Multimedia Đọc Báo in

Cần có đội ngũ “giám sát” công trường chuyên nghiệp

10:46, 22/05/2011

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu về xây dựng tăng nhanh. Hệ thống đường giao thông, chợ, siêu thị, các khu chung cư, nhà dân sinh... được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp ở khắp nơi. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là công tác an toàn vệ sinh lao động trong xây dựng chưa được quan tâm đúng mức để xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Hiểm họa tai nạn trong xây dựng
Dù hằng ngày phải treo mình trên độ cao hàng chục mét để bắc giàn giáo, đổ bê tông mái các tòa nhà, song anh Võ Văn Ngọc (thợ xây, kiêm… “chủ thầu” xây dựng ở huyện Krông Bông) không hề có dây an toàn, bảo hộ lao động. Thứ đơn giản nhất là găng tay, mũ nhựa, ủng cũng không có. Anh Ngọc cho hay: nhiều lúc leo lên tầng 3, tầng 4 trong tư thế không dây an toàn, trời thì gió mạnh, đứng chông chênh trên giàn giáo với những cây gỗ chống chỉ nhỏ bằng bắp chân, còn gỗ bắc thanh ngang thì mỏng manh cũng thấy rợn người, nhưng may mắn là đến giờ vẫn chưa bị vụ gì nặng quá (!)… Thỉnh thoảng anh Ngọc và vài người cùng làm đã bị dính đinh ở giàn giáo, bị gỗ, gạch rơi vào người, xây xát mặt mày, song đều cắn răng chịu đựng và tự giải quyết. Bởi tất cả họ là những lao động làm theo thời vụ, lương trả theo ngày. Chính “chủ thầu” cũng là nông dân chính thống, đi phụ hồ riết, học lõm được nghề xây vậy là nhận công trình rồi thuê thêm ít thợ lành nghề nữa làm. Thật sợ khi nghe anh Ngọc “tiết lộ” anh đã làm đến gần chục ngôi nhà tầng rồi nhưng vẫn chưa rành đọc bản vẽ…(!) Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: những chủ thầu và thợ xây tay ngang như anh Ngọc đang chiếm phần lớn trong lực lượng xây dựng của tỉnh. Vì nhu cầu xây dựng trên địa bàn lớn nên các công ty, chủ thầu xây dựng cũng đua nhau mọc lên như nấm. Không chỉ công trình nhỏ, thợ tay ngang mới xảy ra tai nạn lao động mà tại nhiều công trình xây dựng cầu, đường, nhà cao tầng của những Công ty xây dựng lớn cũng xảy ra tai nạn thương tâm. Các tai nạn, như: sập giàn giáo, công nhân đang làm việc từ trên cao bị rơi xuống đất, đổ cột trụ, rơi cần cẩu; có trường hợp bị đổ sập cả sàn bê-tông nặng hàng chục tấn... Thậm chí, có khu nhà cao tầng trong cả quá trình thi công, xảy ra tới gần chục vụ tai nạn. Mới đây nhất, vào tháng 10-2010, tại công trình xây dựng khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai (đường Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Ma Thuột) một công nhân do bất cẩn đã rơi từ tầng 11 xuống và tử vong…

Công nhân "làm xiếc" trên công trường xây dựng.
Công nhân "làm xiếc" trên công trường xây dựng.

Đâu là nguyên nhân
Chưa có một thống kê nào về các vụ tai nạn lao động thuộc lĩnh vực xây dựng xảy ra trên địa bàn vì theo ông Nguyễn Duy Tuyết, Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH thì: Các vụ tai nạn lao động đều được các Công ty, chủ thầu xây dựng giấu nhẹm và tự giải quyết vì đa phần công nhân không được ký hợp đồng lao động hay thực hiện chế độ bảo hiểm nào. Ngay như vụ chết người ở công trình khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai, mặc dù biết tin qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vì không được Công ty báo cáo và không nhận được kết luận từ cơ quan công an nên chúng tôi cũng không thể can thiệp hoặc đưa trường hợp này vào tai nạn lao động…

Qua thực tế cho thấy: do cơ chế thị trường cạnh tranh trong đấu thầu, các đơn vị trong ngành xây dựng phải bỏ thầu thấp để được trúng thầu. Khi trúng thầu rồi, họ phải giảm chi phí bằng mọi cách, trong đó có việc giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động cá nhân, lưới che chắn, sàn thao tác, hệ thống giàn giáo. Những chủ thầu thường quá tập trung vào tiến độ sản xuất nên thường thúc ép thợ của mình làm hết công suất, kể cả vào những thời điểm giờ nghỉ trưa hay ca đêm. Ngoài ra, việc các ngành chức năng chưa quản lý chặt chẽ, thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ). Lực lượng thanh tra lao động quá mỏng mà doanh nghiệp thì quá nhiều vì vậy lĩnh vực xây dựng chưa phải là “điểm nóng” cần quan tâm hàng đầu. Trong năm 2010, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh chỉ tiến hành kiểm tra ở 2 công trình xây dựng lớn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột là công trình khu căn hộ cao cấp của Công ty Hoàng Anh Gia Lai và tòa cao ốc do Công ty xây dựng Phú Xuân  thi công. Kết quả, cả 2 đơn vị đều mắc phải các lỗi cơ bản như: Người lao động không được trang bị bảo hộ lao động  và huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; không được khám sức khỏe định kỳ… Quan trọng hơn cả là quy định chế tài, xử phạt hiện còn chưa rõ ràng, vẫn còn chung chung khiến rất lúng túng khi xử lý. Mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATLĐ quá nhẹ. Theo Nghị định 113/2004 của Chính phủ, vi phạm về vệ sinh ATLĐ bị xử phạt hành chính từ 200.000đ đến 20 triệu đồng. Với mức phạt này, không ít chủ doanh nghiệp “thà nộp phạt còn hơn phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để bảo đảm vệ sinh ATLĐ theo đúng quy chuẩn”. Rõ ràng, khâu kiểm soát hiện nay quá lỏng lẻo nên tai nạn lao động thường xuyên xảy ra là điều tất nhiên.

Với độ cao hàng chục mét nhưng công nhân xây dựng vẫn không hề có đai an toàn và bảo hộ lao động.
Với độ cao hàng chục mét nhưng công nhân xây dựng vẫn không hề có đai an toàn và bảo hộ lao động.

Cần thiết phải có đội ngũ giám sát công trường chuyên nghiệp
Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều quy định liên quan đến ATLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định này gần như vẫn vô hiệu. Ngay cả quy định về việc khai báo TNLĐ cũng không được người sử dụng lao động tuân thủ. Mới đây nhất, ngày 18-1-2011, Thông tư số 22 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình bắt đầu có hiệu lực. Thông tư quy định, chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thành lập bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng trên công trường; tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động của nhà thầu, nếu nhà thầu không khắc phục thì chủ đầu tư phải đình chỉ thi công hoặc chấm dứt hợp đồng; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình an toàn lao động của dự án, công trình theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động trên công trường xây dựng có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp mà vẫn không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.

Tuy vậy, thông tư này vẫn chưa được ngành xây dựng triển khai và chưa có chuyển biến gì đối với các chủ thi công. Nhằm hạn chế tai nạn lao động có thể xảy ra, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những chế tài mạnh về quản lý, xử phạt các chủ thi công sát thực hơn như: Các đơn vị xây dựng phải có kế hoạch và đảm bảo các khoản chi phí về công tác an toàn vệ sinh lao động đã được phê duyệt trong dự toán xây dựng công trình. Khoản chi này không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ không được quyết toán. Hơn nữa, thực tế cho thấy: không thể nhanh chóng kêu gọi, huấn luyện ý thức cũng như kỹ năng tự bảo vệ mình của người lao động khi mà gánh nặng mưu sinh đang đè nặng lên vai họ và từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình. Chính vì vậy cùng với chế tài xử phạt mạnh đơn vị thi công, chỉ còn cách cần xây dựng, đào tạo một đội ngũ giám sát công trường chuyên nghiệp bắt buộc người lao động phải tuân thủ đúng quy trình, thao tác nghề nghiệp. Họ chính là những kỹ sư bảo hộ ATLĐ trên công trường, là những người chịu trách nhiệm và lập kế hoạch thi công an toàn, đúng kỹ thuật.

 

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc