Multimedia Đọc Báo in

Ám ảnh nỗi đau da cam

09:12, 12/07/2011

4 từ “chất độc da cam” không còn xa lạ đối với mọi người bởi những hậu quả do nó gây ra. Mặc dù vậy, chỉ những người trong cuộc mới thực sự hiểu thế nào là nỗi đau da cam – nỗi đau xuyên thế kỷ.

Nỗi đau không nói thành lời
Hầu hết người dân thôn Ea Đing (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đều biết đến gia cảnh của chị Phạm Thị Vinh, bởi trong số 5 người con của chị thì có đến 3 đứa bị nhiễm chất độc da cam. Trên 2 chiếc giường gỗ cũ kê ở góc nhà có 3 đứa trẻ. Đứa nằm, đứa ngồi, chân tay co quắp, miệng luôn nhoẻn cười hoặc phát ra những âm thanh vô nghĩa. Chị Vinh nấc lên từng tiếng khi kể cho chúng tôi nghe về những đứa con của mình: “Năm 1986 tôi sinh đứa đầu bình thường nên sau 2 năm lại mang thai. Khi sinh cháu, kiểm tra chân tay đầy đủ cả hai vợ chồng đều rất mừng, nhưng nào ngờ trí não cháu không phát triển, chỉ nằm bất động một chỗ. Hai năm sau tôi lại mang thai nhưng cháu thứ ba cũng không khác gì anh nó. Lúc đó, mang thai đã trở thành nỗi kinh hãi đối với tôi. Nhưng 4 năm sau, chồng tôi lại thuyết phục tôi sinh tiếp để thử vận may. Và may thật, đứa con thứ tư phát triển khỏe mạnh, bình thường. Nhưng đến đứa thứ năm, tôi thật sự tuyệt vọng bởi cháu cũng giống anh chị của mình. Ba đứa con tàn tật, ngây ngô, điên dại là 3 nỗi đau không thể nói thành lời”. Nỗi đau, sự vất vả của gia đình chị Vinh đã tăng lên gấp bội kể từ năm 2004 khi anh Nguyễn Văn Khanh – chồng chị chết vì bệnh ung thư gan. Người con đầu đã lập gia đình, con trai thứ tư đi học ở xa, mình chị vừa làm 6 sào cà phê, vừa chăm sóc 3 đứa con tật nguyền. Để có tiền nuôi các con, nhiều lúc chị Vinh cũng đành bỏ chúng ở nhà, tự vật lộn ở 4 góc giường, đến bữa thì về cho ăn. “Đã 23 năm nay, chưa đêm nào tôi được ngủ yên giấc. Khổ vậy nhưng cũng phải cố gắng chịu đựng. Con mình đẻ ra mình nuôi…”, chị Vinh nấc nghẹn.

Năm nay đã 18 tuổi nhưng em Ngô Xuân Vĩnh, con chị Lê Thị Năm ở thôn 7 (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) vẫn trong hình hài của đứa trẻ lên 5. Ngay từ khi sinh ra, chân tay Vĩnh đã bị khoèo, trí não không phát triển. Năm lên 8 tuổi, nhờ mẹ tận tình chăm sóc, luyện tập, Vĩnh cũng đi được nhưng chỉ bằng 10 đầu ngón chân nên cứ chực ngã nhào về phía trước. “Cháu biết đi gia đình cũng mừng lắm nhưng khổ nỗi do nhà không có cổng nên hễ cứ sơ ý là cháu bỏ đi mất, mọi người đổ xô tìm. Nhiều hôm, cháu ngủ luôn trong vườn cà phê, điều, khi chủ nhà phát hiện thấy lại báo cho gia đình đón về. Khổ nhất là mùa mưa, nhiều khi cháu không còn cái quần nào mặc vì cứ đi  “ngoài” liên tục”, chị Năm xót xa. Không chỉ có Vĩnh, đứa con đầu của chị Năm từ khi sinh ra đã khù khờ, trí não không phát triển nhưng cũng may vẫn còn đi lại và biết tự chăm sóc cho bản thân. Gia đình chị Năm là hộ nghèo của thôn, ngoài 6 sào cà phê, chị phải thuê thêm 2 sào ruộng trồng lúa để lấy gạo ăn nhưng nhiều vụ vẫn bị thiếu đói do mất mùa.

Ba đứa con tàn tật, ngây ngô, điên dại là ba nỗi đau không nói thành lời của gia đình chị Phạm Thị Vinh.
Ba đứa con tàn tật, ngây ngô, điên dại là ba nỗi đau không nói thành lời của gia đình chị Phạm Thị Vinh.
Cần lắm những tấm lòng sẻ chia
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Vinh, chị Năm, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, tạo điều kiện vay vốn làm ăn nhưng vòng luẩn quẩn “Da cam – bệnh tật – nghèo khổ” vẫn cứ bám riết họ.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4.500 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 235 cháu là nạn nhân thế hệ thứ 3. Hầu hết những gia đình có 2 nạn nhân da cam trở lên đều rơi vào cảnh khó khăn, nghèo đói. Nhiều người bản thân cũng bị bệnh tật dày vò nhưng vẫn phải tất tả ngược xuôi để nuôi những đứa con ốm yếu, dị dạng. Để chia sẻ nỗi đau đó, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và ở 15 huyện, thị xã, thành phố với 1.150 nạn nhân đăng ký là hội viên. Thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ nạn nhân da cam trên 3 tỷ đồng. Với số tiền trên, Hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 39 căn nhà cho nạn nhân chất độc da cam; thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ sản xuất cho hàng nghìn lượt gia đình. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng tích cực vận động kinh phí để triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam như thăm hỏi, tặng xe lăn, xe lắc, trao học bổng, tổ chức khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, hỗ trợ bò giống… Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống của gia đình các nạn nhân chất độc da cam đã dần ổn định và được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Song Hào, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, số người được giúp đỡ, thụ hưởng các chương trình, dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Năm 2011 là năm Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam. Tỉnh cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong dịp này để kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp giúp đỡ nạn nhân da cam. Vì vậy rất mong nhận được sự chung tay, sẻ chia của cả cộng đồng để góp phần xoa dịu nỗi đau, đem lại sự ấm áp, niềm tin cho các nạn nhân chất độc da cam.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc