11:09, 07/10/2011
Không chỉ mang phù sa cho những cánh đồng thẳng cánh cò bay, óng ả những mùa vàng như tấm lưng ong con gái, dòng sông Mẹ - Krông Ana còn hào phóng dâng tặng cho con người một kho thủy sản phong phú. Cảm tạ tấm lòng sông Mẹ, biết bao thế hệ người dân ở vùng đất này chăm chỉ, chuyên cần mưu sinh với nghề giong thuyền chài lưới. Quy luật cung cầu, đã từ rất lâu, một chợ cá ngay bên dòng sông Krông Ana (thuộc thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) cũng được hình thành, nơi đây không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà đã trở thành một nét văn hóa rất riêng.
Chứa đựng trong mình một trong những khu hệ cá đa dạng nhất trong số các dòng sông trên địa bàn tỉnh, nghề đánh bắt cá trên dòng Krông Ana có thể diễn ra quanh năm nên chợ cá này ngày nào cũng hoạt động. Nói là chợ nhưng đây thực chất là bến sông để các loại thuyền bè tập kết cá về sau mỗi chuyến đánh bắt. Chợ chỉ náo nhiệt vào hai thời điểm chính là khoảng 3 giờ sáng và 14 giờ chiều, khi những chiếc thuyền đưa cá từ khắp nơi vào. Tuy nhiên, phiên chợ lúc 3 giờ sáng là thời điểm đông nhất và được coi là phiên chính ở bến cá này. Tiết trời se lạnh, sương giăng đầy mặt trên dòng Krông Ana cũng không làm cho phiên chợ kém đi phần náo nhiệt.
|
Cá vừa đánh bắt được đã được bán ngay tại một điểm thu mua bên sông. |
Thuyền đánh cá từ sông Krông Ana - đoạn Nhà máy Thủy điện Buôn Kuôp, hay những thuyền chở cá từ Bàu Sanh (một hồ nước lớn nằm giáp ranh giữa hai huyện Krông Ana và Lak) cùng những thuyền đánh cá rải rác dọc theo dòng sông Mẹ đổ về kín cả bến sông. Trên bờ, bãi đất thoai thoải dọc triền sông, mới tờ mờ mặt người, thương lái đã đổ về đây, người thì ngồi buôn chuyện, người thì tranh thủ chợp mắt, gật gù chờ thuyền cá cập bờ. Giá cả dẫu lúc xuống lúc lên như con nước ròng nước lớn nhưng không hề có chuyện bán phá giá, giành mối nhau ở bến sông này. Cũng mua bán, chọn cá, đong đếm tiền nong, nhưng chẳng mấy khi người ta thấy cảnh giành giật, cãi vã. Những ngư dân và thương lái như đã là “mối” của nhau từ lâu lắm rồi. Thậm chí cứ nghe tiếng máy là các bà các cô tự động đứng dậy tựa như biết thuyền hàng của mình đã về. Chỉ tấp nập khoảng gần hai giờ đồng hồ nhưng từ bến chợ này, các loại cá theo thương lái tỏa về khắp mọi nơi. Còn những ngư dân, kết thúc cuộc bán mua lại cần mẫn dọn thuyền sau một đêm thức trắng lênh đênh giữa sông nước mênh mông... Mỗi mẻ tôm cá bán đi, cầm chắc số tiền được đánh đổi bằng những đêm dập dềnh sóng nước nhưng ngư dân chưa hẳn đã nhẹ lòng bởi nỗi lo âu, thấp thỏm: Tài nguyên có phong phú mấy nhưng đánh bắt mãi rồi cũng ít dần. Cái lịch trình sinh tồn của tôm cá chưa đủ độ, đủ vòng đã bị đánh bắt thì làm gì không ít, không nhỏ. Nguyễn Văn Thảo, sinh năm 1995, con thứ ba trong một gia đình có nghề gia truyền – đánh cá tâm sự: Biết nghề này ngày một khó khăn nhưng hoàn cảnh quá cơ cực nên vẫn phải làm bởi không còn sự lựa chọn khác. Nửa đêm gà gáy, thu mình trên chiếc thuyền nhỏ, làm bạn với tiếng ếch kêu ộp oạp, tiếng lốc cốc của ngư cụ va vào thân thuyền, nhiều khi cũng tủi thân lắm. Còn ông Huỳnh Bương, người đã gắn bó với nghề đánh bắt cũng như gắn bó với chợ cá này hơn hai thập kỷ thì ngậm ngùi: “Xăng ngày càng tăng, đi từ 14 giờ chiều đến 2-3 giờ sáng về. Có đêm lỗ trắng, có hôm hòa vốn, đêm nào may mắn thì được vài trăm ngàn. Mọi thứ chi phí đều tăng hết, tôm cá giờ nhỏ lắm, nhưng cũng phải bám sông mà sống”.
Những nỗi lo toan, tính toán mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày hằn lên mỗi khuôn mặt người mua, kẻ bán ở đây. Cuộc sống khó khăn vẫn trôi qua theo từng phiên chợ trên bến cá. Sóng nước Krông Ana dâng đầy, sông Mẹ vỗ về như an ủi lòng người hãy dạt dào niềm tin dù cuộc sống dập dềnh nghề sông nước còn bộn bề khó khăn, vất vả. Và trong cái vỗ về ấy có cả lời nhắc nhở đánh bắt phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để khai thác bền vững và mưu sinh chân chính nhất.
Đàm Giang
Ý kiến bạn đọc