Multimedia Đọc Báo in

Dân số nơi vùng sâu Ea Yiêng: Vẫn là “Trời sinh voi ắt sinh cỏ”!

11:15, 11/07/2011

Là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pak, song nhiều năm qua Ea Yiêng còn là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao hàng đầu của huyện.  Ở đây, chuyện mỗi gia đình có từ 5-7 người con, thậm chí là 10 hay 11 người không phải là chuyện hiếm. Cuộc sống nơi vùng sâu vốn đã rất vất vả , thì việc đẻ nhiều, đẻ dày càng khiến người dân thêm cơ cực bội phần…

Ngoài 4 đứa lớn theo cha đi làm thuê làm mướn, 4 đứa con nhỏ của chị Minh chỉ biết quanh quẩn bên mẹ chờ đợi cái ăn.
Ngoài 4 đứa lớn theo cha đi làm thuê làm mướn, 4 đứa con nhỏ của chị Minh chỉ biết quanh quẩn bên mẹ chờ đợi cái ăn.

Đẻ nhiều, đẻ dày và... nghèo đói
38 tuổi chị Minh (buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng) đã làm mẹ của 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 19 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới hơn 5 tháng tuổi. Suốt ngày bận bịu với mấy đứa nhỏ, chị chẳng còn thời gian để làm kinh tế, việc kiếm cái ăn cho cả gia đình 10 người đều trông chờ vào sức lao động của anh Hào chồng chị cùng 2 cậu con trai lớn. Cảnh nhà đông người, vườn ruộng lại ít (gia đình chỉ có 1,5 sào ruộng nước) nên dù chồng và các con chị Minh ra sức đi làm thuê làm mướn vẫn không sao lo nổi cái ăn qua ngày. Nhìn những đứa trẻ nheo nhóc ngồi bên cạnh, chị Minh bộc bạch: “Từ sáng đến giờ mấy đứa này mới chỉ có lưng bát cơm độn sắn trong bụng thôi, lúc nào đói thì uống nước cầm chừng đợi đến tối chồng tôi và mấy đứa lớn về cả nhà mới ăn bữa tối. Từ lâu rồi, chẳng bữa ăn nào có thịt, cá, bữa nào sang thì mâm cơm có thêm đĩa rau và chén mắm tôm, còn ngày thường chỉ cơm độn sắn chan tí nước muối…”. Nhìn bữa cơm chỉ có duy nhất nồi cơm độn sắn (đúng hơn phải gọi là sắn độn cơm, bởi sắn chiếm đến 3 phần trong nồi) cùng một chén nước muối chị vừa chuẩn bị để đợi chồng và các con về cùng ăn bữa chiều, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng với những đứa trẻ nhà chị thì bữa cơm nào dù có thức ăn hay không cũng đều ngon cả, vì trong cơn đói cồn cào, chúng được ăn đã là cả một niềm vui sướng. Đói khổ là vậy, nhưng khi hỏi ngừng việc sinh thêm, chị Minh cười và đáp: “Mình cũng không biết nữa, nếu có bầu thì phải đẻ chứ!?”.

 

Giống như chị Minh, chị Drênh (ở buôn Kon Wang) cũng có tiếng là “mắn đẻ” với 11 lần sinh. Đầu năm vừa qua, bước vào tuổi 43, vừa lo xong đám cưới cho cô con gái đầu (sinh năm 1986) cũng là lúc chị sinh hạ thằng út. Sinh con trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau mà lũ trẻ thì “ăn chưa no, lo chưa tới” nên chỉ nghỉ sinh được vài ngày chị lại vùi đầu vào công việc để mấy đứa trẻ có cái ăn. Suốt ngày tính toán, vật lộn với việc làm kinh tế, chị chẳng còn thời gian chăm sóc cho lũ trẻ, đành để chúng tự chăm nhau, đứa lớn trông đứa nhỏ. Chị cho biết: “Vợ chồng mình có 11 đứa con, 6 trai và 5 gái. Mấy năm trước 2 đứa bị bệnh  mất rồi, bây giờ chỉ còn 9 đứa thôi. Mình cũng không muốn đẻ nhiều, nhưng trời cho đứa nào thì nuôi đứa ấy chứ biết làm sao?!”. Cũng bởi cái suy nghĩ “trời sinh voi ắt sinh cỏ” mà khi được hỏi tên của những đứa trẻ trong nhà, chị vô tư trả lời: “Để  mình nghĩ đã, đông quá nhớ đâu có hết được!”.

Qua tìm hiểu được biết, với bà con dân tộc Xê đăng ở xã Ea Yiêng, sinh đẻ vượt kế hoạch là chuyện rất đỗi bình thường. Chuyện sinh con thứ bảy, thứ tám, thậm chí đẻ đến đứa… thứ mười vẫn chưa dừng lại không phải  hiếm. Cả xã có 5 buôn thì ở buôn nào cũng có các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Chẳng hạn như buôn Cư Drang có 116 hộ thì có đến 78 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên; hay như buôn Kon Wang, nằm ngay trung tâm xã cũng có đến 145 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, chiếm gần 37% số hộ của buôn.  Theo chị Lê, cộng tác viên dân số buôn Kon Wang cho biết, hiện tại buôn Kon Wang có 393 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm gần 92% (322 hộ) và hầu hết hộ nghèo đều rơi vào những hộ đông con. Nhiều gia đình vì quá nghèo không chịu cho con đi học, chỉ mong chúng lớn nhanh có thể cầm được cái cuốc là bắt con đi ruộng, đi rẫy lao động cùng bố mẹ. Vì thế, đến nay, nhiều đứa trẻ trong buôn chẳng hề biết mặt chữ, thậm chí có đứa lớn rồi vẫn không nói được tiếng phổ thông…

Mới chỉ có mấy hộ quanh nhà chị Minh mà bọn trẻ con đã lên tới gần 20 đứa.
Mới chỉ có mấy hộ quanh nhà chị Minh mà bọn trẻ con đã lên tới gần 20 đứa.

Tuyên truyền dân số: “Nói trước... quên sau”
Đưa chuyện đẻ nhiều, đẻ dày của phụ nữ trong vùng trao đổi với cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Yiêng, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Xã Ea Yiêng 90% là đồng bào dân tộc Xê đăng và hầu hết bà con đều theo đạo Thiên chúa giáo. Mặc dù, trong các buổi học giáo lý, nghe giảng đạo bà con cũng được Cha  khuyến khích giảm sinh nhưng phương pháp duy nhất cha khuyên dùng là Ogyno (phương pháp tránh thai bằng cách tính ngày rụng trứng), còn việc sử dụng các biện pháp khác như uống thuốc, tiêm thuốc hay đặt vòng tránh thai đều không hợp với đạo lý. Tuy nhiên, với chị em trong vùng, việc áp dụng phương pháp Ogyno không đạt hiệu quả vì để những phụ nữ suốt ngày bận bịu với ruộng đồng tính và nhớ được ngày rụng trứng là rất khó, do đó việc có thai ngoài ý muốn vẫn thường xuyên xảy ra…”. Chị Hương cũng cho biết thêm: “Rất nhiều chị em ở các buôn, sau một thời gian áp dụng biện pháp Ogyno không thấy hiệu quả, thấy các cộng tác viên đến nhà tuyên truyền, vận động về các biện pháp tránh thai khác cũng nghe và làm theo, nhưng cũng không đạt hiệu quả, việc có thai ngoài ý muốn vẫn xảy ra. Nói như vậy không có nghĩa là đổ lỗi tại chất lượng dịch vụ, hay tại công tác tuyên truyền của cộng tác viên dân số không đạt yêu cầu mà đúng hơn là tại nhận thức của người dân. Bởi trên thực tế, khi cán bộ dân số đến tuyên truyền, vận động về kế hoạch hóa gia đình, có những hộ cả vợ cả chồng ngồi nghe rất chăm chú, nhưng một thời gian sau lại thấy người vợ mang bầu. Tìm hiểu nguyên nhân thì chị vợ phân bua, tại không nhớ cách sử dụng bao cao su, quên uống thuốc, tuột vòng mà không biết nên… lỡ có bầu”.

 

Được biết, hằng năm, xã Ea Yiêng vẫn tổ chức các đợt tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình lồng ghép trong những buổi họp buôn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến chị em trong độ tuổi sinh đẻ, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn cao bởi tư tưởng sinh nhiều con vẫn tồn tại trong phần lớn các gia đình dân tộc Xê đăng ở nơi đây. Theo đồng chí Mơ Rông, Bí thư Đảng ủy xã Ea Yiêng, vấn đề sinh con thứ 3 trở lên của người dân địa phương khiến cho chính quyền phải đau đầu. Cả xã có 981 hộ thì có tới 829 hộ nghèo. Có lẽ một phần vì sinh nhiều mà cuộc sống của bà con trong vùng chìm trong mịt mùng nghèo đói, lạc hậu. Việc sinh nhiều khiến cho bọn trẻ không được chăm sóc, ít được đến trường, hoặc đi học rồi lại nghỉ học để ở nhà đi làm phụ giúp bố mẹ.

Có lẽ trăn trở lớn nhất của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Ea Yiêng cũng như những người làm công tác dân số nơi đây là làm thế nào để giảm được tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong vùng(?!). Có như vậy thì đời sống của người dân mới được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo mới giảm bớt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để trả lời được điều trăn trở ấy rất cần sự chung tay quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tư vấn dân số-kế hoạch hóa gia đình, từng bước xóa bỏ quan niệm lạc hậu của bà con dân tộc thiểu số mới hy vọng tìm ra mối để gỡ rối.  

Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc