pam. Ngoài việc thăm hỏi, tặng quà những ngày lễ, tết, khi ốm đau, gia đình chị H’Pam còn được các hộ kết nghĩa hỗ trợ kinh phí mắc điện chiếu sáng, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống gia đình đã đỡ phần vất vả. Chị H’Pam cho biết: “Gia đình chị Hiệp, anh Nghị thường hay lui tới nhà mình lắm, không chỉ cho gạo, quần áo, bánh kẹo mà còn bày cho cách ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường và động viên gia đình bỏ dần các tập tục lạc hậu, khi có bệnh phải đến cơ sở y tế khám và điều trị”.
Đại diện Công an huyện Ea Súp thăm hỏi gia đình chị H'Pam Siu (buôn B2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp). |
Đã nhiều năm nay, anh Phạm Văn Hiệu và Đỗ Xuân Hậu (đơn vị Công an huyện Ea Súp) được gia đình ông Y Blứt Siu, trưởng buôn B2 xem như ruột thịt, mọi việc lớn nhỏ như định hướng việc học hành, dựng vợ gả chồng cho con cái, mua sắm các trang thiết bị dùng cho sinh hoạt… đều tham khảo ý kiến của các anh. Ông Y Blứt cho biết: “Gia đình mình được anh Hiệu và anh Hậu nhận kết nghĩa từ năm 2006. Các anh ấy rất thân mật, gần gũi, thường xuyên đến động viên con cháu học hành, chỉ dẫn cách gieo trồng, làm cỏ, bón phân cho lúa, hoa màu đúng kỹ thuật đem lại hiệu quả cao”. Cũng theo ông Y Blứt, từ khi Công an huyện nhận kết nghĩa với buôn, đơn vị không chỉ đầu tư kinh phí đào cho buôn một giếng nước sạch mà còn thường xuyên bám buôn, tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thủ đoạn của bọn phản động để bà con đề cao cảnh giác, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Giếng nước buôn B2 (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) do Công an huyện Ea Súp - đơn vị kết nghĩa xây tặng. |
Sau 9 năm triển khai công tác kết nghĩa, huyện Ea Súp đã chỉ đạo thành lập được 33 tổ kết nghĩa gồm 55 cơ quan, đơn vị, trường học, lâm trường, trạm, trại trên địa bàn kết nghĩa với 544 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 7 buôn ở thị trấn Ea Súp, xã Ia Lơi và xã Ea Rôk. Theo đồng chí Phan Xuân Lĩnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, để công tác kết nghĩa đạt hiệu quả, ngay khi nhận được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ sở, đơn vị; tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa, xây dựng bản cam kết, hướng dẫn việc tổ chức kết nghĩa có sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ vậy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tích cực của các cơ quan, đơn vị và đông đảo người dân. Đồng thời, ban tự quản, già làng và các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn đã dần hiểu rõ mục đích của việc kết nghĩa, quyết tâm thực hiện tốt các nội dung đã ký kết. Sau khi kết nghĩa, các đơn vị đã phân công cán bộ, đảng viên kết nghĩa với từng hộ cụ thể trong tổ, thường xuyên liên lạc với các tổ được phân công kết nghĩa để kịp thời nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng của bà con. Điều tra, khảo sát đời sống của người dân trong buôn để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa phù hợp với đặc thù của từng gia đình, tham mưu giải quyết kịp thời nhu cầu cấp bách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tình hình dịch bệnh, học hành… Tổ chức sinh hoạt với đồng bào khu dân cư nhằm phổ biến nội dung và ký cam kết thực hiện công tác kết nghĩa, vận động bà con thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, chấp hành quy định của chính quyền, địa phương, không vi phạm quy chế vùng biên, không nghe, không theo kẻ xấu xúi giục, vận động đồng bào tích cực sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, lôi cuốn bà con tham gia như giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức vui chơi cho các cháu thiếu nhi, thăm và tặng quà các gia đình chính sách và các cháu có thành tích cao trong học tập … Bên cạnh đó, các đơn vị kết nghĩa còn phối hợp làm công tác phát động quần chúng bằng nhiều hình thức như tuyên truyền theo giới tính, tôn giáo, tổ chức đoàn thể, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm… Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các buôn đã ổn định hơn. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng đến công tác hướng dẫn bà con cách làm ăn, phổ biến khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, nhiều đơn vị đã xây dựng được các mô hình trình diễn về thâm canh cây trồng, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao để đưa vào sản xuất, nhờ đó mà thu nhập của bà con đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ đã định hướng được phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Có thể nói, những việc làm và nghĩa cử tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị, lâm trường, trường học, trạm, trại và từng cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, chiến sĩ… trong các tổ kết nghĩa ở huyện Ea Súp đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giữ gìn an ninh - trật tự địa phương.
Ý kiến bạn đọc