Multimedia Đọc Báo in

Khi tổ chức Đoàn giải tỏa hành lang không cần đền bù

09:39, 04/07/2011

Từ việc nắm bắt kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Đoàn  thanh niên xã đã tuyên truyền, giải thích để các hộ dân các buôn Tuôr A, Tuôr B (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) tự nguyện ký cam kết giải tỏa mặt bằng với cơ quan chức năng mà không cần đền bù.

Cách đây 3 năm, vào năm 2008, theo dấu chân thanh niên tình nguyện cùng xã nghèo vượt khó, chúng tôi về buôn Tuôr A, Tuôr B, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Khi ấy đường vào buôn Tuôr B đất sét bùn, mùa nắng hay mưa đều lầy lội, ổ gà nhiều nơi gây không ít khó khăn trong việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản của người dân trong buôn. Nhưng hôm nay, đường vào buôn Tuôr B đã khoác lên mình bộ áo mới với con đường được trải nhựa, sạch đẹp và không còn lầy lội như trước đây nữa.

Được biết, để có được con đường mới khang trang, sạch đẹp cho người dân trong buôn Tuôr B này, là nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương mà trong đó trực tiếp là Đoàn thanh niên xã Dray Sáp đứng ra vận động bà con trong buôn tự nguyện giải tỏa một phần đất rẫy của mình để Nhà nước đầu tư làm đường.

Đoàn xã Dray Sáp đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng và đã phối hợp ban giải phóng mặt bằng, ban tự quản 2 buôn Tuôr A, Tuôr B, đồng thời huy động đoàn viên thanh niên đi vận động từng hộ gia đình tự nguyện giải tỏa đất để kịp thời thi công con đường dài 3,5 km trong buôn Tuôr B, sau đó tổ chức họp dân. Anh Y Khế Niê, người dân buôn Tuôr B, cho biết: “Trước đây người dân chưa hiểu lắm về chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng nhờ Đoàn thanh niên giải thích những lợi ích chính đáng cho dân trong buôn làng hiểu và buôn làng đồng ý nhường một phần cho làm công trình đường giao thông trong buôn”.

Được biết, hiện nay có gần 80% người dân buôn Tuôr B điều kiện dân trí còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh tế của bà con trong buôn chủ yếu là nông nghiệp, việc nắm bắt kỹ thuật nông nghiệp, đổi mới cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất của bà con đồng bào Êđê nơi đây còn gặp khó khăn, tuy nhiên với bản tính cần cù, chịu khó làm ăn, vì thế trong những năm gần đây người dân trong buôn đã có cuộc sống tốt hơn, nhiều hộ đã có nhà kiên cố. Như nhà của Ama H’ Rem, sau vài năm tiết kiệm đã xây dựng được ngôi nhà  mới với giá gần 300 triệu đồng, ông phấn khởi cho biết, từ ngày có con đường mới này, gia đình ông thuận tiện hơn trong việc vận chuyển nông sản, khi có người đau ốm đưa bệnh nhân lên trạm xá không còn vất vả như trước nữa.

Không chỉ tuyên truyền để dân hiểu, mà còn phải làm để dân tin, chính vì vậy Đoàn thanh niên xã Dray Sáp đã huy động đoàn viên thanh niên trong xã tình nguyện đi cắm mốc và giúp các hộ giải tỏa mặt bằng. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên giúp đơn vị thi công những việc làm thiết thực như: đo đạc lòng, lề đường, tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng và bảo vệ, trồng cây hai bên đường tạo môi trường xanh – sạch – đẹp. “Để có con đưòng thẳng, đẹp thì cần sự đồng tình của dân trong việc giải tỏa hành lang, tuy có mất một phần đất nhưng có một con đường đi sạch đẹp thì tốt cho buôn làng lắm” - Chị H’Sa Ra Byă, người dân buôn Tuôr B, chia sẻ.

Anh Uông Đức Trịnh, Bí thư Đoàn xã Dray Sáp trao đổi: “Ban đầu thực hiện giải tỏa hành lang an toàn giao thông 2 buôn Tuôr A, Tuôr B gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự linh hoạt trong công tác Đoàn, công tác vận động quần chúng, chúng tôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt dân để tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần phải giải thích rõ cho dân những việc làm thiết thực, và chính chúng ta cũng phải nói đi đôi với làm để dân hiểu, dân tin. Vì thế giải tỏa hành lang giao thông, công tác vận đông quần chúng rất quan trọng”.

Tiết kiệm làm lợi cho nhà nước hơn 500 triệu đồng từ việc giải tỏa hành lang không cần đền bù của Đoàn xã Dray Sáp, đó không chỉ là con số mà ý nghĩa hơn là tinh thần trách nhiệm của tổ chức Đoàn thanh niên phát huy sức trẻ tình nguyện vì cộng đồng. Ông Hoàng Đức Kình, Bí thư Đảng ủy xã Dray Sáp, cho biết: “Với ý thức trách nhiệm của mình, Ban Chấp hành Đoàn xã đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, ban tự quản của 2 buôn, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu và đồng ý giải tỏa hành lang không cần đền bù. Thể hiện tinh thần tuổi trẻ xung kích, dám nghĩ, dám làm, góp phần cùng với địa phương thực hiện đúng tiến độ theo yêu cầu đề ra”.

Hiện nay, Đoàn xã Dray Sáp có gần 2.500 đoàn viên, thanh niên, chiếm 1/3 dân số toàn xã, là lực lượng lao động trẻ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhiều năm liền Đoàn xã Dray Sáp đạt trong sạch, vững mạnh, được tổ chức Đoàn cấp trên, Đảng ủy, chính quyền tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, là một đơn vị điển hình tiêu biểu Học tập và làm theo lời Bác của Huyện Đoàn Krông Ana.

Kpă Y Khoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.