Multimedia Đọc Báo in

“Amai khoa” dân số

09:26, 06/04/2011

“Amai khoa” tiếng Êđê có nghĩa là “Người chị cả”. “Amai khoa” dân số là tên gọi thân mật mà chị em các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Bhôk (Cư Kuin) dành cho chị Amí Sơn, cán bộ dân số xã.

Amí Sơn (tên thật là H’ Răng Mlô) đã tham gia công tác dân số của xã Ea Bhôk từ năm 1995, đến nay đã hơn 15 năm. Xã Ea Bhôk có 17 thôn, buôn, trong đó có 8 buôn chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại chỗ với 1.189 hộ và 6.234 nhân khẩu. Trước đây, trong đồng bào vẫn phổ biến quan niệm “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ” nên người dân nơi đây sẵn sàng “đẻ khi nào hết trứng thì thôi”. Vì thế, tình trạng các cặp vợ chồng sinh 4, 5 con khá phổ biến, thậm trí có cán bộ xã mà còn sinh đến… 10 con. Thực tế đó đã khiến công việc của Amí Sơn hết sức khó khăn, vất vả. Chị cho biết: Nếu như đối với những thôn người Kinh công việc vận động khó một thì với các buôn người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phải khó mười. Tuy nhiên, với lợi thế là người Êđê, Amí Sơn đã tìm mọi cách vận động các gia đình - đặc biệt là chị em - thực hiện các biện pháp phòng tránh thai, trong đó, cách thức hiệu quả nhất mà Amí Sơn gọi đùa là “đi đêm” theo phương châm “mưa dầm, thấm sâu”. Nghĩa là cứ mỗi tối, chị lại đến từng buôn, vào từng nhà để vận động. Chị đi làm mà như đi chơi, không vội vàng, không quan cách mà chỉ như người bạn đến thăm chị em và tìm hiểu đời sống gia đình họ, sau đó dần dần đi vào chủ đề kế hoạch hóa gia đình. Hầu như các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều được Amí Sơn ghé thăm theo kiểu “khách không mời mà đến”. Tuy nhiên khi chị đến rồi thì ai cũng cảm thông với công việc của chị và họ đều hiểu rằng, chị đang mang niềm hạnh phúc và sự ấm no đến cho mỗi nhà khi thực hiện tốt công tác KHHGĐ.

Amí Sơn đang tuyên truyền về KHHGĐ cho một gia đình đồng bào dân tộc ở xã Ea Bhôk.
Amí Sơn đang tuyên truyền về KHHGĐ cho một gia đình đồng bào dân tộc ở xã Ea Bhôk.
Tính đến nay, tại các thôn, buôn của xã Ea Bhôk đã có cả nghìn gia đình thực hiện các biện pháp phòng tránh thai, nhờ đó mà tỷ suất sinh của toàn xã đã giảm đáng kể. Từ đó, chất lượng cuộc sống của các gia đình cũng đã từng bước được nâng lên khi thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình. Trong tất cả các chỉ tiêu về KHHGĐ thì chỉ tiêu đình sản là khó khăn nhất. Vậy nhưng năm nào Amí Sơn cũng thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu. Cứ mỗi ca đình sản mà chị đưa đi được trả thù lao 70.000 đồng, tính ra vừa đủ tiền chị thuê 2 chiếc xe ôm để chở chị và người đi đình sản. Công việc xong xuôi, người đình sản được hỗ trợ tiền ăn uống bồi dưỡng, còn Amí Sơn phải bóp bụng ra về. Hầu như sau tất cả các ca đình sản, cuộc sống của các gia đình đã trở lên khá hơn, vợ chồng chỉ lo làm ăn mà không còn sợ “vỡ kế hoạch”.
Công việc vất vả vậy nhưng phụ cấp chẳng được bao nhiêu. Bù lại, Amí Sơn năm nào cũng được khen thưởng và nhất là ngành dân số luôn đánh giá cao vai trò của chị. Và, điều chị vui mừng nhất là các gia đình mà chị đến vận động thực hiện KHHGĐ đã có cuộc sống tốt hơn so với trước đây rất nhiều. Hiện nay, theo chủ trương của ngành y tế, cán bộ dân số phải có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp y trở lên, trong khi Amí Sơn chỉ học hết lớp 7 từ hồi sau giải phóng (1975) nên chị phải nghỉ việc để hưởng chế độ “một cục” với số tiền khoảng 10 triệu đồng, số tiền mà theo Amí Sơn là có thể đủ mua một con bò cái sinh sản. Amí Sơn tỏ ra khá tiếc nuối khi phải chia tay với công việc mà mình đã gắn bó khá lâu. Song như một thói quen, chị vẫn thường xuyên đến với các gia đình như những ngày trước đây để thăm hỏi và vận động họ thực hiện các biện pháp phòng, tránh thai. Và với nhiều chị em ở xã Ea Bhôk, Amí Sơn vẫn là “amai khoa” dân số của buôn làng…

 

H’ Nguyệt Ayun

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.