Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Năng: Hướng hoạt động về cơ sở

08:32, 07/03/2011

Việc nâng cao trình độ cho cán bộ phụ nữ ở cơ sở, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh toàn diện luôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Năng chú trọng.

Ngoài việc phân công cán bộ phụ nữ trực tiếp xuống các địa bàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động, nhất là phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng và phát triển hội viên, Hội LHPN huyện còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức tập huấn, triển khai các nghị quyết của cấp trên cho cán bộ phụ nữ chủ chốt ở các xã, thị trấn, các chi, tổ hội. Không chỉ đội ngũ cán bộ hội được nâng cao trình độ nghiệp vụ mà nhiều hội viên còn thường xuyên được học tập, nâng cao kiến thức, hiểu biết về khoa học-kỹ thuật, về giới, cách giao tiếp và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Các lớp tập huấn công tác Hội, sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ, tọa đàm, hội thi với nhiều nội dung đa dạng, phong phú đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Điều đáng nói là thông qua những hoạt động này, Hội có điều kiện tìm hiểu tâm tư, đời sống của từng hội viên để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, kịp thời. Nhờ đó, chị em đã ngày càng tin tưởng tham gia công tác hòa giải, giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, làng xóm. Chị Nguyễn Thị Lý (thôn Xuân Hà 2, xã Phú Xuân) thổ lộ: “Qua các buổi sinh hoạt hội, mình không những có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, giao lưu với các chị em mà còn được nghe phổ biến thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con cái, cách đối nhân xử thế trong gia đình, xã hội. Hội đã thực sự trở thành “chỗ dựa” cho hội viên”.

Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" của hội viên phụ nữ xã Phú Xuân.
Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" của hội viên phụ nữ xã Phú Xuân.

Cùng với việc nâng cao kiến thức, hiểu biết về văn hóa - xã hội, khi tham gia sinh hoạt, những chị em có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn còn được Hội giúp vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2010, các cấp hội trong toàn huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách-Xã hội giúp cho trên 4.700 chị thuộc 147 tổ vay tổng số tiền hơn 54 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội còn tiếp tục duy trì Quỹ “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” với tổng số vốn hơn 313 triệu đồng cho 164 chị vay; thành lập 216 nhóm tín dụng tiết kiệm gồm hơn 6.900 thành viên tham gia với số quỹ hơn 1,2 tỷ đồng; vận động 197 chị có kinh tế khá giúp cho 122 chị khó khăn với số tiền trên 283 triệu đồng và hàng trăm ngày công. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn vay, Huyện Hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, hội thảo về cách trồng rau sạch, nuôi bò sinh sản, trồng chanh dây, ca cao… Nhờ vậy, nhiều chị em đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập. Thực hiện phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, ngoài việc triển khai và nhân rộng các mô hình như “Gia đình động viên con em học tập”, “Gia đình thực hiện 5 không 3 sạch”, “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, các cấp hội còn chú trọng công tác kết nghĩa. Đến nay, toàn huyện đã có 102 chi hội phụ nữ người Kinh kết nghĩa với 25 chi hội phụ nữ buôn dân tộc thiểu số. Các đơn vị kết nghĩa thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cách ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường. Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2010, các cấp hội tiếp tục duy trì 142 hũ gạo tình thương và 310 heo đất tiết kiệm, thu được gần 600 kg gạo và hơn 49 triệu đồng giúp đỡ cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, gặp tai nạn đột xuất…

Bằng những hoạt động thiết thực, Hội LHPN huyện Krông Năng đã ngày càng thu hút đông đảo chị em đến tham gia sinh hoạt, nâng tổng số hội viên lên 16.301 người. Hội luôn đạt danh hiệu vững mạnh trong nhiều năm liền và trở thành “điểm tựa” cho cán bộ, hội viên vươn lên xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. 

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.