Multimedia Đọc Báo in

Dự kiến bảng lương mới của công chức

22:43, 27/09/2011

Bộ Nội vụ dự kiến sẽ đổi mới thang lương, bảng lương của công chức, để đối tượng này dần sống được bằng lương. Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều phương án cải cách lương cho cán bộ, công chức.

Với công chức chuyên môn

- Phương án 1: Giữ nguyên tắc thiết kế bảng lương hiện hành (mỗi ngạch có một số bậc lương thâm niên) nhưng hoàn thiện theo hướng thu gọn các nhóm có cùng mức độ phức tạp trong công việc. Áp dụng với cán bộ, công chức trong các lĩnh vực hành chính (Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội), toà án, kiểm sát, tư pháp.

Đồng thời đổi tên các loại công chức cho phù hợp với Luật Cán bộ, công chức:

+ Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương đổi tên loại A3 thành A1; gộp nhóm 1 và nhóm 2 thành 1 nhóm, có 6 bậc (bớt 1 bậc ở nhóm 1 như hiện nay).

+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương: đổi tên loại A2 thành B; gộp nhóm 1 và nhóm 2 thành 1 nhóm; có 8 bậc (bớt 1 bậc ở nhóm 1 như hiện nay).

+ Ngạch chuyên viên và tương đương: Đổi tên loại A1 thành loại C1 có 9 bậc.

+ Ngạch cao đẳng: Đổi tên loại A0 thành loại C2, có 10 bậc.

+ Ngạch nhân viên: Đổi tên loại B và loại C thành loại D, trong đó có 2 nhóm, gồm: Nhóm D (loại B cũ); nhóm D2 (gộp nhóm C1, C2, C3 cũ).

Thực hiện chế độ nâng bậc thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn hiện nay.

Với phương án này, theo Bộ Nội vụ, sẽ không làm xáo trộn bảng lương hiện hành, giữ ổn định khi xếp lương cũ sang mới. Tuy nhiên, do chỉ có một số bậc lương theo thâm niên nên phải tiếp tục duy trì chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, nên thực chất là bậc lương kéo dài nhưng không được xét hưởng trước thời hạn như chế độ nâng lương.

- Phương án 2: Thiết kế bảng lương theo nguyên tắc, mỗi ngạch công chức chỉ có một mức lương, bãi bỏ chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung.

Với phương án này sẽ bỏ được chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung và đảm bảo quyền lợi công chức mà không bị quy định quá nhiều bậc lương, không bị hiểu nhầm là có “bậc treo”. Đồng thời thể hiện rõ quy định tiền lương theo mỗi vị trí việc làm.

Tuy nhiên, cần phải thay đổi quy định về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức gắn với ngạch, bậc lương.

Với cán bộ, công chức lãnh đạo

- Phương án 1: Thiết kế bảng lương chức vụ đối với các chức danh từ Bộ trưởng trở lên và cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo. Các chức danh cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo còn lại xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo như hiện nay.

Quy định các nhóm chức danh của cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo tương đương nhau trong hệ thống chính trị ứng với một ngạch trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Với phương án này, Bộ Nội vụ nhận định, sẽ không làm xáo trộn hệ thống thang, bảng lương hiện hành, thuận lợi cho điều động, luân chuyển cán bộ. Nhưng lại phải quy định thêm các ngạch công chức chuẩn ứng với từng nhóm chức danh cán bộ và công chức giữ chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

- Phương án 2: Thiết kế 1 bảng lương chức vụ áp dụng cho tất cả chức danh lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã. Mỗi chức danh thiết kế một chức vụ.

Nếu đảm nhiệm thêm chức danh từ nhiệm kỳ 2 thì cứ 5 năm được hưởng thêm 5% lương hiện hưởng. Khi thôi chức danh lãnh đạo để làm công chức chuyên môn thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức đã được xếp trước khi xếp lương chức vụ.

Với phương án này, tiền lương được gắn với vị trí chức danh, tương quan tiền lương thể hiện rõ thứ bậc trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, nó lại làm xáo trộn tương quan tiền lương trong đội ngũ cán bộ, công chức. Công chức chuyên môn, nghiệp vụ đang được hưởng mức lương ngạch, bậc thấp được bầu cử hoặc bổ nhiệm làm lãnh đạo có thể tăng đột biến, nên không khuyến khích công chức đi theo con đường chuyên môn, nghiệp vụ.

Bộ Nội vụ cho biết, sẽ ban hành mức lương tối thiểu, là mức lương thấp nhất mà công chức được hưởng, đảm bảo tiền ăn, tiền thuê nhà...

Theo VTC


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.