Multimedia Đọc Báo in

Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”: Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình

08:33, 28/06/2011

Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” không chỉ là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN các cấp mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của mọi thành viên trong mỗi gia đình. Để giúp hội viên thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đó, chi hội phụ nữ thôn 3 (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình hạnh phúc”, thu hút sự tham gia của nhiều cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi khác nhau.

Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa ra đời CLB, chị Võ Thị Luận, chủ nhiệm CLB “Gia đình hạnh phúc” thôn 3 cho biết: “Bên cạnh những mặt tích cực, cuộc sống của mỗi gia đình hiện nay đang gặp phải nhiều trở ngại, phức tạp do sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên, tình trạng bạo lực gia đình… Vì vậy, CLB “Gia đình hạnh phúc” ra đời nhằm giúp các thành viên sẻ chia, tháo gỡ khó khăn, tìm ra những biện pháp hữu hiệu để cùng nhau xây dựng một gia đình êm ấm, hạnh phúc”. CLB được thành lập đầu năm 2010 với 19 thành viên, đến nay đã có 34 thành viên đăng ký tham gia sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Tại mỗi buổi sinh hoạt, nhiều chuyên đề thiết thực trong cuộc sống hằng ngày như: Làm sao để phát triển kinh tế gia đình; Vợ chồng cùng giúp đỡ, chia sẻ, thông cảm lẫn nhau; Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; Vấn đề học hành của con cái; Ứng xử giữa mẹ chồng – nàng dâu… lần lượt được đưa ra để các gia đình cùng bàn bạc.

Gia đình chị Võ Thị Luận (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền) đã tham gia Hội thi “Gia đình hạnh phúc” huyện Krông Bông lần thứ I-2010.
Gia đình chị Võ Thị Luận (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền) đã tham gia Hội thi “Gia đình hạnh phúc” huyện Krông Bông lần thứ I-2010.
Một trong những yếu tố thu hút được các thành viên tham gia là CLB đã đề ra được nội dung sinh hoạt thiết thực được cộng đồng và các gia đình quan tâm. Các hình thức sinh hoạt được đổi mới cho phù hợp với nội dung như: mời báo cáo viên về nói chuyện; tổ chức tọa đàm, thảo luận; biểu diễn văn nghệ; hội thi văn nghệ giữa các CLB tại địa phương; tham quan học tập điển hình… Chị Phạm Thị Tứ, thành viên CLB thổ lộ: “Mới đầu, tôi tham gia CLB với ý định “thử cho biết”, nhưng càng tham gia tôi càng thấy bổ ích. Ở đây, tôi nhận được những lời khuyên, những câu nói động viên chân thành của các chị em, được tham khảo những phương pháp giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tôi nhận ra một điều, lâu nay mình đã sai trong cách cư xử với chính những người thân yêu nhất khi luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên tất cả các thành viên trong gia đình. Nhờ tham gia CLB, hiểu biết trong cách cư xử mà gia đình tôi đã đầm ấm hơn trước rất nhiều, không còn xảy ra các đợt cãi vã, bất đồng như trước nữa”. Điều khác biệt giữa CLB “Gia đình hạnh phúc” với các mô hình CLB khác ở chỗ không chỉ thu hút được phụ nữ mà cả nam giới cùng tham gia. CLB đã gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình sống yêu thương, có trách nhiệm với nhau hơn. Các gia đình trong thôn gần gũi, thân tình. đoàn kết cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thông qua CLB, những nhìn nhận về bình đẳng trong gia đình, cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực, không những phát huy mạnh mẽ vai trò của nam giới trong gia đình mà đã tạo điều kiện cho người phụ nữ thực hiện tốt hơn vai trò làm vợ, làm mẹ.. Anh Phạm Tấn Chương,  một trong những thành viên nam đầu tiên đăng ký tham gia CLB thổ lộ: “Trước đây, tôi vẫn cho rằng, việc xây dựng, vun đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình chỉ thuộc về nữ giới, nhưng nay tôi đã có suy nghĩ ngược lại. Sự tham gia của nam giới trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình đóng vai trò rất quan trọng”.

Phong trào thi đua phát triển kinh tế được CLB chú trọng. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi, CLB cũng huy động các thành viên đóng góp xây dựng quỹ tiết kiệm được hơn 17 triệu đồng cho 20 lượt thành viên vay xoay vòng, lãi suất thấp. Từ phong trào thi đua của CLB, hội viên đã tích cực, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh việc trồng lúa cao sản, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hội viên còn tạo điều kiện giúp đỡ nhau phát triển kinh tế bằng con giống, ngày công, vốn đầu tư. Nhờ vậy, nhiều chị em hội viên hoàn cảnh gia đình khó khăn đến nay đã vươn lên thoát nghèo và xây dựng mô hình kinh tế gia đình, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm như chị Trần Thị Trung với mô hình trồng chanh dây, chăn nuôi heo thịt và xay xát lúa; Phạm Thị Tứ với mô hình trồng lúa, hoa màu kết hợp chăn nuôi heo… Để phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, các thành viên trong CLB “Gia đình hạnh phúc” thôn 3 còn xây dựng một heo đất tiết kiệm. Vào mỗi lần sinh hoạt định kỳ, tùy khả năng, hoàn cảnh gia đình, các thành viên sẽ đóng góp để “nuôi” heo. Số tiền thu được dùng để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già, neo đơn trong thôn.

Chị Trần Thị Khuê, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đánh giá: “CLB “Gia đình hạnh phúc” ở thôn 3 là một trong những CLB hoạt động có hiệu quả, thiết thực, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của hội viên phụ nữ xã. Thời gian tới, Hội sẽ chủ động nhân rộng mô hình này ra các thôn khác để thúc đẩy phong trào, hoạt động của hội ngày càng phát triển”.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.