Multimedia Đọc Báo in

Ông Quyền “da cam”

09:38, 19/07/2011

Đó là cách người dân thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng gọi ông Hoàng Doãn Quyền bởi không chỉ có bản thân mà đứa con gái thứ hai của ông cũng là nạn nhân chất độc da cam. Hơn thế nữa, hiểu và cảm thông được nỗi đau da cam, suốt mấy chục năm qua, ông lặn lội ngược xuôi tìm kiếm, vận động, kết nối những tấm lòng hảo tâm với những mảnh đời bất hạnh với một ước mong giản dị – góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

Vượt qua nỗi đau
Sinh năm 1956, tham gia quân đội khi vừa tròn 18 tuổi, cuộc đời binh nghiệp của ông Quyền gắn liền với chiến trường Quảng Nam, Kon Tum, Dak Lak – những nơi từng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hóa học của Mỹ. Năm 1985, ông chuyển ngành về công tác tại Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, sau đó 2 năm về Hội CTĐ huyện Krông Năng với cương vị Phó Chủ tịch Hội cho đến nay. Ông lập gia đình từ năm 1976 và mãi đến năm 1986 mới sinh đứa con đầu tiên. Hai năm sau, đứa con thứ hai chào đời và kể từ đó, cuộc sống gia đình ông gắn liền với nỗi đau da cam vì cháu Hoàng Thị Quyên không chỉ bị liệt toàn thân mà còn luôn cào xé, vật vã. “Tôi biết nghề đông y mà nhiều lúc còn trở tay không kịp với những cơn co giật, động kinh của cháu thì đối với những gia đình khác, việc chăm sóc con bị ảnh hưởng chất độc da cam chắc chắn khó khăn, vất vả hơn nhiều”, ông bộc bạch. Lúc bấy giờ, cuộc sống của gia đình ông ở vùng đất mới đã khó khăn, thêm việc nuôi dưỡng đứa con tật nguyền nên càng chật vật. “Mình không thể đầu hàng bệnh tật, nghèo đói được. Phải biết vượt qua nỗi đau mà sống và nuôi dạy con cái nên người”, ông tự động viên mình và vợ con như vậy. Thấy hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, năm 2004, Hội CTĐ, bà con hàng xóm đã hỗ trợ, cho mượn bò, bê con, heo làm vốn chăn nuôi. Sau 5 năm, gia đình ông phát triển đàn heo thịt lên 20 - 30 con, đàn bò lên 19 con. Có vốn, ông xoay sang trồng thêm cà phê, hoa màu dần dà, cuộc sống gia đình cũng ổn định, xây dựng nhà ở kiên cố và nuôi các con ăn học. Trong số 5 người con của ông, trừ Quyên ra, 2 cháu đã và đang học đại học, 1 cháu học cấp III và 1 là học sinh tiểu học. Đó là niềm tự hào và nguồn động viên tinh thần để vợ chồng ông khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Hoàng Doãn Quyền tham hỏi 3 người con bị ảnh hưởng chất độc màu da cam của gia đình chị Phạm Thị Vinh.
Ông Hoàng Doãn Quyền tham hỏi 3 người con bị ảnh hưởng chất độc màu da cam của gia đình chị Phạm Thị Vinh.
Hành trình hướng về nạn nhân da cam
Suốt 24 năm chăm sóc, chứng kiến nỗi đau dày vò con gái mình, ông thấu hiểu nỗi lòng của những bậc cha, mẹ có con bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Điều đó luôn thôi thúc ông phải hành động, phải làm điều gì đó giúp ích cho họ. Với cương vị, trách nhiệm của Phó Chủ tịch Hội CTĐ, Hội Đông y, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, ông chủ động xây dựng chương trình hành động vì nạn nhân da cam; chỉ đạo, phối hợp với Hội CTĐ các cấp và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, nắm bắt các đối tượng nhiễm chất độc da cam trên địa bàn. Phải về tận cơ sở mới biết các cháu bị nhiễm chất độc da cam sống, ăn, ở và được chăm sóc như thế nào. Vậy là đi... Hành trình dài của ông khi thì gắn liền với chiếc xe đạp cũ, lúc lại là chiếc xe máy cà tàng. Trong những năm qua, ông đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn huyện, trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà, dụng cụ trợ giúp vận động, xây dựng nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam. Giờ đây, ông có thể đọc vanh vách tên, địa chỉ, hoàn cảnh của gia đình các nạn nhân. Chị Phạm Thị Vinh (thôn Ea Đing, xã Ea Tân) mỗi lần gặp lại cầm tay ông lắc lắc, xúc động: “Không có sự quan tâm, giúp đỡ của anh và mọi người chắc mẹ con em không được như bây giờ, nhất là từ khi chồng em mất…”. Ông đến bên giường, nơi có 3 cơ thể vặn vẹo đang nằm, thỉnh thoảng lại phát ra những âm thanh vô nghĩa. “Dạo này chúng ăn uống thế nào? Biết hoàn cảnh chị khó khăn nhưng hãy cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng chúng trọn vẹn”, giọng ông nghèn nghẹn. Những đứa con của chị Vinh tuy tàn tật, ngây ngô, nhưng khi gặp ông, ánh mắt chúng thật hiền từ, gần gũi, tỏ ra vui mừng như gặp người thân. Ông cũng không nhớ được đã vào nhà chị Vinh bao nhiêu lần, chỉ biết rằng, mỗi khi vận động được tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ, hỗ trợ gia đình chị, ông lại lặn lội hơn 30 km đường đi đưa vào tận nơi. “Sắp tới nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam, huyện tổ chức gặp mặt và hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 300.000 đồng. Chị mà bận không đi được tôi sẽ vào, vừa thăm hỏi, động viên gia đình và trao tận tay số tiền đó”, ông nói. Với những đóng góp trên, ông Quyền vinh dự là một trong hai cá nhân tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

26 năm với hàng trăm cuộc hành trình hướng về nạn nhân da cam nhưng ông Quyền luôn tâm niệm, còn sức khỏe còn đi, còn vận động vì sự hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam không bao giờ là đủ.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.