Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả nổi bật sau 20 năm thực hiện chương trình phối hợp “Vận động Phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo” (giai đoạn 1991-2011)

16:12, 18/10/2011

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Tổng cục Chính trị và Hội LHPN Việt Nam về “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới và hải đảo”, từ năm 1991 đến nay, các cấp hội phụ nữ và đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và trình độ mọi mặt cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc thuộc khu vực biên giới của tỉnh về chủ trương, đường  lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Biên giới Quốc gia, các Hiệp định, Nghị định, Quy chế biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Luật Đất đai; truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình…; đồng thời tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh thực hiện các phong trào và chương trình hoạt động bảo vệ an ninh biên giới; chống xóa mù chữ; tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình phối hợp và đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình. 

Chương trình “Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo” trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt. Ý thức giác ngộ chính trị của chị em phụ nữ được nâng lên, khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước, chị em tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn phá hoại tình đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết quân dân. Đa số chị em ở các xã biên giới đã có nhận thức chính trị tốt, an tâm, phấn khởi lao động sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái chăm ngoan, vận động chồng, con, gia đình và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền An ninh biên giới (ANBG). Nhờ vậy, trong những năm qua trên địa bàn các xã biên giới không có trường hợp nào tham gia gây rối trật tự công cộng hoặc chứa chấp, đưa đón người vượt biên, xâm nhập.  Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội phụ nữ các cấp, nhất là hội phụ nữ các xã biên giới được tăng cường, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới ngày càng vững mạnh. Sau 20 năm tích cực phối hợp thực hiện chương trình, đến nay, số chi hội phụ nữ các xã biên giới đã tăng thêm 12 chi hội, nâng tổng số chi hội lên 51; hội viên tăng 3.322 người, nâng tổng số hội viên đến nay là 3.718 phát triển 87 đảng viên là hội viên Hội Phụ nữ (năm 2003 có 49 đảng viên) trong tổng số 614 đảng viên thuộc các Đảng bộ xã biên giới; tỷ lệ cán bộ nữ được cơ cấu trong các tổ chức chính trị cơ sở xã biên giới đạt 14,76%, có đồng chí giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND hoặc Chủ tịch HĐND xã các nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ và cán bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã biên giới quan tâm chăm lo củng cố các tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó, đã tập trung củng cố 44 chi bộ các thôn, buôn; 178 tổ chức đoàn thể các xã biên giới và xóa được 8 thôn, buôn trắng đảng viên, chia tách và thành lập mới 12 chi bộ. Việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng cao, nhân dân các dân tộc tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng đã góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tỷ lệ cử tri đi bầu cử của 4 xã biên giới đạt 99,91%.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội Phụ nữ được tập trung thực hiện tại các xã biên giới là đẩy mạnh các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Đền ơn đáp nghĩa” “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Hội phụ nữ các xã biên giới đã thành lập 85 tổ chị em giúp nhau làm kinh tế gia đình, nhiều chị em phát triển kinh tế khá đã giúp cho 317 chị em khác có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây, con giống trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Hội phụ nữ còn đứng ra tín chấp cho hàng trăm chị em thuộc hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đến  nay, tỷ lệ hộ nghèo, đói ở các xã biên giới giảm xuống còn 50%-60% (năm 2003 là 80%-90%). Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cuộc vận động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đóng góp hỗ trợ tiền, công sức lao động đã giúp hàng trăm hộ nghèo các xã biên giới có nhà kiên cố để “an cư lạc nghiệp”. Trong đó, có 179 nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ; 102 nhà và hàng chục thôn, buôn được hưởng lợi từ chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” gồm phòng học, giếng khoan, trạm xá quân dân y kết hợp.

Để bảo đảm an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia dân tộc, phong trào quần chúng bảo vệ ANBG, trọng tâm là phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, buôn được các đồn biên phòng cùng với địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT đạt hiệu quả, nhất là trong những thời gian trọng điểm như dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước và địa phương, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đaị hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Thông qua hoạt động này, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã xét tặng giấy khen cho 122 tập thể (Ban công an, Hội phụ nữ, xã đội, thôn, buôn) và 49 cá nhân là hội viên Hội Phụ nữ có thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới các năm.

Phát huy truyền thống và phong trào phụ nữ phía sau hướng về biên giới, Hội LHPN tỉnh đã phát động các phong trào, việc làm thiết thực, cụ thể như: “Áo ấm chiến sĩ”; “Phía sau chăm lo cho phía trước”…thu hút nhiều cán bộ, hội viên tham gia và chia sẻ, giúp cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng bằng cả vật chất và tinh thần. Đây là nguồn động viên cổ vũ lớn để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm bám trụ, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Tính đến nay, đã có 25 huyện, thị, thành phố, đơn vị đỡ đầu, kết nghĩa với các đồn, đơn vị bộ đội biên phòng, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, hội viên, hội phụ nữ các cấp. Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng cũng nhận phụng dưỡng 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thường xuyên chăm sóc 15 đối tượng chính sách ở các xã biên giới, hỗ trợ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ xây 5 căn nhà tình nghĩa cho hội viên phụ nữ, mỗi căn nhà trị giá 40 triệu đồng; Quân y Biên phòng phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người, trị giá 157,466 triệu đồng; tổ chức 5 lớp xoá mù chữ cho 256 người, góp phần đưa các xã biên giới từng bước được công nhận phổ cập tiểu học giai đoạn 1; thường xuyên phối hợp với nhà trường và gia đình vận động được 238 trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Với những kết quả đạt được, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng tỉnh trong 20 năm qua đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phong trào của mỗi đơn vị, nội dung hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Qua công tác phối hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội biên phòng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận biên phòng, nền Biên phòng toàn dân, gắn với xây dựng nền Quốc phòng toàn dân và An ninh nhân dân vững mạnh.

Phạm Thị Len

Ý kiến bạn đọc