Chăm sóc người cao tuổi: Nhu cầu tinh thần đã được đáp ứng?
Chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm chung của cả cộng đồng mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Cùng với sự phát triển của xã hội, công tác chăm sóc người cao tuổi không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu vật chất mà ngày càng đòi hỏi cao hơn về tinh thần, tạo sự phấn khởi để các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Nhưng trên thực tế, việc đáp ứng nhu cầu tinh thần cho người cao tuổi đã thực sự được quan tâm?
Trước đây khi mới nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Thu (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có dư thời gian để đi chùa hoặc tham gia tập thể dục dưỡng sinh với những người cao tuổi trong xóm. Nhưng 4 năm trở lại đây, hầu như chưa một ngày nào bà được rảnh rang. Chồng mất sớm, một mình bà chăm chỉ làm lụng nuôi 3 con ăn học nên người. Những tưởng như thế là đã làm tròn trách nhiệm, vậy mà khi các con trai, gái lần lượt lập gia đình, bà càng bận bịu, vất vả hơn trước. Không chỉ chăm con gái, con dâu lúc sinh đẻ, bà còn nuôi dưỡng luôn các cháu nội, ngoại, hết đứa này lại đến đứa khác. Bà Thu bộc bạch: “Ông bà nào cũng mong có cháu, nhưng nói thật là chăm cháu mệt hơn chăm con mình. Thời xưa chỉ sợ không lo đủ miếng ăn cho chúng, giờ dư thừa quá, trẻ nào cũng biếng ăn. Thế nên, bố mẹ nó mệt một, mình bận rộn mười, còn hơn người có con mọn, muốn đi đâu cũng khó”. Dẫu biết vất vả là thế nhưng bà Thu không mấy khi than phiền với các con, vì ngại chúng nói mình không thương con xót cháu. Và vì vậy, mặc dù được các con lo cho ăn uống, sinh hoạt không thiếu thứ gì, nhưng nhu cầu về tinh thần của bà như gặp gỡ bạn bè hàn huyên tâm sự, tham gia các lễ hội, câu lạc bộ người cao tuổi… hầu như không thực hiện được. Có một thực tế là rất nhiều ông, bà cảm thấy quá sức và mệt mỏi khi phải chăm sóc con cháu, lo toan nhà cửa tựa như người giúp việc, trong khi ở tuổi này các cụ phải được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng và làm những việc mình thích. Thế nhưng họ vẫn phải gồng mình, gắng sức, để con được rảnh tay lo chuyện kiếm tiền sinh nhai. Sự cam chịu của các bậc làm cha, làm mẹ và sự vô tâm, hững hờ của con cái vô hình trung đã lấy đi những năm tháng an nhàn, rảnh rỗi của tuổi già.
Người cao tuổi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được chăm lo về nhu cầu vật chất, tinh thần. |
Theo ông Nguyễn Quang Tuệ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, để làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng 71 người già, khuyết tật đang sinh sống tại đây, cán bộ, nhân viên Trung tâm đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Không chỉ chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, chăm sóc, thuốc men cho các cụ khi ốm đau, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, gặp mặt, mừng thọ nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10 hằng năm. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phát động các phong trào thi đua giữa các cụ, như: việc chấp hành nội quy, chăm sóc cây xanh, môi trường xung quanh v.v… có tổ chức khen thưởng, tuyên dương vào các dịp lễ, tết để tạo thêm niềm vui cho các cụ trong cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả những việc làm, hoạt động đó mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu về tinh thần chứ không thể giúp các cụ vơi đi nỗi buồn tủi khi sống xa con, xa cháu.
Có thể nói: để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi cả về vật chất lẫn tinh thần, ngoài nỗ lực của xã hội trong việc nâng cao mức sống, thành lập các hội – đoàn thể, câu lạc bộ, xây dựng các công trình công cộng phục vụ người cao tuổi v.v… thì chính con, cháu phải có cách nhìn nhận mới, tạo điều kiện để ông bà, cha mẹ được thảnh thơi, an hưởng tuổi già.
Ý kiến bạn đọc