10 năm thực hiện Chương trình tổng thể về Cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010: Nền hành chính Nhà nước từng bước được hiện đại hóa
Kết thúc Chương trình tổng thể Cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010, Dak Lak đã từng bước hoàn thiện việc xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; thực hiện cơ chế "một cửa" ở 3 cấp chính quyền; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước... CCHC không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Hoàn thiện về thể chế
Từ năm 2001, công tác tăng cường cải cách thể chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) theo thẩm quyền để thực hiện các văn bản QPPL của cấp trên đã được tỉnh ta quan tâm thực hiện. Trong 10 năm qua, tỉnh đã ban hành 800 văn bản QPPL điều chỉnh nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, như: quản lý đầu tư xây dựng; tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản; thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng… Song song đó, tỉnh đã tổ chức 16 đợt rà soát văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Qua đó, HĐND, UBND tỉnh đã công bố hết hiệu lực và bãi bỏ 630 văn bản, gồm: 56 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 574 văn bản của UBND tỉnh, trong đó có hàng trăm văn bản liên quan đến thủ tục hành chính. Cũng qua rà soát, đã kịp thời sửa đổi, bổ sung và thay thế hàng chục văn bản khác. Tỉnh cũng đã in 3.000 tập “Văn bản QPPL hiện hành của UBND tỉnh” và gần 2.000 đĩa CD “Hệ thống văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh” cấp phát cho các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh làm cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao v.v… Qua đó đã kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm công tác xây dựng, ban hành và kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn đi vào nề nếp; nâng cao chất lượng văn bản QPPL đã ban hành, loại bỏ kịp thời những văn bản hết hiệu lực, chồng chéo. Đồng thời bổ sung, sửa đổi các văn bản QPPL phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật của chính quyền các cấp. Nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt công tác tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL theo danh mục của Chương trình xây dựng văn bản QPPL hàng năm. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản QPPL tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương. Thực tế cho thấy, công tác này đã tạo được một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và nhiều nét mới có lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, không chỉ kịp thời khắc phục tình trạng thiếu thể chế điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội mà còn tạo sự an tâm và tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thực hiện quy định của Trung ương về công tác cán bộ, công chức; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã v.v… tỉnh đã tập trung hoàn thiện, đổi mới thể chế. Đến nay, thể chế hành chính đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao sau khi chia tách, sát nhập. Từng bước thể hiện sự phân cấp mạnh của tỉnh trong quản lý, loại bỏ phần lớn sự chồng chéo và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, bước đầu đã có sự phân biệt rõ ràng giữa hoạt động của cơ quan hành chính với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
Cán bộ, công chức thanh tra tỉnh hướng dẫn người dân trình bày nội dung kiến nghị - phản ánh. |
Chuẩn hóa các quy trình hành chính
Từ năm 2004, UBND tỉnh ban hành chỉ thị số 04/CT-UB về việc đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong các cơ quan, doanh nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 19 cơ quan hành chính được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp chứng nhận: Sở Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tư pháp, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục thuế, Văn phòng UBND tỉnh, UBND TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Lak, Krông Pak… Việc áp dụng này đã cải tiến quy trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC); rút ngắn thời gian giải quyết; phân định rõ trách nhiệm giữa cán bộ chuyên môn xử lý hồ sơ và của lãnh đạo... Kết quả khảo sát, điều tra nội bộ có sự giám sát của Sở Khoa học và Công nghệ tại các sở, ngành cho thấy, phần lớn người dân hài lòng với các các dịch vụ được cung cấp. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống quản lý theo kết quả (PMS) trong quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị, đăng ký hộ tịch, văn bản quy phạm pháp luật, an toàn bức xạ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số lĩnh vực khác tại các sở: Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và Trường Chính trị tỉnh đã góp phần làm thay đổi phương pháp, phong cách làm việc của các cá nhân, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.
Từ năm 2007-2010, thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa các TTHC trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, thống kê; kiến nghị đơn giản hóa 883/1.377 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở ban ngành, của UBND cấp huyện xã. Qua đó đã phát hiện nhiều TTHC mà các cấp, ngành tự đặt ra, gây phiền hà cho người dân được kiến nghị hủy bỏ. Trong số 883 TTHC, tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ, thay thế và sửa đổi 71 TTHC thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và kiến nghị đơn giản hóa 812 TTHC đang áp dụng trên địa bàn tỉnh do Trung ương ban hành, đạt tỷ lệ 64,12%. Những nỗ lực của tỉnh trong chuẩn hóa các quy trình, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã từng bước cải tiến được phương thức, phương pháp làm việc; công khai, minh bạch hóa các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm chi phí cho người dân; đồng thời nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức của cán bộ, công chức.
Nâng cao năng lực quản lý điều hành
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc ứng dụng CNTT hiện nay đã có chuyển biến về nhận thức, hầu hết cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã trang bị máy tính; 80% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng vi tính; hơn 92% cơ quan có mạng LAN; 100% cơ quan đã được kết nối internet; 100% cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống email của tỉnh để gửi nhận báo cáo, văn bản trao đổi công việc. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử của tỉnh chính thức đi vào hoạt động vào năm 2010 đã từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin, góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ đắc lực cho việc giải quyết các TTHC, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng cơ quan điện tử, hầu hết các sở, ngành đều đầu tư cho việc ứng dụng CNTT. Có thể kể đến một số đơn vị, như: Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai áp dụng phần mềm quản lý cán bộ, công chức (PMIS), quản lý học sinh (EMIS), ứng dụng phần mềm tổng hợp thi đua khen thưởng và tập huấn phần mềm mã nguồn mở cho cán bộ, giáo viên. Sở kế hoạch và Đầu tư áp dựng phần mềm đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh qua cổng thông tin doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Sở Lao động Thương binh và Xã hội ứng dụng phần mềm quản lý chi trả cho đối tượng chính sách, phần mềm tra tìm mộ liệt sĩ, quản lý hộ nghèo. Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án triển khai trạm Vsat IP và ứng dụng IP để đưa tiến bộ KHCN và internet băng thông rộng về nông thôn… Từ những nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính nhà nước tại tỉnh ta trong những năm qua, chỉ số ICT-INDESX về sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh liên tục tăng trong 5 năm trở lại đây. Nếu năm 2005, Dak Lak xếp hạng 50/60 tỉnh thành trong cả nước, thì năm 2009 vươn lên 26/63 tỉnh thành. Kết quả này cũng là minh chứng cho thấy việc ứng dụng và phát triển CNTT trong cơ quan hành chính có chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành, giảm rườm rà trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng công tác chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay để khắc phục tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền. Chính vì vậy, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển KT-XH; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hoàn thành Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC; duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện CCHC; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo nhằm hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, cùng với cả nước phấn đấu cho mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử với một hạ tầng thông tin hiện đại, tốc độ cao và môi trường pháp lý phù hợp.
Ý kiến bạn đọc