Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu của một cựu chiến binh

08:58, 06/09/2011

Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, chàng trai người Mường Phạm Phúc Hùng bắt tay vào lập nghiệp tại quê hương Cẩm Giang, Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa với nghề sản xuất, buôn bán cót. Ai ngờ, thương mại không hợp với tính cách người cựu chiến binh, bao nhiêu vốn liếng bay biến theo giấc mơ. Năm 1996, với hai bàn tay trắng, anh Hùng rời quê vào Tây Nguyên tìm việc làm.

Đến giờ, mỗi khi nghĩ lại ngày buộc phải rời quê tìm kế sinh nhai, anh Hùng vẫn còn thấy sợ và không hiểu sao mình lại có thể vượt qua cả chặng đường dài như thế khi mà trong tay chỉ có chút tiền ít ỏi từ việc bán đi bộ quần áo mới. Đất lạ không một người quen để bấu víu, từ Buôn Ma Thuột, anh đi nhờ xe công nông, xe máy cày, ngơ ngác dừng chân ở đất Krông Bông. Anh chọn vùng đất trắng pha đá dưới chân núi Cư Yang Sin tại xã Cư Pui để định cư. Ngày trần lưng phát le, bữa ăn chỉ có củ mì, củ mài đào được nấu với muối, đêm nằm ngủ rét co quắp, anh đã vừa chống chọi với cái đói vừa gồng mình chống lại những trận sốt rét rừng, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng nghị lực được tôi rèn trong quân đội đã giúp anh vượt lên khó khăn. Đất dọn đến đâu anh liền tra đậu, ngô… đến đấy bởi đó là những loại cây giúp anh có cái ăn trước mắt để kế tính lâu dài. Đất không phụ công người, đồi le hoang rậm đã nhường chỗ cho những cây ngô, cây đậu xanh tươi. Cuộc sống ổn định một chút, anh quyết định đón vợ con vào Cư Pui cùng lập nghiệp.

Vợ chồng anh Phạm Phúc Hùng vui mừng trước rẫy cà phê trĩu quả.
Vợ chồng anh Phạm Phúc Hùng vui mừng trước rẫy cà phê trĩu quả.

Năm 1998, nghề trồng mía ép mật làm nhiều hộ gia đình đổi đời, vợ chồng anh Hùng quyết định chuyển diện tích đậu, ngô sang trồng mía. Vài năm trồng mía ép mật, vợ chồng anh bắt đầu đã có chút của ăn của để. Anh xin gia nhập Hội Cựu chiến binh xã để có đoàn thể, có đồng đội mà chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Năm 2005, mật mía rớt giá, từ 700 nghìn đồng một thùng phuy xuống còn 280 nghìn đồng, người nông dân trồng mía lại lận đận tìm cây trồng khác sao cho ổn định lâu dài. Qua tìm hiểu, anh Hùng nhận thấy đất Tây Nguyên chỉ có cây cà phê là phù hợp nên lại chuyển sang trồng cà phê, những nơi đất xấu, đất bờ giậu thì trồng mì trồng ngô. Hiện nay, mảnh đất 4 ha kéo dài dưới chân núi Cư Yang Sin của gia đình anh đã phủ xanh với 1.500 cây cà phê kinh doanh năm thứ ba. Anh còn đào ao với diện tích chừng 500m2 vừa thả cá vừa để có nước tưới cho cà phê; quy hoạch hệ thống chuồng trại nuôi heo, gà, có thời điểm trong chuồng của gia đình anh nuôi đến 50 con heo thịt. Nguồn thu bình quân từ cà phê, chăn nuôi trong mấy năm qua của gia đình anh là 100 triệu đồng/năm. Còn năm nay, theo dự tính, chỉ riêng nguồn thu từ cà phê cũng đã mang lại cho gia đình anh khoảng trăm triệu. Anh Hùng còn dự định sẽ mua giống bơ về trồng xen với cà phê để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Từ hai bàn tay trắng, bằng ý chí và nghị lực, anh Phạm Phúc Hùng đã trở thành điển hình cựu chiến  binh sản xuất giỏi ở huyện Krông Bông. Cuộc sống ổn định, các con chăm ngoan, học giỏi, gia đình anh Hùng là tấm gương cho nhiều người noi theo.

Nguyễn Liên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.