Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam vươn lên

17:25, 30/12/2011

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng những hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng do bom đạn và chất độc hóa học. Bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả thông qua các chương trình, dự án của Hội Chữ thập đỏ đã góp phần xoa dịu nỗi đau, tiếp sức cho nạn nhân da cam vươn lên ổn định cuộc sống.

Xoa dịu nỗi đau
Đã gần 15 tuổi nhưng chưa một lần em Hồ Thị Tình ở thôn 1 (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) ra khỏi chiếc giường cũ ở căn phòng ẩm thấp. Nhìn hình ảnh Tình vật vã, đau đớn mỗi khi căn bệnh quái ác hành hạ, ai cũng chạnh lòng. Ngay từ khi mới chào đời, Tình đã bị bại não, hở hàm ếch, chân tay co rút, không đi lại được và sau 15 năm, trông em vẫn như một đứa trẻ lên năm, mọi sinh hoạt thường ngày của Tình và 2 đứa em nhỏ đều nhờ vào đôi bàn tay chăm sóc của mẹ. Do vậy, gánh nặng kinh tế đặt cả lên đôi vai người cha, anh Hồ Trọng Đại. Tuy cũng có 5 sào đất trồng bắp và anh Đại vẫn tranh thủ đi làm thuê nhưng cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Đầu năm 2009, được Dự án “Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh” hỗ trợ 5 triệu đồng phát triển sản xuất, vợ chồng anh đầu tư thêm 2 triệu đồng mua 1 con bò và giờ đã phát triển lên 2 con. Anh Đại bày tỏ, không chỉ giúp đỡ về vật chất, mà trong các dịp lễ, tết cán bộ Hội CTĐ và chính quyền địa phương còn đến thăm tặng quà, động viên gia đình. Sự quan tâm, giúp đỡ đó đã khích lệ chúng tôi phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Hội CTĐ huyện, xã thăm hỏi gia đình anh Hồ Trọng Đại (thôn 1, xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar).
Hội CTĐ huyện, xã thăm hỏi gia đình anh Hồ Trọng Đại (thôn 1, xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar).

Một trường hợp khác là cháu Y San Ayun (buôn Tah, xã Ea D’rơng, huyện Cư M’gar).  Niềm vui có cậu con trai khôi ngô chưa được bao lâu thì chị H’Tôch Ayun phát hiện con ngày một yếu dần đi, mọi sự phát triển, cử động đều không như những đứa trẻ bình thường. “Nghe bác sĩ nói nó bị bệnh bại não phải nằm liệt cả đời, vợ chồng mình buồn lắm”, chị H’Tôch chia sẻ. Nhưng rất may, sau nhiều năm được Dự án tài trợ điều trị, phục hồi chức năng và cấp các dụng cụ trợ giúp vận động, đến tháng 11 – 2010, cháu đã đi lại được. Tuy vẫn chưa biết nói nhưng từ hôm cháu Y San biết đi, gia đình chị H’Tôch luôn rộn ràng tiếng cười vì cháu rất hiếu động, linh hoạt, chạy nhảy khắp nhà.
Niềm vui của mẹ con chị H'Tôch Ayun (buôn Tah, xã Ea D'rơng, huyện Cư M'gar) sau khi được Dự án hỗ trợ tập luyện phục hồi chức năng.
Niềm vui của mẹ con chị H'Tôch Ayun (buôn Tah, xã Ea D'rơng, huyện Cư M'gar) sau khi được Dự án hỗ trợ tập luyện phục hồi chức năng.

Tương tự, ngay từ khi mới chào đời, cháu H’Bliết Ayun (buôn Tah, xã Ea D’rơng) đã bị khoèo chân phải, tay phải cũng bị dị tật. Mặc dù đã sinh được 2 đứa con nhưng do mẹ cháu bị bệnh thần kinh nên cũng không biết ai là cha chúng. Khi H’Bliết được 3 tuổi, mẹ cũng qua đời, mọi gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng đặt cả lên đôi vai của ông bà ngoại. Năm 2009, cháu được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) hỗ trợ mổ phục hồi chức năng, cấp dụng cụ tập luyện nên giờ đã đi lại được. Ông ngoại Y Tôn Ayun thổ lộ: “Ông bà già vui lắm vì từ nay không phải thay nhau cõng, chở cháu đi học nữa”.
Cháu H'Bliết (buôn Tah, xã Ea D'rơng, huyện Cư M'gar) đã biết đi sau khi được Dự án hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình.
Cháu H'Bliết (buôn Tah, xã Ea D'rơng, huyện Cư M'gar) đã biết đi sau khi được Dự án hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình.

Tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam vươn lên
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 8.500 nạn nhân da cam và nghi da cam. Sau 5 năm (2006-2010) triển khai Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh” đến nay trên địa bàn tỉnh ta đã có 1.882 nạn nhân được hưởng lợi với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng. Thông qua Dự án, đã có hàng nghìn nạn nhân da cam được khám chữa bệnh, trong đó có 106 người thực hiện phẫu thuật các dị dạng về vận động, trên 150 người được hỗ trợ tập luyện phục hồi chức năng. Ngoài ra, Dự án cũng đã cấp hàng trăm dụng cụ trợ giúp như khung tập đi, ghế bại não, xe lăn cho các đối tượng… Không chỉ giúp các nạn nhân phục hồi chức năng, Dự án còn quan tâm hỗ trợ 328 hộ gia đình nạn nhân da cam từ 2 đến 5 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế thông qua các hình thức như chăn nuôi, buôn bán nhỏ, mua sắm máy móc, đầu tư sản xuất… Để giúp các hộ sử dụng đồng vốn hiệu quả, Hội CTĐ các cấp đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và tiêm phòng miễn phí cho gia súc, gia cầm. Đến nay, các hộ gia đình nạn nhân da cam được Dự án trợ giúp đã có cuộc sống ổn định hơn, có thêm điều kiện chăm sóc về tinh thần, vật chất cho các cháu bị tàn tật. Bên cạnh đó, Hội CTĐ tỉnh cũng triển khai các hoạt động khác nhằm giúp đỡ nhiều hơn cho các nạn nhân da cam. Hằng năm, Hội đều tổ chức Tết vì người nghèo và nạn nhân da cam, quyên góp hàng trăm triệu đồng để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gia đình các nạn nhân; kêu gọi sự tài trợ, ủng hộ của các tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để có kinh phí khám chữa bệnh, cấp học bổng, trao tặng bò và hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng… Hội còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống gia đình các nạn nhân da cam đã dần ổn định và được cải thiện đáng kể.

Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: “Mặc dù các chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều nạn nhân da cam có cuộc sống ổn định hơn, nhưng số người được hưởng lợi còn rất ít so với thực tế. Trong giai đoạn II của Dự án, Tỉnh hội sẽ tập trung triển khai ở 3 huyện nghèo và có nhiều nạn nhân da cam là Lak, Krông Bông, Krông Buk, mỗi huyện chọn 2 xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số để sự giúp đỡ được tập trung và có hiệu quả thiết thực hơn. Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn mong cộng đồng chung tay, góp sức nhiều hơn nữa để đem lại sự ấm áp, cho những nạn nhân chất độc da cam. Chính trách nhiệm, tình thương và lòng nhân ái của toàn thể cộng đồng, xã hội giúp họ xoa dịu nỗi đau da cam và tìm thấy niềm tin trong cuộc sống”.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc