Multimedia Đọc Báo in

Những cán bộ phụ nữ năng động

17:17, 01/04/2011

Năng động, tích cực và luôn cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ xã hội cũng như công việc gia đình là những phẩm chất đáng quý của các cán bộ hội phụ nữ. Bằng nhiệt huyết của mình, họ đã góp phần củng cố, xây dựng tổ chức hội cơ sở ngày càng vững mạnh.

Người hết lòng vì công tác hội
Nhanh nhẹn lại nói thạo tiếng phổ thông nên năm 2000, chị Dương Thị Bộ (thôn Hiệp Kết, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội Phó chi hội phụ nữ thôn. Thôn Hiệp Kết có trên 80% dân số là người dân tộc phía Bắc, phần lớn là dân di cư, sống không tập trung, trình độ dân trí thấp. Thêm vào đó, lúc đầu khi mới tham gia công tác phụ nữ, do không có kinh nghiệm nên việc tuyên truyền, vận động chị em tham gia sinh hoạt hội gặp rất nhiều khó khăn. Không ngại khó, ngại khổ, một mặt chị Bộ tích cực tham gia các lớp tập huấn của hội để nâng cao kiến thức, kỹ năng sinh hoạt, mặt khác chị tranh thủ cả những khi đi làm nương rẫy cùng chị em để tuyên truyền. Cùng là người dân tộc thiểu số nên chị hiểu rõ quan niệm đẻ nhiều, đẻ dày dẫn đến nghèo đói, thất học của người dân trong thôn. Vì vậy, với trách nhiệm của một cộng tác viên dân số, ngoài việc đi đến từng hộ gia đình phân tích, thuyết phục họ sử dụng các biện pháp tránh thai, chị còn tìm đến các cộng tác viên dân số lâu năm trao đổi, học hỏi thêm để có cách tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt hội, chị cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền về công tác dân số. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã nhận thức được lợi ích của việc kế hoạch hóa gia đình. Từ những nỗ lực của chị, gần 90% hội viên phụ nữ của thôn đã thực hiện được 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", hai năm gần đây toàn thôn không có hộ sinh con thứ 3 trở lên.

Chị Dương Thị Bộ (ngồi giữa) đang nghe chị em trao đổi trong buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi hội.
Chị Dương Thị Bộ (ngồi giữa) đang nghe chị em trao đổi trong buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi hội.
Năng động làm giàu
Sau vài năm chuyển vào lập nghiệp ở Dak Lak, vợ chồng chị Lương Thị Chiên, dân tộc Thái (thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã khai phá và mua dần được 2 ha đất nhưng cũng chỉ trồng hoa màu đổi lấy cái ăn hằng ngày. Nhìn những tấm gương vượt khó thoát nghèo, những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn, chị luôn trăn trở, tại sao mọi người có thể làm giàu được mà mình thì không. Từ suy nghĩ đó, chị đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt chị đã biết đến mô hình VAC. Sau biết bao tính toán, bàn bạc cùng chồng, chị Chiên quyết định thay đổi phương thức sản xuất. Với  diện tích 2 ha trước đây, chị Chiên chỉ giữ lại khoảng 3 sào đất để trồng lúa, số diện tích trên cao, anh chị trồng dần cà phê, chỗ đất trũng lại đào ao nuôi cá cải thiện bữa ăn. Để “lấy ngắn nuôi dài”, chị còn chăn nuôi thêm heo, gà. Nhờ vậy, đến nay, anh chị đã ổn định cuộc sống, xây dựng được căn nhà khang trang, lại có của ăn của để, nuôi 2 con học hành đến nơi đến chốn. Điều đáng nói, không chỉ làm giàu cho gia đình, với cương vị của Chi hội phó chi hội phụ nữ thôn 4, chị Chiên còn vận động những hội viên có kinh tế khá, giúp vốn, ngày công cho chị em nghèo, động viên mọi người cùng tham gia thành lập tổ tiết kiệm vay vốn, đóng góp gần 4 triệu đồng, giúp hội viên khó khăn vay xoay vòng, lãi suất thấp. Bên cạnh đó, chị Chiên còn cùng với Ban Chấp hành chi hội xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Heo đất tiết kiệm” để hỗ trợ kịp thời cho chị em nghèo, những gia đình gặp tai nạn, đau ốm đột xuất và những cụ già nghèo neo đơn…

Công tác hội là niềm vui
Mặc dù bận rộn với công việc gia đình, nhưng chị Lê Thị Đức (thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) đã biết cách bố trí, sắp xếp thời gian để tham gia công tác Hội Phụ nữ. Với đặc điểm trong thôn đa số đều là người dân tộc thiểu số phía Bắc, trình độ dân trí thấp lại có nhiều tập quán lạc hậu nên mọi công tác tuyên truyền đều gặp khó khăn. Vận động chị em tham gia tổ chức hội đã khó, để chị em chấp nhận việc sinh đẻ có kế hoạch càng khó hơn. Mặc dù vậy, với trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, chị Đức đã cùng Ban tự quản thôn và các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm lo phát triển kinh tế. Đối với những cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra xích mích, cãi vã, những gia đình có trẻ em hư, bỏ học giữa chừng, bên cạnh việc tranh thủ uy tín và tiếng nói của trưởng thôn, trưởng dòng họ, chị Đức còn trực tiếp đến khuyên răn, hòa giải. Đi một lần, hai lần chị em chưa nghe, chị Đức lại tiếp tục kiên trì đến nhiều lần. Thuyết phục chị em tin và nghe theo, chị Đức đã tiên phong đi đầu trong việc làm kinh tế, phát triển sản xuất tăng thu nhập cho gia đình. Ngoài việc đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê, 1 ha hoa màu, chị còn tranh thủ thời gian làm giá đỗ để bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ. Để giúp chị em có điều kiện vươn lên, chị không chỉ cho mượn cây, con giống mà còn vận động 20 hội viên tham gia xây dựng tổ tiết kiệm vay vốn. Nhờ vậy, hội viên đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Chị Đức thổ lộ: “Làm công tác hội tuy vất vả nhưng vui lắm. Tôi đã học hỏi được nhiều điều hay, lẽ phải, những cách làm kinh tế hiệu quả để truyền đạt lại cho chị em, giúp họ dần ổn định cuộc sống. Đó cũng chính là niềm tin, động lực giúp tôi khắc phục khó khăn, làm tốt công việc được giao”.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc