Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên Hòa Phú xung kích trong phong trào lập thân lập nghiệp

11:15, 09/07/2011

Nhờ được hỗ trợ và định hướng, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, năng động trong việc khai thác hiệu quả quỹ đất, lao động, nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Là xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp, nên trong những năm qua nhiều ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả. Đây chính là nguồn động viên để hơn 500 ĐVTN của xã tự tin phát huy sức trẻ, sự năng động sáng tạo trên con đường lập thân, lập nghiệp. Anh Nguyễn Văn Kiên, Bí thư Đoàn xã chia sẻ: “Để giúp ĐVTN trong xã có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại, Đoàn xã đã tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, để từ đó áp dụng phù hợp với điều kiện gia đình”. Nếu như trước năm 2007, ĐVTN trong xã làm kinh tế khá chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đến nay đã có hàng chục mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, trong đó có 11 mô hình mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ hỗ trợ kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, định hướng sản xuất trang trại, Đoàn xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường giải ngân nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vốn vay cho thanh niên, nhờ đó, các mô hình trang trại trẻ, kinh tế hộ thanh niên của xã đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Một góc trang trại chăn nuôi heo của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên.
Một góc trang trại chăn nuôi heo của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên.
Tính đến thời điểm này, đã có trên 60 hộ thanh niên được vay gần 1,2 tỷ đồng phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, trong đó 100% các hộ đã ổn định được cuộc sống và nhiều ĐVTN đã vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay kể trên. Điển hình như trại nuôi gà của anh Phạm Bá Hoàn ở thôn 5, năm 2007 từ nguồn vốn vay thanh niên 30 triệu đồng anh đầu tư xây dựng trang trại nuôi thử 500 con gà với giá bán ổn định và nắm vững kỹ thuật chăm sóc đến nay trại gà của anh đã tăng số lượng lên 8.000 con, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Hay như mô hình CV (chuồng vườn kết hợp) của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên ở thôn 4 với số vốn của đoàn cộng tiền vay mượn bạn bè, người thân anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại heo trị giá gần 400 triệu đồng. Mỗi năm anh xuất bán trên 1.000 heo thịt thu lãi trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng phân heo để bón cho gần 3 ha trồng rau, bí xanh các loại mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động thanh niên, tiền lương mỗi tháng gần 3 triệu đồng. Nổi bật trong những tấm gương làm kinh tế giỏi ở Hòa Phú còn có anh Lê Anh Tuấn thôn 5 với 8.000 m2 diện tích mặt nước anh đã phát triển nuôi trồng thủy sản với nhiều giống cá chất lượng cao cung cấp giống cho nhiều bà con trong và ngoài tỉnh. Với số thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng anh đã mua thêm 5 ha đất để trồng bắp lai, lúa, đậu nành… vừa bảo đảm lương thực và thức ăn cho đàn cá. Ngoài ra mô hình nuôi heo rừng của 2 thanh niên Phan Sử, Nguyễn Văn Thoại ở thôn 9, cũng đáng để nhiều bạn ĐVTN tham khảo học tập. Không chỉ chú trọng chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình các ĐVTN còn tổ chức giúp đỡ nhau con giống, ngày công lao động để hỗ trợ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Có thể nói, việc tổ chức thực hiện tốt phương châm “Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy nhỏ để đầu tư lớn” đã giúp cho không ít ĐVTN trong xã từ tay trắng vươn lên có đời sống kinh tế khá giả, làm giàu chính đáng.

Với những thành tích trong phong trào thanh niên làm kinh tế như: đi đầu trong việc chuyển đổi mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giúp ĐVTN phát triển kinh tế, mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, nhiều năm liền Đoàn xã Hòa Phú vinh dự được nhận giấy khen của Tỉnh Đoàn và Bằng khen của Trung ương Đoàn.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.