Multimedia Đọc Báo in

Những doanh nhân nặng lòng với cộng đồng

14:32, 11/11/2010
Vay mượn, gom góp tiền bạc từ nhiều nguồn khác nhau để thành lập doanh nghiệp, nhưng mục đích chính không chỉ để kiếm tiền mà nhiều doanh nhân còn mong muốn đóng góp một phần công sức của mình cho cộng đồng…
 
Đầu năm 2010, khi đang có công việc ổn định ở một ngân hàng thương mại cổ phần, anh Nguyễn Kế Huy lại xin nghỉ việc ra lập công ty riêng, khiến người thân vừa tiếc, vừa lo. Tiếc vì không dễ kiếm được chỗ làm mang lại thu nhập cao như anh đang có, lo là không vay được vốn để công ty hoạt động. Công ty TNHH Một thành viên Truyền thông và Phát triển Giáo dục Bách Việt của Nguyễn Kế Huy ra đời chưa lâu đã thu hút  hàng trăm khách hàng, chủ yếu là thanh, thiếu niên tham gia học các môn nghệ thuật: khiêu vũ (cổ điển và thể thao), đàn Pianô, Organ, Violon… Ngoài việc dạy, công ty còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung để các học viên có điều kiện giao lưu, tập luyện trong môi trường tập thể. Đối với những học viên không có điều kiện mua nhạc cụ có thể đến công ty tập luyện miễn phí ngoài những giờ học chính thức. Hiện, công ty áp dụng mức học phí thấp hơn mặt bằng chung để mọi người đều có thể tham gia. Là giám đốc một doanh nghiệp nhưng trông Nguyễn Kế Huy giống một công nhân, bởi anh luôn bận rộn với công việc, khi thì cùng công nhân làm hồ cá, non bộ; lúc thì khệ nệ bê chậu cá cảnh đi giao cho khách hàng… Theo anh Huy, việc đầu tư xây dựng phòng ốc, mua sắm nhạc cụ, thuê giáo viên tốn rất nhiều tiền, công ty đã bỏ ra trên dưới 1 tỷ đồng nhưng cũng chưa “thấm” vào đâu. Kinh doanh sinh vật cảnh biển chỉ là một trong những ngành nghề lẻ, mục tiêu chính của công ty là dùng lợi nhuận từ hoạt động này để đầu tư phát triển các môn nghệ thuật trên theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. “Công ty đang phấn đấu dùng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, giá cả hợp lý để thu hút đông đảo mọi người, nhất là thanh, thiếu niên. Khi họ đã tìm được cho mình những địa chỉ giải trí lành mạnh thì chắc chắn rằng sẽ hạn chế được tình trạng vướng vào tai tệ nạn xã hội”, doanh nhân Nguyễn Kế Huy chia sẻ.
Đan bình đựng ấm trà tại HTX
Đan bình đựng ấm trà tại HTX
Cùng mục tiêu vì cộng đồng, doanh nhân Nguyễn Hữu Quân, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan, dệt thổ cẩm Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) lại có cách làm khá đặc biệt. Có thể khẳng định rằng, với ngành nghề, quy mô sản xuất như hiện nay thì việc tuyển dụng lao động lành nghề là công việc tương đối dễ dàng đối với HTX này. Dù vậy, HTX lại chọn việc khó hơn, đó là đào tạo nghề và tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và một số vùng lân cận vào làm việc tại HTX. Đối với những sản phẩm đơn giản, ông Quân trực tiếp giảng dạy, riêng những sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao, ông mời nghệ nhân ở Hà Nội và các làng nghề ngoài Bắc vào truyền đạt. Sau khi được đào tạo xong, đồng bào đều có thể kiếm thêm thu nhập từ nghề đã học thông qua hai hình thức: xin vào làm việc thường xuyên tại HTX, hoặc nhận gia công sản phẩm cho HTX và hưởng lương sản phẩm. Hiện, phương thức nhận gia công sản phẩm cho HTX được đông đảo đồng bào lựa chọn nhờ việc gia công được thực hiện tại nhà, đồng bào có thể tranh thủ làm vào những lúc rảnh rỗi. Gần 10 năm qua, riêng xã Ea Kao đã có hàng trăm lượt đồng bào được HTX đào tạo nghề cơ bản, đào tạo lại nghề đan mây tre, dệt thổ cẩm. Chị H’Anh Niê, buôn Kao cho biết, nhà chị có hai chị em được anh Quân dạy cho nghề đan tre mây và tạo điều kiện cho nhận hàng về nhà gia công. Có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi giữa các vụ sản xuất để làm thêm nên tính ra thu nhập cũng kha khá. Hiện, ngoài 40 xã viên, HTX còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn trong xã và nhiều học viên của Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh. Để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho đồng bào, HTX đang xây dựng kế hoạch  trồng mây nguyên liệu với quy mô hộ gia đình, vì có thể tận dụng triệt để những vùng đất bạc màu và đem lại hiệu quả kinh tế cao, 1 ha mây (năm thứ tư trở đi) có thể cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm. Kế hoạch này được đông đảo bà con hưởng ứng, nhưng ngặt nỗi chưa biết lấy đâu ra vốn để triển khai. HTX chỉ có thể hỗ trợ đồng bào cây giống, kỹ thuật và một phần chi phí chăm sóc trong vài năm đầu.
Lê Ngọc
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.