Multimedia Đọc Báo in

Gặp “gia đình Êđê giàu chữ nhất” ở xã Ea Tu

08:35, 28/06/2011

Người dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột luôn gọi gia đình chị H’Ni Êban (buôn Ju) là “nhà nhiều chữ nhất trong buôn Ju”. Theo chân một cán bộ xã đến thăm nhà chị, tiếp chúng tôi trong căn nhà xây nhỏ, đã cũ màu sơn, chị khiêm tốn kể về những người con của mình với niềm tự hào và hạnh phúc.

Tất cả các con của chị H’Ni đều đã học đến đại học, trong đó, người con lớn là Y Duy có việc làm ổn định. Người con thứ hai là H’Diên vừa tốt nghiệp ngành sư phạm Hóa, ĐH Quy Nhơn;  Y Lim học năm thứ 2, ngành trồng trọt, ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh; và H’Hội - cô con út - hiện đã hoàn thành xong chương trình học năm thứ nhất, ngành kế toán, ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Chị tâm sự, nhà đông con, lo cho đứa lớn rồi lại lo cho đứa nhỏ cực đủ đường. Với đồng lương giáo viên ít ỏi dù có hà tiện vẫn không đủ cho các con ăn học. Ngoài giờ lên lớp, chị tận dụng 3 sào đất vườn trồng dây khoai, gốc sắn, mấy luống rau và nuôi thêm con heo, bò. Hai vợ chồng ra sức làm lụng nhưng do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên làm vất vả mấy vẫn không đủ ăn. Thấy vậy, có người bảo chị H’Ni, cho con nghỉ học để chúng nó đi lên rẫy, đứa lớn làm phụ giúp nuôi đứa nhỏ cho bớt khổ. Nhưng dù khó khăn đến mấy chị vẫn quyết tâm cho các con theo học cái chữ, động viên con chăm chỉ học tập. Chị nói: “Lúc đó, mình chỉ nghĩ đơn giản, chỉ có học mới là con đường duy nhất thoát khỏi cảnh nghèo khổ như hiện nay”. Nét mặt đăm chiêu, H’Ni ngồi trầm ngâm nhớ lại những tháng ngày không ít khó khăn của  gia đình mình, chị kể: “Các con mỗi ngày mỗi lớn, nhiều khoản phải chi tiêu, có lúc trong nhà không còn tiền gạo, phải nhờ hàng xóm để về thổi cơm…”.

Chị H’Ni (thứ 3 từ trái sang) và các con đang trò chuyện với cán bộ dân số xã Ea Tu.
Chị H’Ni (thứ 3 từ trái sang) và các con đang trò chuyện với cán bộ dân số xã Ea Tu.
Trong những người con của chị, Y Duy là tấm gương hiếu học nổi bật nhất. Hiện, Y Duy đang giảng dạy tại Trường THPT Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) và theo học tiếp cao học. Có việc làm ổn định, Y Duy luôn động viên và dìu dắt các em mình cố gắng học tập. Có dịp hồi tưởng lại về những ngày đã qua, Y Duy tâm sự: “Dù khó khăn, vất vả là vậy nhưng mẹ chẳng bao giờ cho các con biết nỗi túng thiếu của gia đình. Mấy anh em đi học xa, mỗi lần có việc lại hỏi xin tiền mẹ, dù có vay mượn hoặc thế chấp chút ít tài sản đáng giá trong nhà nhưng lúc nào mẹ cũng quen miệng nói, “mẹ có tiền mà, con cứ yên tâm học cho chăm chỉ, đừng phụ lòng ba mẹ…”, càng nghĩ càng thấy thương mẹ nhiều quá…”. Không chỉ biết vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, gia đình chị H’Ni còn là một trong những gia đình làm kinh tế tiêu biểu của xã Ea Tu. Từ 3 sào đất vườn cằn cỗi, hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm trong chi tiêu, bên cạnh đó, chị còn tìm hiểu thêm từ sách, báo, đài, học hỏi các kinh nghiệm hay, cách làm mới để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, gia đình chị đã có 2 ha cà phê, 1 ha cao su, 3 sào lúa, ngoài ra, H’Ni còn nuôi đàn bò 10 con, trong đó có 5 con bò cái để gây giống, tận dụng nguồn phân bón cho vườn cà phê. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mình, chị H’Ni thường xuyên giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống và động viên các cháu trong buôn học hành. Rời nhà H’Ni, chia tay chị ra về, tiễn chúng tôi ra đến tận cổng, chị còn khoe rằng mình bây giờ đã có con dâu và sắp được lên chức bà rồi. Nhìn nụ cười hạnh phúc, có không ít nếp nhăn ở vầng trán, đuôi mắt ở người phụ nữ bước vào tuổi năm mươi, hơn nửa đời người vất vả, hết mình đề cao và lo sự học cho các con,  tôi hiểu những gì có được ngày hôm nay là cả một nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của chị. Chợt nhớ lời nói của Y Duy, càng hiểu nụ cười ấy chắc rằng đã có không ít lần ngồi đâu đó thầm khóc, để gắng gượng nói với con rằng “Mẹ có tiền mà, các con cứ yên tâm…”. Gia đình của H’Ni là một gia đình văn hóa, tiêu biểu cho lòng hiếu học của đồng bào Êđê, rất xứng đáng để mọi người noi theo và học tập.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.