Multimedia Đọc Báo in

Từ công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số

09:05, 23/02/2011

Thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 18-1-2002 về việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, ngày 22-3-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 75-CV/TU về việc chỉ đạo phân công cho các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy phân công các cơ quan, đơn vị của tỉnh tiến hành kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể việc tổ chức kết nghĩa triển khai tới các huyện, thị, thành ủy và các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa.

Qua đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động thành lập ban chỉ đạo, phân công đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của đơn vị trực tiếp xuống các buôn được phân công kết nghĩa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát đánh giá đặc điểm, tình hình của buôn để làm cơ sở cho việc thực hiện chương trình kết nghĩa bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Với sự cố gắng nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở, đến nay, đã có 161 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố kết nghĩa với 141 buôn; 1.005 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học do huyện, thị, thành phố quản lý kết nghĩa với 463 buôn; 2.185 tổ chức đoàn thể, thôn xóm, tổ dân phố người Kinh kết nghĩa với 1.767/2.141 tổ chức, đoàn thể buôn.

Đại diện Công ty Điện lực Dak Lak tặng quà buôn M’riu. (Ảnh: Lê Ngọc)
Đại diện Công ty Điện lực Dak Lak tặng quà buôn M’riu. (Ảnh: Lê Ngọc)


Sau 6 năm thực hiện công tác kết nghĩa, một trong những thành công quan trọng chính là việc phối hợp với buôn vận động quần chúng nhân dân giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đề xuất với cấp ủy, chính quyền cơ sở xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh, phức tạp ở cơ sở, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác vận động quần chúng ở địa phương, vận động nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, nâng cao cảnh giác, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu và bọn phản động. Ngoài ra, trong các thời điểm tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vào các ngày lễ, Tết, các cơ quan ban, ngành thuộc tỉnh và huyện đã cử hơn 140.000 lượt cán bộ xuống thực hiện “ba cùng” với đồng bào ở buôn. Đặc biệt, đã phối hợp làm tốt công tác phát động quần chúng để ổn định tình hình, chủ động ngăn ngừa gây rối, tập trung giải quyết khiếu kiện đông người, vượt biên trái phép… Mặt khác, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã phối hợp với cấp ủy và các đoàn thể địa phương đẩy mạnh việc kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Qua đó, đã phát hiện và chủ động phối hợp giới thiệu được 500 quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét. Qua 6 năm đã kết nạp được 480 đảng viên mới, 2.292 đoàn viên; kiện toàn, củng cố được 169 chi bộ Đảng, 640 chi đoàn, chi hội.

Xác định việc giúp đồng bào buôn kết nghĩa xóa đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã triển khai các biện pháp, việc làm cụ thể nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong buôn với nhiều hình thức như: giúp bà con vốn không tính lãi, giúp ngày công lao động, hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón; vận động, hướng dẫn cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị còn giúp buôn kết nghĩa xây dựng các tổ tiết kiệm, hướng dẫn cách chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình; mở các lớp đào tạo nghề, liên hệ tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên trong buôn; nhận người vào làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp.

Ngoài việc giúp đồng bào buôn kết nghĩa xóa đói, giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp giúp buôn xây dựng đời sống văn hóa - xã hội như: trích quỹ phúc lợi, vận động cán bộ, công chức cơ quan đóng góp để xây dựng nhà trẻ, phòng học, nhà văn hóa cộng đồng cho buôn; làm nhà tình thương, nhà đại đoàn kết tặng các hộ chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở; tặng tivi, rađio, tủ sách, lắp đặt điện thoại, điện chiếu sáng, tặng dụng cụ sinh hoạt thể thao, nhạc cụ... cho người dân và buôn kết nghĩa.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã cử cán bộ xuống phối hợp với buôn kết nghĩa trong vấn để xây dựng đời sống văn hóa; tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho thanh thiếu niên; tặng quà và đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Kết quả, trong 6 năm qua, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã hỗ trợ cho buôn  quà, tặng phẩm, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống trị giá gần 38 tỷ đồng.

Có thể nói, công tác kết nghĩa đã góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, tinh thần đoàn kết gắn bó với đồng bào các dân tộc cho cán bộ công chức ở các cơ quan, đơn vị. Qua đó, tạo được mối quan hệ gần gũi, mật thiết giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở; giữa cán bộ công chức với cán bộ và nhân dân buôn kết nghĩa. Công tác kết nghĩa giữa thôn, tổ dân phố người Kinh với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa bàn. Đặc biệt, công tác kết nghĩa là một hình thức mới để nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh vạch trần luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động, phá hoại sự nghiệp đổi mới, chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch. Từ đó, làm cho đồng bào nhận thức rõ hơn, thấy được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy truyền thống tương thân tương ái, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mai Lan Anh
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.