Multimedia Đọc Báo in

Ai cũng cần có một cơ hội

16:15, 20/03/2011

1.Cháu gái tôi, học thí điểm chương trình tiếng Pháp suốt những năm tiểu học, lên cấp hai mới bắt đầu học tiếng Anh. Trong thời gian học cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh, cháu học thêm tiếng Anh và thi đạt 6.5 điểm IELTS. Để các cháu trong nhà có điều kiện trao đổi bằng tiếng Anh, gia đình tôi đã từng nhận một người bạn của cháu, là sinh viên nước ngoài đi thực tế làm luận văn thạc sĩ về sản xuất cà phê tại Buôn Ma Thuột, về ở chung ba tháng. Có lần, ba mẹ cháu đã thử cho cháu làm phiên dịch, nhân có các đồng nghiệp nước ngoài tới Buôn Ma Thuột theo một dự án, cháu chỉ vướng những từ chuyên môn của ngành thú y, chứ giao tiếp thì thành thạo. Bây giờ cháu đang du học ở Thụy Điển, năm thứ nhất chắc chắn khá vất vả, nhưng ít nhất phần nghe, nói cũng không đến nỗi nào. Gia đình chúng tôi đã trao cho cháu những cơ hội.

2.Em tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hơn một năm, chưa xin được việc làm. Muốn đi dạy thì không có chứng chỉ sư phạm. Chẳng biết nghe ai mách bảo, mẹ đưa em tới nhà tôi, mong được giúp đỡ tìm việc làm.Tôi không dám hứa, bởi đã từng chứng kiến học sinh của mình tốt nghiệp trung cấp, phải mất từ 40-60 triệu đồng (tùy nơi xa, gần) mới được đi dạy. Hoặc học sinh dân tộc, mặc dù có chỉ đạo cộng điểm của Sở Nội vụ, vẫn không được nhận, vì… nhiều lý do “chính đáng”. Qua trò chuyện, tôi thấy em khá tự tin về khả năng nghe và nói tiếng Anh của mình, bởi đã từng giao tiếp nhiều với bạn là người nước ngoài, khi còn học ở TP. Hồ Chí Minh.  Nhân chuẩn bị lễ hội cà phê, có các bạn quốc tế đến làm việc, tôi dự định giới thiệu em làm phiên dịch. Để cho “chắc ăn”, tôi nhờ một cô giáo là Việt kiều từ Mỹ về, chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ em, thẩm tra lại. Mặc dù đã cho biết đối tác không phải là người Mỹ, chỉ là người châu Âu nói tiếng Anh nhưng cô giáo vẫn khăng khăng khuyên tôi không nên nhận em, bởi nói tiếng Mỹ không chuẩn và  đối đáp theo kiểu sách vở, chưa đáp ứng được hội thoại thông thường.

Với suy nghĩ “ai cũng cần có một cơ hội”, vả lại, từ lâu, tôi vẫn có ý tìm một cộng tác viên là trí thức Êđê thông thạo tiếng Anh, lại nghe em phát âm tương đối chuẩn (tất nhiên là “chuẩn” theo cách nghe của người dốt tiếng Anh như tôi)  nên vẫn “liều mạng” để em làm việc với các đối tác nước ngoài. Sau một tuần làm việc, trừ vài lỗi nhỏ ngoài ý muốn về thời gian, ngoài những kiến thức về văn hóa dân gian chưa được trang bị, em tỏ ra đáp ứng được yêu cầu của bạn. Như vậy là em đã có được một cơ hội.

Giờ học Văn của học sinh Trường Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng. (Ảnh: T.L)
Giờ học Văn của học sinh Trường Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng. (Ảnh: T.L)


3.Ngày hội văn hóa thể thao các buôn dân tộc Êđê của TP. Buôn Ma thuột chào mừng 36 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3) năm 2011 có phần thi “Người đẹp và trang phục dân tộc”. Ở hai cụm, có tới hơn 40 nữ thanh niên nhiều lứa tuổi, tham gia dự ba vòng thi: trang phục truyền thống, trang phục tự chọn và ứng xử. Tôi thật sự thích thú khi ngắm những Niê, Êban, Buôn Yă, H’Mok, Buôn Krông…nghĩa là những cô gái xinh đẹp của rất nhiều dòng họ thuộc 33 buôn của thành phố, sải những đôi chân dài  trên sân khấu một cách duyên dáng và tự tin, trong những bộ váy áo truyền thống nguyên gốc vừa kín đáo vừa lịch sự của người phụ nữ Êđê xưa, hay trong những bộ sườn xám, đầm dạ hội, trang phục công sở hiện đại, sang trọng… cắt may từ vải thổ cẩm, qua bàn tay những người mẹ, người chị cần mẫn trong cuộc thi nghề dệt thổ cẩm, cũng cùng lúc diễn ra trên nhà cộng đồng ngay kề bên. Dẫu có những em chọn trang phục phổ thông như đầm dạ hội, áo dài, khăn vành dây, trang phục thể thao… thì cái đẹp nồng hậu từ thổ cẩm vẫn nổi bật lên mà không cần đến bất cứ một sự chiếu cố nào. Thật thú vị khi sự xuất hiện của H’Tý hay H’Trâm… được các bạn trẻ trong các buôn rất hồn nhiên nhiệt liệt hưởng ứng, không chỉ bằng tiếng vỗ tay mà còn cả những tiếng hú rất đặc trưng âm thanh của núi rừng.

H’Nhiệt Êban ở buôn Tăng Jú, H’Zo Na ở buôn Komleo hoàn hảo với giải Nhất ở vẻ đẹp và sự trình diễn rất “điệu nghệ”, tự tin cả ở trang phục truyền thống lẫn cải tiến. Những Carolin Byă, H’Tý Mlô, H’Mai Niê vô cùng duyên dáng và xinh đẹp trong những bộ váy áo cải tiến. Hoặc H’Rem Buôn Krông, H’Mari Êban, giành giải ứng xử hay nhất thật xứng đáng…

Tôi lại chợt mong: giá các em có cơ hội xuất hiện đâu đó trên những sàn diễn thời trang đang trở nên ngày một quen thuộc với Việt Nam, biết đâu chúng ta lại chẳng có một Naomi Tây Nguyên  nào đó nhỉ?

4.Vẫn còn nữa chuyện về những cơ hội: Mỗi lần lễ hội, cho dẫu không doanh thu, Ban tổ chức vẫn thường yêu cầu mời một vài ca sĩ hoặc ban nhạc nổi tiếng, hay hoa hậu nào đó. Nhưng năm nay,Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2011 Lê Quý Dương và tôi rất đồng quan điểm khi đề xuất với UBND tỉnh việc không mời các ca sĩ “thị trường”, mà phát huy tối đa những giọng hát Tây Nguyên đã từng đoạt giải ở các liên hoan ca hát toàn quốc như Sao Mai, Ngôi sao tiếng hát truyền hình... Ừ! Tại sao lại không cho công chúng cơ hội thưởng thức và tự hào về con cháu quê hương mình và để những H’Zi Na B’yă, Y Ga Ria Ênuôl, hay Huang Thuyên… có cơ hội hát trên chính mảnh đất đã trao cho các em tất cả hương sắc đậm đà của đất trời và núi rừng cao nguyên?

Con người ai cũng có quyền ước mơ và hy vọng, ngoài việc tự thân vươn tới và tìm cho mình những con đường mở cánh cửa đi tới tương lai, còn phải có cơ hội. Nhưng không phải ai cũng có và thật ra thì cũng không thể có nhiều người có thể và mong muốn tạo được cho các bạn trẻ một cơ hội. Không biết điều tôi nghĩ có đúng không?

 H’Linh Nga Niê Kdăm

 


Ý kiến bạn đọc