11:05, 07/10/2011
Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi nhằm giúp họ hoàn lương, trở thành người có ích là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi đa số người có một thời lầm lỗi, khi trở lại với cộng đồng thường mang tâm lý mặc cảm. Để động viên các phạm nhân cải tạo tốt và sớm trở về với gia đình, những năm qua, Chương trình “Kết nối yêu thương” do Tỉnh Đoàn tổ chức đã thực sự mang lại niềm vui cho nhiều người.
|
Cán bộ Tỉnh Đoàn hướng dẫn các phạm nhân trò chơi chiếc cốc tình bạn. |
Có mặt tại Trại giam Dak Trung (thuộc Cục V26, Bộ Công an), đứng chân trên địa bàn xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar vào những ngày cuối tháng 8, khi cùng với cán bộ Tỉnh Đoàn về thực hiện Chương trình “Kết nối yêu thương” giúp phạm nhân đang cải tạo và chuẩn bị được đặc xá (nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Quốc khánh 2-9) hòa nhập cộng đồng, chúng tôi được chứng kiến một không khí háo hức, vui tươi. 7 giờ 30 phút, cánh cửa vào trại giam mở ra, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một không gian thoáng mát, sạch sẽ. Hội trường sinh hoạt chung đã được lau dọn đủ chỗ cho hơn 150 phạm nhân đang trong độ tuổi thanh niên tham gia buổi giao lưu. Như hiểu sự trông đợi của các phạm nhân, các anh chị trong đoàn không ai bảo ai, mỗi người một tay cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các phạm nhân, chỉ trong 10 phút dàn âm thanh, loa đài, những tấm pa-nô, áp phích đã được dựng, treo lên như một sân khấu chuyên nghiệp. Tiếng nhạc cất lên sôi động, cộng với tiếng nói cười cởi mở của phạm nhân phần nào đã xóa dần mặc cảm, tự ti trong họ. Có lẽ, đối với nhiều phạm nhân đang thụ án, đây là lần đầu tiên họ được tham gia một chương trình vui chơi đầy ý nghĩa với những trò chơi: “Chiếc cốc tình bạn”, “Vòng tròn yêu thương”, “Vượt thuyền trên cạn”… cần sự chung sức chung lòng thì mới có thể làm được. Là một trong những phạm nhân có mặt từ khá sớm, Trương Công Lãm (17 tuổi), đang thụ án vì tội “hiếp dâm trẻ em”, với dáng người nhỏ, nước da trắng, đã không giấu nổi nụ cười vui sướng khi cùng các phạm nhận khác dành chiến thắng trong trò chơi “Vòng tròn yêu thương”. Nghe câu chuyện của Lãm, mọi người sẽ thấy đáng thương hơn đáng trách bởi sự nông nổi thiếu hiểu biết. 14 tuổi khi đang học lớp 8 Lãm thấy “thinh thích” cô bé cùng trường và cả hai cảm mến nhau. Một hôm, do lên mạng Lãm tình cờ xem phải trang web bẩn, nên dẫn đến hành vi sai phạm là rủ cô bé “diễn trò người lớn”. Giờ đây sau 3 năm thụ án, Lãm đã trưởng thành hơn và hiểu được những lỗi lầm mà bản thân gây ra. Lãm tâm sự: “Khi ấy em không nghĩ việc làm đó là phạm pháp, giờ em sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình và làm lại từ đầu. 3 năm ở đây, ngoài lời động viên của các chú công an trong trại và người thân thì đây là lần đầu tiên em được tham gia các trò chơi tập thể như thế này”.
|
Cán bộ quản giáo cùng tham gia với các phạm nhân trong trò chơi "Vòng tay yêu thương". |
Không trực tiếp tham gia vào Chương trình “Kết nối yêu thương” với các phạm nhân khác vì phải làm công tác bảo vệ, nhưng phạm nhân Nguyễn Văn Hường (22 tuổi, thường trú phường Thuận An, thị xã Buôn Hồ) đứng bên ngoài cũng rơm rớm nước mắt khi nghe cán bộ Tỉnh Đoàn nói chuyện đầy cảm xúc về “Lòng hiếu thảo và tình cảm gia đình”. Hường chia sẻ: “Em thật có lỗi với ba me, chỉ vì một phút bốc đồng mà em đã đánh mất tất cả. Nhà em chỉ cách đây 30 cây số vậy mà gần 3 năm nay em chưa có dịp về thăm ba mẹ”. Có thể nói trường hợp của Hường cũng giống rất nhiều trường hợp của phạm nhân trẻ tuổi khác ở đây: chỉ vì nghiện game online, bê trễ học hành, bị bố mẹ mắng và không cho tiền tiêu rồi bị các đối tượng khác rủ rê nên đã đi trộm cắp, cướp giật tài sản để dính vào vòng lao lý, bỏ lại sau lưng một tương lai tươi sáng. Vừa đưa tay gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, Hường vừa khoe: khoảng 7 tháng nữa em sẽ hết thời gian thụ án nơi đây. Em tính sau khi ra tù, với những kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt đã được học trong trại, em sẽ về nhà phụ giúp gia đình chăm sóc 3 ha cà phê và phát triển kinh tế trang trại, làm lại cuộc đời. Còn câu chuyện của phạm nhân Nguyễn Hữu Thạch (27 tuổi), cũng thật nghiệt ngã. Sự việc bắt đầu khi 3 năm trước từ một hành động nông nổi và bồng bột trên đường đi chơi về, Thạch gặp một cô gái bèn giở trò trêu chọc và giật túi xách, bên trong chỉ có 2.500 đồng nhưng đã phải trả giá mức án 3 năm tù về tội "Cướp giật tài sản". Những ngày sống và cải tạo ở Trại giam Dak Trung, Thạch nhận ra rằng: chỉ có tình thương yêu mới xóa bỏ được lỗi lầm. Được đặc xá lần này, Thạch sớm trở về làm lại cuộc đời, xây dựng một cuộc sống có tương lai tốt đẹp hơn. Nhờ chăm chỉ, lao động cải tạo tốt nên trong đợt đặc xá nhân Ngày Quốc khánh 2-9 lần này, Trại giam Dak Trung có hơn 400 phạm nhân được xét đề nghị đặc xá, trong đó có gần 100 phạm nhân trẻ tuổi.
Đại tá Nguyễn Văn Trầm, Giám thị Trại giam Dak Trung cho biết: Bài học sâu sắc mà cán bộ, chiến sĩ luôn tâm niệm trong suốt chặng đường cảm hóa giáo dục phạm nhân là tấm lòng nhân ái của người cán bộ quản giáo. Nhờ đó, tính từ năm 2005 đến nay, số lượng phạm nhân được đặc xá theo quy định ở Trại giam Dak Trung luôn chiếm tỷ lệ cao nhất so với các trại trong khu vực, và đặc biệt không có phạm nhân tái phạm.
Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc