Multimedia Đọc Báo in

Từ những chính sách an sinh xã hội...

15:59, 29/04/2011

An sinh xã hội là mục tiêu cốt lõi trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở giai đoạn nào mục tiêu này cũng được coi trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cùng với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ luôn chú trọng và không tách rời với nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng lúc vận hành nhiều chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp
Hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện được triển khai dưới nhiều góc độ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện lao động, học tập tốt nhất cho người dân, nhất là người lao động bị mất việc làm, người nghèo, nông dân. Có thể kể đến những chính sách về tín dụng ưu đãi gắn với tạo việc làm, đào tạo nghề, tạo cơ hội nâng cao trình độ tay nghề, tăng thu nhập cho người dân. Thống kê sơ bộ, Nhà nước đã ban hành khoảng 20 chính sách tín dụng ưu đãi, sử dụng cơ chế vay tín dụng thông qua các chương trình, tổ chức, hội đoàn thể như tín dụng để phát triển sản xuất, tín dụng cho học sinh, sinh viên. Đối tượng hưởng lợi của các chính sách rất đa dạng: người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, thanh niên, người đi xuất khẩu lao động, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại các vùng khó khăn, người có thu nhập thấp. Trong giai đoạn 2003-2010, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Nhà nước đã cấp bù lãi suất cho vay tín dụng ưu đãi khoảng 6.196 tỷ đồng cho phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống góp phần thực hiện giảm nghèo và học tập nâng cao trình độ.

Hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với nhiều cơ chế hỗ trợ cũng là một trong những giải pháp được các bộ ngành, địa phương quan tâm, triển khai nhằm xóa đói giảm nghèo, giải quyết bài toán thiếu việc làm nhất là ở vùng nông thôn. Đơn cử như Đề án hỗ trợ 62 huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Đề án dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đến 2015, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 83 nghìn người được đưa đi xuất khẩu lao động, trong đó khoảng 80% là lao động thanh niên, người dân nông thôn. Trong năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đó là cơ hội vàng cho đào tạo nghề lao động nông thôn.

Và gần đây nhất trong nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đời sống của đối tượng hộ nghèo, người có thu nhập thấp. Minh chứng rõ nét là khi áp dụng khung giá điện mới, các đơn vị chức năng đã và đang tạo mọi điều kiện giúp hộ nghèo tiếp cận được thông tin về việc phải đăng ký để được hưởng ưu đãi. Bộ Công Thương cho phép gia hạn thời gian đăng ký mua điện theo mức giá ưu đãi cho đối tượng các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50 kwh/tháng đến hết ngày 15-5-2011.

Khó có thể kể hết những chính sách an sinh xã hội đang được các đơn vị tổ chức thực hiện cố gắng vận hành hết công suất để mở rộng tầm ảnh hưởng đối với người lao động. Với Dak Lak, nhiều chính sách được Đảng và Nhà nước đầu tư, triển khai, thực hiện, từng địa phương cũng chủ động, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người lao động ở vùng cao nguyên còn nhiều khó khăn này.

Nhiều chính sách an sinh xã hội góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động.
Nhiều chính sách an sinh xã hội góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động.

Những mái ấm nghĩa tình
Cô Nguyễn Thị Lài (Trường Tiểu học Đray Sáp, xã Đray Sáp, (huyện Krông Ana) đã nhiều năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế gia đình thiếu thốn trăm bề nên dù đã công tác trong ngành giáo dục hơn 24 năm nhưng gia đình cô cũng không thể có được mái nhà đúng nghĩa để ở. Quả thực, trong hoàn cảnh mẹ chồng bị mù, tuổi cao sức yếu phải chăm sóc thường xuyên trong khi chồng sức khỏe yếu, không có việc làm, không có đất sản xuất, tất cả trang trải trong cuộc sống đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của nghề giáo viên thì việc có được căn nhà là điều không tưởng. Vừa qua, nhờ sự giúp đỡ của Công đoàn ngành Giáo dục huyện Krông Ana cùng với sự nỗ lực của bản thân, gia đình cô Nguyễn Thị Lài đã khởi công xây dựng căn nhà mơ ước của mình. Còn cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Cúc thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana), trong căn nhà cấp 4 khang trang rộng hơn 50 m2, đã không giấu được niềm vui khi thỏa ước nguyện có một căn nhà vững chắc che mưa che nắng. Cô tâm sự: Mong sao sẽ ngày càng có nhiều đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn như cô được hỗ trợ về nhà ở.

Không chỉ cô Lài, cô Phương có được niềm vui này. Với tinh thần tương thân tương ái, hàng trăm căn nhà được xây dựng bằng tấm lòng nghĩa tình nhà giáo. Theo thống kê của Công đoàn ngành Giáo dục (Sở GD-ĐT), đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 68 căn nhà được xây dựng từ Quỹ Công đoàn ngành. Địa phương được hỗ trợ nhiều nhất là huyện Krông Bông với 10 nhà (5 nhà đã hoàn thành, 5 nhà đã có quyết định). Theo ông Phan Xuân Phong, Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Krông Bông, sự hỗ trợ này đã góp phần giải quyết những khó khăn về nhà ở cho đoàn viên cơ sở tại một địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn như Krông Bông.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên, Công đoàn ngành giáo dục các huyện cũng đã chủ động xây dựng Quỹ Công đoàn tại cơ sở để hỗ trợ đoàn viên. Ông Nguyễn Văn Lỡi, Phó Trưởng phòng Giáo dục, Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Krông Ana cho biết, ngoài chương trình của công đoàn cấp trên, Công đoàn giáo dục huyện còn phát động trong đoàn viên mỗi năm đóng góp 100 nghìn đồng vào “Quỹ đoàn kết tương trợ”. Số tiền trên được chia thành 2 phần, một nửa giữ lại công đoàn cơ sở để giải quyết hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn đột xuất, một nửa được dùng để thực hiện hỗ trợ đoàn viên xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”. Nhờ đó, từ năm 2007 (tính từ ngày tách huyện), mỗi năm Công đoàn ngành giáo dục huyện Krông Ana đã hỗ trợ đoàn viên xây dựng 2 căn nhà, mỗi căn hỗ trợ 20 triệu đồng từ “Quỹ đoàn kết tương trợ” này. Hiện nay trên địa bàn huyện Krông Ana còn 19 đoàn viên có khó khăn về nhà ở nên trong thời gian tới, Quỹ sẽ tăng số tiền huy động trong đoàn viên để nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên khó khăn về nhà ở.

“Kênh” hỗ trợ khi người lao động mất việc làm
Từ ngày 1-1-2009, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành. Theo đó, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ 12 tháng trở lên và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhằm hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm do các nguyên nhân khác nhau. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc làm sẽ được hưởng các chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tìm việc làm và chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, không chỉ người lao động được hưởng quyền lợi mà người sử dụng lao động cũng không phải chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (khoản kinh phí này lớn hơn rất nhiều so với kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp).

Tại Dak Lak, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng: Nếu như năm 2009 mới chỉ có 30.962 lao động tham gia với số tiền thu được hơn 12 tỷ đồng, thì đến năm 2010 đã lên đến 74.518 lao động tham gia và thu được hơn 57,5 tỷ đồng. Công tác chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng đã được chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời: Trong năm 2010 có 401 người được nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 3,1 tỷ đồng và chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2011, đã có tới 565 người được chi trả bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng đã góp phần bảo đảm, ổn định đời sống cho các đối tượng tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp được tăng cường với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và trách nhiệm của các ngành, tổ chức đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện; nhận thức về trách nhiệm và tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng như người sử dụng lao động đã có những chuyển biến tích cực… Những điều đó cho thấy chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã ngày càng đến được với người lao động. Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Thu (Bảo hiểm Xã hội Dak Lak), bảo hiểm thất nghiệp là một thành phần trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Bảo hiểm thất nghiệp có tính chất tương trợ, lấy số đông bù số ít. Đơn vị thực hiện luôn cố gắng tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ nguyên tắc này bởi nếu không các khoản trợ cấp sẽ chỉ đơn thuần là một khoản “tiền tiết kiệm trả muộn” và ý nghĩa xã hội của bảo hiểm thất nghiệp sẽ mất đi…

 

Đàm Nam Anh

 


Ý kiến bạn đọc