Multimedia Đọc Báo in

Xã Krông Na (Buôn Đôn): Đói nghèo vì... đẻ nhiều

09:15, 05/09/2011

Mới cưới nhau từ năm 1995 nhưng đến nay anh Y Xá Knul và chị H’Lăk Ksơr ở buôn Ea Mar, xã Krông Na (Buôn Đôn) đã có với nhau 8 đứa con, đứa con đầu năm nay 16 tuổi, còn đứa con út mới 2 tuổi. Cả gia đình vẫn ở nhờ trên mảnh đất của một người họ hàng bởi không có đất ở, không đất canh tác. Sinh đông con, lại sinh dày nên chị H’Lăk luôn bận bịu chăm sóc con, còn gánh nặng mưu sinh một mình người chồng phải gồng mình lo toan. Hằng ngày, anh Y’Xá phải đi làm thuê, làm mướn từ sáng sớm đến chiều tối để có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Cách đây chưa đầy 1 tháng, anh bị gãy chân, không thể đi làm được. Vì thế, việc ăn, uống của gia đình vốn đã bữa đói nhiều hơn bữa no, nay lại càng đói hơn. Chị H’Lăk Ksơr tâm sự: “Trước đây, cán bộ dân số đã vận động và hướng dẫn mình dùng thuốc tránh thai nhưng mình hay quên. Sinh nhiều con khổ lắm, nhiều bữa cơm không đủ ăn, phải độn thêm mì”. Không được chăm sóc từ trong bào thai, khi lớn lên cũng không đủ cơm ăn nên các con của anh Y’Xá và chị H’Lăk đứa nào cũng gầy gò, ốm yếu, việc học hành cũng không được quan tâm. Đứa con đầu đã 16 tuổi nhưng mới chỉ học tới lớp 4, đứa con thứ hai, thứ ba cùng học lớp 2, đứa con thứ 4, thứ 5 lại cùng học lớp 1. Gia đình lúc nào cũng luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo nên tương lai của những đứa trẻ như thế nào là một câu hỏi mà bố mẹ chúng cũng không dám trả lời.

Những đứa trẻ gầy ốm ở xã Krông Na.
Những đứa trẻ gầy ốm ở xã Krông Na.
Còn chị H’Klang Rya ở buôn Ea Mar cũng sinh được 8 đứa con, gồm 2 trai và 6 gái. Nhà vốn không có ruộng nương nên khi các con chị lớn lên phải thay nhau đi rẫy kiếm củi, hay đi làm cỏ thuê để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Quần quật làm lụng, nhưng đói nghèo vẫn đeo đuổi gia đình họ, chuyện học hành của những đứa con cũng bị đặt xuống hàng thứ yếu: 3 trong số 8 người con không được đi học, những đứa còn lại học cao nhất cũng mới chỉ hết lớp 3. Chị H’Klang tâm sự: “Muốn cho con nó đi học lắm, nhưng nhà nghèo, phải để chúng đi kiếm tiền mà nuôi em nữa chứ”.

Những gia đình đông con, đẻ dày như nhà chị H’Lăk và chị H’Klang không phải là hiếm ở xã Krông Na (Buôn Đôn). Những nhà sinh 5, 7 con là khá phổ biến, thậm chí có những gia đình sinh đến 10 đứa con bởi người dân nơi đây vẫn còn quan niệm “trời sinh voi, ắt sinh cỏ”. Mỗi năm, tại xã Krông Na, tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm đến 25%. Trong năm 2010, toàn xã có đến 25 trường hợp trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên và 6 tháng đầu năm nay, con số này là 8 trẻ (chiếm 32%). Dễ thấy, sinh đông con đã làm cho nhiều gia đình vốn đã nghèo đói, nay lại trở nên cùng cực, trẻ em không được đi học, chất lượng cuộc sống rất thấp. Ông Y Thông Khăm Niê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, cho biết: “Toàn xã hiện có 1.128 hộ thì có đến 554 hộ nghèo (chiếm 49,1%), hầu hết đều rơi vào những gia đình sinh đông con.  Nhiều gia đình vì quá nghèo không thể cho con đi học, bắt con đi rẫy, đi nương để kiếm cái ăn. Năm học 2010-2011, xã Krông Na đã có 21 em phải bỏ học. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng ở xã hiện nay đến 27%”.  Trong khi đó, xã Krông Na có hơn 75% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, việc tiếp thu các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vẫn còn rất hạn chế.

Có thể nói, sinh đông con, chất lượng dân số thấp đang là thách thức lớn nhất đối với xã biên giới Krông Na. Vì thế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các ngành, các cấp trong việc  thực hiện xã hội hóa các chương trình về dân số kế hoạch hóa gia đình, đầu tư nâng cao hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, xóa bỏ quan điểm lạc hậu “Trời sinh voi, ắt sinh cỏ” của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đầu tư cho sản xuất để người dân tiếp cận với những cách làm kinh tế có hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống.

Võ Thảo

Ý kiến bạn đọc