Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn của những chuyến đi

09:45, 14/01/2011

Nhắc đến phóng viên là nhắc đến hành trình “Đi và viết” và trong mỗi hành trình ấy luôn đong đầy những kỷ niệm khó quên. Đôi khi kỷ niệm là sự giúp đỡ chân tình của cơ sở, của người dân hay đơn giản là chính sự nỗ lực của bản thân phóng viên… Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày ra số Báo Dak Lak đầu tiên (15-1-1976 – 15-1-2011), những người làm báo chúng tôi xin được kể lại một vài dấu ấn trong hành trình của mình.

Đồng chí Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập Báo Dak Lak trao quà cho đồng bào nghèo trong Chương trình "Chung tay vì cộng đồng". (Ảnh: Lan Anh)
Đồng chí Trương Minh Thắng, Tổng Biên tập Báo Dak Lak trao quà cho đồng bào nghèo trong Chương trình "Chung tay vì cộng đồng". (Ảnh: Lan Anh)

Còn mãi những kỷ niệm ấm áp...
Có lẽ trong những chuyến đi về cơ sở, điều đọng lại nhiều nhất trong lòng chúng tôi chính là tình cảm của người dân: chân tình, mộc mạc và luôn sẵn lòng giúp đỡ...

Đầu tháng 12 năm 2010, chúng tôi đến Cư Elang – một xã vùng ba còn nhiều khó khăn của huyện Ea Kar. Những cơn mưa cuối mùa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới miền Trung khiến các con đường vô cùng lầy lội, nhiều người không khỏi ái ngại khi nghe chúng tôi hỏi thăm vào xã Cư Elang nhưng vẫn chỉ dẫn rất nhiệt tình và dặn chúng tôi “cẩn thận”. Có hai chị đi cùng tuyến đường còn nói: “Các em cứ đi theo chị là vào được xã nhưng đường khó đi lắm nhé”. Quả thật, con đường hơn 20 km từ trung tâm thị trấn vào xã lổn nhổn toàn đá, nhưng đoạn đường từ cầu Ea Rớt vào mới thật là khủng khiếp, chiếc cầu thi công nhiều năm vẫn chưa hoàn thành, xe cộ phải lưu thông trên con đường tránh lầy lội bùn. Không thể chạy xe qua được, chúng tôi đành phải đi bộ, hai chị đi cùng đường luôn miệng nhắc “cẩn thận”. Vào đến xã, chúng tôi mới hiểu tại sao người dân ở đây ai cũng đi ủng. Không chỉ có đường vào xã, các con đường xuống thôn cũng vậy, thậm chí lớp học mẫu giáo buôn Vân Kiều còn bị nước và bùn vây xung quanh, muốn vào chỉ có cách duy nhất là lội bùn! Sau khi vào chụp ảnh lớp học này, người chúng tôi lấm lem, nước bùn ngấm vào chân lạnh thấu xương nhưng trong lòng vẫn cảm thấy ấm áp vì từ người dân cho đến các cô giáo, các em học sinh ai cũng nhiệt tình cung cấp thông tin, sẵn sàng đứng cho nhà báo chụp ảnh. Bà cụ già ở một nhà ven đường còn tự tay múc nước cho chúng tôi gột bùn, luôn miệng xuýt xoa ái ngại cho cô nhà báo.

Còn nhớ, trong chuyến đi công tác tại các xã vùng sâu của huyện Krông Bông viết bài về công tác dân số, sau khi thu thập khá đầy đủ tư liệu cho bài viết, chúng tôi lại được nghe cán bộ xã Cư Pui nói về những khó khăn của thầy trò Trường Tiểu học Cư Pui II. “Máu nghề nghiệp” nổi lên, ý định tìm hiểu để viết bài được hình thành. Đang phân vân chưa biết vào trường bằng cách nào, trong khi đồng hồ đã điểm 12 giờ trưa, trời lại nắng như đổ lửa, đường đến các điểm trường rất xa mà chúng tôi không thông thuộc địa hình, thì anh cán bộ xã mở lời: “Nhà báo cứ yên tâm, tí nữa sẽ có người đưa đến tận nơi mà tìm hiểu”. Chỉ một lúc sau đó, một thầy giáo trẻ, người đã từng đi dạy ở tất cả các điểm trường đến và đưa chúng tôi đi thực tế. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với rất nhiều ổ voi, ổ gà, thậm chí có đoạn còn phải băng qua những cây cầu tạm khiến chúng tôi nhiều phen sợ đến thót tim. Đứng từ xa đã nhìn thấy lớp học thấp thoáng trên đỉnh đồi, thế nhưng, để đến được nơi ấy, chúng tôi còn phải gửi xe để lội qua con suối nhỏ và đi thêm một đoạn đường. Có được những thông tin hay, những hình ảnh sinh động về cuộc sống của thầy trò ở các điểm trường của Trường Tiểu học Cư Pui II chuyển tải tới bạn đọc, chúng tôi luôn nhớ phía sau mỗi bài viết có sự giúp đỡ nhiệt thành của cán bộ và người dân địa phương.

Một lần khác, trong chuyến công tác để thực hiện bài viết về cuộc sống của đồng bào Mông ở xã Cư Króa (huyện M’Drak), sự nhiệt thành của các cán bộ xã nơi đây như tiếp thêm sức mạnh cho hành trình đi và viết của chúng tôi. Mặc cho trời mưa, đường trơn trượt, chị cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Króa vẫn nhiệt tình đi cùng xuống thôn 9, nơi có hàng chục hộ đồng bào Mông đang định cư để gặp gỡ người dân. Đoạn đường tuy chỉ dài hơn chục cây số nhưng lại lắt léo, băng rừng, lội suối, thậm chí có những đoạn đường rộng chỉ không quá 2 gang tay người, ấy vậy mà chị vẫn thoăn thoắt rảo bước, thỉnh thoảng còn quay lại xuýt xoa thương cho mấy cô nhà báo phải lặn lội vất vả. Vào đến nơi, gặp được bà con, nhưng thấy chúng tôi không biết tiếng Mông, chị lại chạy đôn, chạy đáo tìm người phiên dịch giúp. Có lẽ, bài viết của chúng tôi ngày hôm ấy thành công được, phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của chị.

Có thể nói, hầu hết trong những chuyến đi tác nghiệp ở cơ sở, phóng viên chúng tôi đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của người dân. Không chỉ dẫn đường, đưa đến tận nơi, nhiều người còn sẵn sàng hỗ trợ mỗi lần chúng tôi bị hỏng xe dọc đường hoặc nhiệt tình liên lạc, tìm bằng được nhân vật cần gặp giúp phóng viên. Kỷ niệm còn là niềm vui bất ngờ khi gặp được những bạn đọc thân thiết ở cơ sở, những người đã theo dõi từng bài viết trên Báo Dak Lak và có đóng góp thật chân tình để cho tờ báo tỉnh ngày càng hay hơn, đẹp hơn…

Khó khăn... không nản!
Vào công tác tại Báo Dak Lak đã hơn một năm, nhưng với tôi kỷ niệm lần đầu tiên đi cơ sở ở vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió vẫn còn đọng mãi.

Lần đó, nghe tin nhiều hộ dân trồng cao su ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pak) bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 11, tôi cùng một đồng nghiệp quyết định đến địa bàn để tìm hiểu. Sau khi lấy được các con số thống kê thiệt hại, chúng tôi tìm đến thôn Tân Đức, xã Ea Kênh để gặp người dân và chụp hình cao su bị gãy, đổ. Đón chúng tôi từ ngoài đường cái, ông Trần Văn Thanh, trưởng thôn nói nên gửi xe nhờ ở một nhà dân cạnh đường để đi bộ, vì xe máy không đi vào được. Theo chân trưởng thôn, mặc dù đã cẩn thận đi chậm rãi trên con đường đất đỏ nhầy nhụa, thế nhưng, không ít lần bị trượt chân ngã vào các vũng nước đỏ ngầu. Dù áo quần, tay chân lấm lem đất đỏ, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc “hành trình” để lấy tư liệu bổ sung cho bài viết. Đến được cánh rừng cao su của các hộ dân trong thôn, tận mắt chứng kiến thiệt hại của người dân sau cơn bão, chúng tôi không còn cảm thấy đói và mệt nữa. Nghĩ đến những thông tin đã thu thập được, tôi cùng cô bạn đồng nghiệp cảm thấy đoạn đường quay ra không còn vất vả, khó đi như lúc ban sáng. Bởi, với mỗi người, khi kiên trì vượt qua khó khăn vất vả, thành công sẽ luôn chờ đón phía trước. Và với công việc của một người làm báo, kịp thời phản ánh những thông tin về khó khăn của người dân lên trang báo là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Có thể nói, trong quá trình tác nghiệp, bên cạnh sự khắt nghiệt của thời tiết, địa hình, phóng viên thường gặp phải những khó khăn, cản trở của chính quyền địa phương. Chúng tôi còn nhớ như in về chuyến công tác tại xã “X” để viết về những mặt trái ở một khu dân cư “bị bỏ rơi”. Hết lần này đến lần khác, tôi gọi điện hẹn làm việc với Chủ tịch UBND xã, nhưng luôn nhận được câu trả lời: “Hôm nay anh bận đi công tác, bận họp đột xuất, không tiếp phóng viên được…”. Nhận thấy có cái gì đó không rõ ràng, có lần tôi đành “làm liều” phóng xe đến UBND xã mà không gọi điện hẹn trước, rất may mắn lần ấy Chủ tịch “không bận nữa”. Khi tôi phỏng vấn về những bất lợi đối với người dân sống trong môi trường như vậy thì đồng chí Chủ tịch UBND xã khẳng định họ không mất một quyền lợi nào cả. Để chứng thực lời nói ấy có đúng không, tôi đề nghị cho xem danh sách hộ nghèo ở khu dân cư ấy được hưởng trợ cấp tiền tết năm 2008, đồng chí Chủ tịch tỏ ra lúng túng, sau đó cho gọi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã sang làm việc với tôi. Chị cho biết, tất cả các thôn khác đều được hưởng quyền lợi đó, riêng khu dân cư ấy chưa có thôn nên các hộ nghèo không được “công nhận” dẫn đến mất hết quyền lợi.

Rõ ràng, chính quyền địa phương có những dấu hiệu sai trái, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, nhưng khi báo chí vào cuộc thì họ tìm đủ mọi cách để né tránh trách nhiệm, bưng bít thông tin, gây khó khăn và cản trở quá trình tác nghiệp của phóng viên. Tuy vây, chúng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng để làm sáng tỏ sự việc. Sau khi lên trang, bài báo đến tay người dân, họ gọi điện “khoe” với chúng tôi, một thời gian nữa khu dân cư này sẽ có thôn, xóm đàng hoàng. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực thôi thúc tôi rèn luyện, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để xứng đáng là phóng viên báo Đảng trong thời kỳ mới.

Tôi yêu những chuyến đi
Nếu ai hỏi vì sao tôi chọn nghề báo, thì câu trả lời của tôi chỉ đơn giản: “Tôi yêu những chuyến đi”. Bởi với tôi, mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình của tìm kiếm, khám phá, trải nghiệm…

Tôi còn nhớ, cách đây hơn 6 năm, vào tháng 3-2004, huyện Buôn Đôn tổ chức Lễ hội Tháng Ba, lúc đó tôi chỉ là một sinh viên Văn khoa mới tốt nghiệp ra trường đi tìm đề tài viết bài, làm quen với nghề báo. Mặc dù trong tay chẳng có giấy tờ gì ngoài Chứng minh nhân dân, nhưng khi nghe tôi trình bày là sinh viên mới ra trường, đi cơ sở lấy tư liệu viết bài cộng tác cho Báo Dak Lak thì các cán bộ của Văn phòng UBND huyện Buôn Đôn sẵn sàng giúp đỡ ngay. Không chỉ cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động của lễ hội, các cán bộ Văn phòng còn hướng dẫn để tôi cùng tham gia lễ hội với buôn làng. Tôi đã từng biết về văn hóa Tây Nguyên qua những tác phẩm văn học của Nhà văn Nguyên Ngọc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào lễ hội, được biết thế nào là Lễ đâm trâu… Và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến hương vị rượu cần, biết đến vòng xoang nối dài mãi trong ánh lửa bập bùng. Tác phẩm báo chí đầu tay của tôi đã ra đời ngay trong đêm ấy bằng sự nồng say của men rượu cần, bằng sự vấn vít của những vòng xoang. Tôi nhớ lắm, câu nói của anh Đặng Văn Bằng, lúc đó là Chánh Văn phòng UBND huyện sau khi đọc bài viết “Về với Lễ hội Tháng Ba” của tôi trên báo: “Tác phẩm của em tuy chưa đạt đến chiều sâu cần thiết nhưng chất chứa nhiều tình cảm, chính tình cảm ấy đã chạm được đến trái tim của bạn đọc như anh! Cố gắng lên em nhé!”. Một tháng sau đó, tôi được nhận vào công tác tại Báo Dak Lak và gắn bó với tờ báo cho đến hôm nay.

Năm tháng rong ruổi với những cuộc hành trình: đi – viết, tôi đã trưởng thành hơn trong nghề nghiệp nhưng tôi chưa bao giờ quên lời động viên chân thành của người cán bộ ở cơ sở năm xưa dành cho mình. Bởi nó không chỉ khích lệ, giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề mà còn như một lời nhắn nhủ để tôi luôn cố gắng đi và viết bằng trí tuệ, tình cảm, làm thế nào để bài viết của mình có thể chạm đến được trái tim của bạn đọc.

Đại diện Báo Dak Lak trao quà cho đồng bào nghèo trong Chương trình "Chung tay vì cộng đồng". (Ảnh: Lan Anh)
Đại diện Báo Dak Lak trao quà cho đồng bào nghèo trong Chương trình "Chung tay vì cộng đồng". (Ảnh: Lan Anh)

Hạnh phúc là những nhịp cầu kết nối yêu thương
Có người ví nghề báo là một cuộc hành trình dài, mỗi chuyến đi là một chặng đường đến những yêu thương và người làm báo là nhịp cầu kết nối đầy thân thiện ấy. Trong thời gian làm báo, sống với nghề báo của mình, chúng tôi đã có nhiều dịp được gặp gỡ, tiếp xúc và chia sẻ những tình cảm, niềm hy vọng cùng những mảnh đời thương tâm, bất hạnh.

Quên làm sao được những kỷ niệm khi viết về gương học sinh điển hình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập để trao tặng học bổng “Niềm hy vọng quanh ta” - một chương trình được tổ chức thường niên do Báo Dak Lak phối hợp với Công ty Bia Huế thực hiện. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng lại gặp nhau ở nghị lực vượt khó và niềm say mê trong học tập, khát khao được đến trường… Có một Nguyễn Duy Thành (lớp 7A5, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Cư M’gar) mắc bệnh xương thủy tinh khiến em không thể tự đi trên đôi chân mình đến trường dù chỉ một ngày. Chừng đó năm liền, sau chiếc yên xe mẹ, một cậu bé tật nguyền lặng lẽ  nuôi ước mơ đèn sách và đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hay như Lê Nguyễn Hồng Minh (lớp 6A1, Trường THCS Lê Đình Chinh, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) nhà nghèo, đông con, mẹ lại đau ốm liên tục nhưng hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình, nên em quyết tâm, dồn hết sức tập trung cho việc học, 6 năm liền đều đạt học sinh giỏi và là lớp trưởng gương mẫu - dù hoàn cảnh không cho phép em đến bất cứ lớp học thêm nào...

Cũng không thể quên những nụ cười, niềm vui của những cảnh đời khốn khó của gia đình bác Ngô Thị Mai với ba mẹ con đều mắc bệnh hiểm nghèo; em Nguyễn Văn Định bị dị tật bẩm sinh; hay em Hoàng Long Tú Nhi (thôn 5, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột) bị dị tật tiêu hóa bẩm sinh, teo tóp đường ruột, sau một thời gian điều trị em lại mắc bệnh động kinh tâm thần trong khi hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, cùng nhiều trường hợp khác khi chúng tôi đến tận nơi trao tặng quà của Quỹ “Tấm lòng vàng” của Báo Dak Lak. Đến hôm nay, mỗi lần gặp lại, ông Hoàng Tấn Đạt, cha của bé Nhi vẫn còn xúc động trước nghĩa cử của Báo Dak Lak. Ông Đạt tâm sự, cùng với sự hỗ trợ của Báo Dak Lak, sau khi hoàn cảnh của gia đình ông được đăng tải đã có nhiều nhà hảo tâm tìm đến giúp đỡ. Sự giúp đỡ kịp thời ấy đã phần nào giúp gia đình ông vượt qua những khó khăn trước mắt.

Và càng không thể quên cuộc hành trình trong suốt Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” do Báo Dak Lak phối hợp Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật Quê hương (tại tỉnh Bình Dương) tổ chức thực hiện. Qua bao miền quê mà Chương trình đã đi qua, từ xã Ea Bông, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ), xã Yang Reh, Ea Trul (huyện Krông Bông)… đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự đón đợi của người dân và sự nhiệt tình, đồng lòng phối hợp của chính quyền địa phương. Trong chuyến đi ấy, điều làm day dứt, ám ảnh mãi khôn nguôi là hình ảnh về cuộc sống của người dân làng phong bên đỉnh đèo Phượng Hoàng: Cái nghèo nơi đây hiện rõ trên từng gương mặt, từng nếp nhà và trên cả sắc đất bạc màu: Vài mái nhà lúp xúp nằm lọt thỏm giữa sự hoang vu của núi rừng; những đứa trẻ mặt đen nhẻm, tóc cháy vàng lơ thơ ngồi nghịch đất; các cụ già ngồi thơ thẩn hong nắng trước sân… Người ốm trong làng còn nhiều hơn người khỏe; trẻ con 10 tuổi cũng đã trở thành lao động chính trong gia đình; đói ăn – ít học – đông con – bệnh tật, vòng luẩn quẩn ấy cứ làm cuộc sống của họ trở nên khốn khó… Những món quà được trao đến tay là sự sẻ chia đầy ấm áp nghĩa tình, là sự giúp đỡ thiết thực đối với những phận đời cơ cực ấy.

Trở thành nhịp cầu kết nối những tấm lòng có lẽ là niềm hạnh phúc vô bờ của những người làm báo chúng tôi.

 

Nhóm PV

 


Ý kiến bạn đọc