Multimedia Đọc Báo in

Vượt qua nỗi đau khôn cùng

08:58, 10/08/2011

Chúng tôi lặng người khi nghe họ kể về những đau thương mất mát mà họ phải gánh chịu khi đất nước đã im tiếng súng từ mấy chục năm rồi. Và lại càng cảm phục trước nghị lực vượt qua những khó khăn, vất vả mà gia đình họ đã đối mặt để vươn lên gây dựng kinh tế, nuôi các con mình ăn học thành tài…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Trịnh Văn Ất (sinh năm 1955, hiện sinh sống tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) nhớ lại những tháng ngày vất vả vượt qua những cơn đau, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Ông kể, ông tham gia bộ đội đặc công ở Cam Ranh - Khánh Hòa, từ năm 1974.  Khi rời quân ngũ, ông trở về khỏe mạnh và mang trong mình thương tật không đáng kể, ông lập gia đình và sinh đứa con đầu lòng. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì đứa con càng lớn càng có dấu hiệu teo cơ, đi lại không bình thường. Hai vợ chồng mang con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bao nhiêu tiền của đều dồn cả vào thuốc men cho con. Cuối cùng, mới biết đứa con bé bỏng bị nhiễm chất độc da cam từ chính người cha của mình. “Thật đắng lòng khi nhìn con bước đi từng bước khập khiễng, nhưng với nghị lực của người lính, tôi luôn cố gắng vượt qua, tập trung làm ăn để gây dựng lại kinh tế gia đình”- ông Ất tâm sự. Năm 2002, sau khi dành dụm được chút vốn, ông mua 5.000 m2  đất rẫy để trồng cà phê. Nhưng do địa thế đất dốc, nguồn nước không thuận lợi nên cây cà phê èo uột, thu hoạch không bù lại được chi phí bỏ ra. Nhận thấy nguồn lợi mang lại từ cây cà phê không được bao nhiêu, năm 2005 sau khi tìm hiểu, tham khảo từ anh em, bạn bè và các mô hình kinh tế khác, ông quyết định trồng xen giống sầu riêng ghép và hồ tiêu trong vườn cà phê của mình. Nhờ đổi mới cách làm ăn, chịu khó ham học hỏi từ sách, báo, đài áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây của ông bắt đầu phát triển tốt, cho năng suất cao. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông tiếp tục phá bỏ diện tích cà phê già cỗi để trồng thêm sầu riêng. Chỉ tính riêng sầu riêng, mỗi mùa quả, dù đang độ thu bói ông cũng thu về trên 50 triệu đồng. Hiện thu nhập của gia đình xấp xỉ 100 triệu đồng/ năm. Có tiền trang trải cuộc sống, ông có điều kiện hơn để đầu tư, chăm lo việc học hành cho các con. Đến nay, 3 người con của ông đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Song, niềm vui lớn nhất của ông Ất là đã nuôi dưỡng, săn sóc và cho ăn học đến nơi đến chốn đứa con trai đầu là Trịnh Văn Hạnh - người con mang trong mình chứng teo cơ chân do bị ảnh hưởng từ bố. Hạnh hiện đang là giáo viên Trường THCS Hòa Đông (huyện Krông Pak) và đang tiếp tục theo học cao học, ngành Toán - Tin.

Tìm hướng đi mới từ mô hình trồng sầu riêng ghép xen trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình cựu chiến binh Trịnh Văn Ất (TP. Buôn Ma Thuột).
Tìm hướng đi mới từ mô hình trồng sầu riêng ghép xen trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình cựu chiến binh Trịnh Văn Ất (TP. Buôn Ma Thuột).
Hoàn cảnh của vợ chồng cựu chiến binh Lê Đình Tôn và Ngô Thị Lơi (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cũng không kém phần gian nan. Tham gia hoạt động ở chiến trường Đông Nam bộ, ông Tôn bị nhiễm chất độc da cam và hậu quả để lại là người con gái út Lê Thị Thư bị thiểu năng trí tuệ. Đã 20 năm nay, Thư nằm một chỗ, thân người nhỏ thó nhưng đầu phình to, tay chân co quắp. Mọi sinh hoạt tối thiểu nhất đều nhờ đến người khác; vợ ông hầu như phải ở nhà túc trực, săn sóc con không dám đi đâu xa.  Bên cạnh việc chăm sóc mấy sào cà phê của gia đình, ông Tôn còn nấu rượu và tận dụng bã rượu để nuôi heo. Tranh thủ những ngày rảnh, ông đi làm thuê kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Một mình gánh trên vai 7 miệng ăn, bản thân lại mắc bệnh cao huyết áp, đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng khi các tổ chức hội, ngành, đoàn thể của huyện và đồng đội có nhã ý giúp đỡ thì ông Tôn từ chối với lý do: “Nhiều đồng đội còn mất mát, chịu thiệt thòi hơn tôi, hãy dành đó mà giúp đỡ anh em. Bản thân tôi, chỉ mong Bảo hiểm y tế đổi được loại thuốc đặc trị cho đứa con gái út bởi loại thuốc mà gia đình vẫn sử dụng hằng ngày cho bé Thư phải lên tận TP. Buôn Ma Thuột tìm mua mới có…”. Dù cuộc sống vẫn chưa hết khó khăn nhưng mới đây hai vợ chồng ông đã xây được căn nhà cấp 4, sắm chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi lại. Bấy nhiêu vật dụng không lấy gì làm khang trang nhưng là cả một nghị lực vươn lên cùng sự lao động bền bỉ mới có được của một cựu chiến binh mang trong mình không ít thương tật như ông.
Vợ chồng anh Lê Đình Tôn (huyện Cư M’gar) và bé Thư - đứa con bị nhiễm chất độc da cam - ngồi ôn lại kỷ niệm năm xưa với những đồng đội của mình.
Vợ chồng anh Lê Đình Tôn (huyện Cư M’gar) và bé Thư - đứa con bị nhiễm chất độc da cam - ngồi ôn lại kỷ niệm năm xưa với những đồng đội của mình.
Tương tự ông Tôn, bằng nghị lực đã được thử thách qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, thương binh Hoàng Thanh Tấn (khối 6, phường Tân Hòa. TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã vượt qua những nỗi đau về thể xác và tinh thần, gắng đứng vững và tìm cách vươn lên. Rời quân ngũ từ năm 1973, lập gia đình rồi những đứa con lần lượt ra đời. Thấy các con lớn lên, mặt mũi tươi tắn, ông thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng “thứ chất độc tai họa kia may mà không dính líu gì với mình”. Nhưng chưa được bao lâu thì đứa con đầu lòng của ông bị bại liệt, nằm một chỗ rồi bỏ vợ chồng ông mà ra đi. Những đứa sau may mà lành lặn ở lại với bố mẹ nhưng đến người con gái út lại có dấu hiệu về tâm thần không bình thường. Hơn 20 năm nay, hai vợ chồng phải đắn lòng, ngậm ngùi nhìn con trong những cơn vật vã, thậm chí có lúc chính người cha phải dùng sợi dây xích xiết chặt con lại. Giấu giọt nước mắt chảy ngược vào trong, ông tự giục mình: “Phải cố gượng dậy mà sống, mà tiếp tục làm ăn”. Hằng ngày, ông đi làm thuê, phụ hồ kiếm sống, vợ ở nhà trông con, trồng thêm cây rau, nuôi con gà, vịt. Dành dụm, tiết kiệm, cuộc sống của hai vợ chồng ông cũng dần dần đỡ vất vả hơn. Ông đã xây được căn nhà nhỏ, sắm được các vật dụng cần thiết…Nhưng có lẽ, hạnh phúc lớn nhất đới với ông sau những nỗi đau, mất mát là những tấm bằng đại học loại ưu của 3 người con và hai trong số đó cũng đã có việc làm ổn định ở trong và ngoài tỉnh.
Vợ chồng anh Hoàng Thanh Tấn (P. Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) và người con gái út bị nhiễm chất độc da cam của mình.
Vợ chồng anh Hoàng Thanh Tấn (P. Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) và người con gái út bị nhiễm chất độc da cam của mình.
Hạnh phúc cuối cùng rồi cũng sẽ mỉm cười sau những hy sinh, mất mát mà họ đã gánh chịu bằng chính nghị lực vươn lên của mình. Và họ đã trở thành những điển hình tiêu biểu trong cuộc sống đời thường hôm nay.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc