Thực hư chuyện tìm hài cốt liệt sĩ bằng tâm linh
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, tại các nghĩa trang trong tỉnh còn 797 mộ liệt sĩ chưa rõ tên. Trong đó, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh có 391 ngôi mộ chưa xác định danh tính, nhưng gần một phần ba số mộ ấy đã được các thân nhân liệt sĩ gắn bia mộ tạm phía sau để “đánh dấu chủ quyền”. Hầu hết các ngôi mộ này đều được gia đình “tìm” thấy nhờ vào tâm linh (các hình thức ngoại cảm, nhập hồn áp vong…). Song thực hư của hình thức này như thế nào vẫn là điều đáng bàn.
Thận trọng với hình thức tìm mộ bằng tâm linh
Vào đầu tháng 6-2011, một gia đình gồm 6 người từ Nghệ An vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Dak Lak tìm mộ người thân của mình bằng hình thức áp vong. Từ một Trung tâm tìm hài cốt liệt sĩ ở huyện Hưng Yên (Nghệ An) vong liệt sĩ Nguyễn Sĩ Hà nhập vào đứa cháu con người em và chỉ đường tìm mộ của mình. Thế nhưng khi đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, mặc dù người nhà thành tâm, khấn vái suốt cả ngày lẫn đêm mà vong nhập vẫn không chỉ cho họ vị trí ngôi mộ. Thuê nhà nghỉ, đi xe, ăn ở tốn kém đến 6 ngày trời mà vong vẫn không hé lộ chút thông tin nào. Hết kinh phí và cạn dần kiên nhẫn, khi tiếp vong, người anh của liệt sĩ cầu khẩn: “Em sống khôn, chết thiêng chỉ dùm nơi em nằm kẻo cả gia đình đã tìm em khắp nơi, tốn kém lắm rồi”… Vậy là vong dỗi: “Tốn kém thì thôi, về đi, khi nào làm ăn khá giả thì ta lại về chỉ cho mà đi tìm…”(!). Cả nhà khăn gói về không…khi đã tốn hết cả trăm triệu đồng để lang thang cùng “vong hồn” hết Nghĩa trang Trường Sơn đến các Nghĩa trang ở 3 tỉnh Tây Nguyên- một món tiền mà những người nông dân đã chắt chiu, gom góp bao năm trời mới có được…
Vào đầu tháng 7-2011, gia đình bà Trần Thị Thịnh ở Đống Đa, Hà Nội , theo sự “chỉ dẫn” của nhà ngoại cảm và vong hồn nhập vào người thân đã đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và nhận ngôi mộ số 6, hàng 6, lô E là nơi yên nghỉ của liệt sĩ Trần Văn Thanh - em trai bà. Bà Thịnh nói như đinh đóng cột: Chắc chắn đây là mộ em trai tôi rồi, vì rất nhiều sự trùng khớp thần bí mà không thể giải thích được: cả Nhà ngoại cảm Phúc ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội và vong nhập vào đứa cháu ngoại 16 tuổi ở Trung tâm hỗ trợ tìm mộ liệt sĩ ở Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội đều khẳng định mộ Liệt sĩ Thanh đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Dak Lak. Nhà ngoại cảm Phúc nói rằng em bà bị thương ở vai và cổ; cô cháu gái không hề biết chi tiết đó nhưng khi bị vong nhập cứ ôm vai, cổ kêu “em đau lắm”. Và khi đào tiểu lên để lấy mẫu đi giám định ADN thì thấy xương vai bị sứt một phần… Nhiều sự trùng khớp đáng tin đến vậy, nhưng sau khi đóng 12 triệu đồng để giám định ADN, kết quả mà gia đình nhận được mới đây đã không như mong đợi…
Câu chuyện tình xúc động của cô Lưu Thị Thỏa và người lính Bùi Văn Điệp đã có một kết thúc có hậu nhờ gặp phải nhà “ngoại cảm”…“dỏm”. Vào đầu năm 2011, luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ người yêu cũ của mình về báo mộng rằng hãy đi tìm hài cốt của anh, bà Thỏa (hiện đang sống tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đã tìm đến một nhà ngoại cảm trong thành phố để nhờ tìm giúp. Sau khi “nghiên cứu” kỹ các thông tin về “liệt sĩ” do bà cung cấp, nhà ngoại cảm phán: ông Điệp đã hy sinh tại chiến trường Campuchia và được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Dak Lak, ngôi thứ 3, hàng thứ 2 khu E (khu liệt sĩ chưa rõ tên). Theo lời nhà ngoại cảm, bà Thỏa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Dak Lak và “linh cảm chắc chắn ngôi mộ này là của người yêu mình” nên đã xin phép tổ quản trang cho gắn bia tạm tên liệt sĩ phía sau mộ. Sau khi tìm được mộ, bà Thỏa tìm cách liên lạc với gia đình ông Điệp ở huyện An Dương, Hải Phòng. Vì mới là người yêu và quen biết nhau thời gian chưa dài giữa cô sinh viên trường Trung cấp Xây dựng và anh chàng lái xe cho một đơn vị quân đội ở Ba Vì nên cô gái Hà Nội ấy chưa được về quê anh. Năm 1978, khi mối tình đang độ chín thì anh Điệp tham gia quân tình nguyện sang Campuchia chiến đấu không biết rằng mình đã để lại “giọt máu” nơi người mình yêu. Cô gái ra trường, chuyển chỗ ở, sinh con, nuôi con và nuôi hy vọng tìm lại được người mình yêu nhưng bặt vô âm tín sau nhiều lần cất công tìm kiếm. Chỉ nhớ anh từng nói quê ở huyện An Dương, Hải Phòng… Vì không nhớ chính xác thôn, xã nên lần này bà Thỏa đã lặn lội về Phòng LĐTBXH huyện An Dương nhờ tìm “liệt sĩ Điệp”. Thật thất vọng khi trong danh sách những liệt sĩ của huyện không có tên ông Bùi Văn Điệp. Quá tin ở ngoại cảm và linh cảm của mình, bà Thỏa đã lớn tiếng chỉ trích sự “vô trách nhiệm, lối làm việc tắc trách bỏ sót tên người đã hy sinh” của cán bộ Phòng LĐTBXH huyện An Dương rồi để lại các thông tin liên quan của 2 người và về TP. Hồ Chí Minh. Chừng gần một tháng sau, bà Thỏa nhận được điện thoại từ người anh trai của ông Điệp ở xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP. Hải Phòng gọi vào thông báo rằng ông Điệp vẫn còn sống và đang chờ gặp bà. Quá bất ngờ trước tình huống mà bà chưa bao giờ nghĩ tới nên phải mất một hồi lâu bà mới trấn tĩnh và gặp ông Điệp qua điện thoại. Bằng một vài câu hỏi đáp về những thông tin, kỷ niệm mà chỉ có 2 người mới biết, bà tin đó đích thực là người yêu mà bấy lâu mình cất công tìm kiếm... ở cõi âm theo các “nhà ngoại cảm”.
Rất nhiều ngôi mộ ở Khu E (chưa rõ tên) đã được các gia đình gắn bia tạm ở phía sau mộ. |
Những người quản trang ở các Nghĩa trang Liệt sĩ trong tỉnh cũng cho biết, có một số đối tượng thường đến các nghĩa trang ghi chép, chụp ảnh, đánh dấu những ngôi mộ chưa rõ tên trong nghĩa trang để về “hành nghề”. Đã có không ít các gia đình liệt sĩ mất tiền, mất công sức đi tìm theo những lời phán của các nhà “ngoại cảm” để rồi thờ mộ người khác hay hay đào ụ mối bốc về quê…
Người nhà liệt sĩ khi đi tìm mộ qua các hình thức tâm linh như ngoại cảm, áp vong… đều đặt hết niềm tin, hy vọng vào ngôi mộ mà mình tìm được. Ai cũng cho rằng mình đã tìm được chính xác bằng linh cảm, bằng những dấu hiệu mà “chỉ có ở người thân của mình”. Ấy vậy nhưng lại xảy ra tình trạng có những ngôi mộ có đến 2 thậm chí 3 gia đình đều nhận và làm bia tạm. Ví dụ như ngôi mộ số 11, hàng 2, khu E gắn đến 3 chiếc bia tạm: Năm 2009, qua nhà ngoại cảm, gia đình liệt sĩ Đỗ Như Hào quê ở Hưng Yên đã tìm và nhận ngôi mộ này, đầu năm 2010, gia đình liệt sĩ Nông Quốc Hùng ở Cao Bằng cũng nhờ nhà ngoại cảm chỉ cho họ ngôi mộ đó. Cuối năm 2010, gia đình liệt sĩ Nguyễn Vinh Lâm ở Đà Nẵng lại một lần nữa nhận và gắn bia tạm lên ngôi mộ. Tuy nhiên, cũng trong năm 2010, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy mẫu hài cốt của liệt sĩ Đỗ Như Hào không trùng khớp, vì vậy ngôi mộ này chỉ còn 2 gia đình cùng đặt bia. Hay như ngôi mộ thứ 12, hàng 2, khu E cũng có 2 gia đình nhận: năm 2010 qua Nhà ngoại cảm, gia đình liệt sĩ Phạm Xuân Ngọc ở Hải Dương nhận và vào tháng 6-2011 bằng hình thức áp vong gia đình liệt sĩ Lê Minh Sĩ ở Hà Tĩnh cũng làm bia nhận mộ.
Chị Trần Thị Hoa, tổ trưởng tổ quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh cho biết: trong khoảng thời gian từ đầu năm 2010 đến nay, bỗng dưng có rất nhiều gia đình tìm mộ liệt sĩ thông qua các nhà ngoại cảm và áp vong. Từ đầu năm 2011 đến nay tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh đã có hơn 15 trường hợp các gia đình liệt sĩ đến Nghĩa trang xin tìm mộ bằng hình thức áp vong và gắn bia tạm. Chỉ vài năm trở lại đây mà có đến hơn 100 ngôi mộ vô danh trong Nghĩa trang đã được các gia đình liệt sĩ gắn bia tạm phía sau. Có 65 gia đình đã lấy mẫu hài cốt để đưa đi giám định ADN. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong số đó mới duy nhất một trường hợp cho kết quả giám định ADN đúng, đó là trường hợp liệt sĩ Bùi Ngọc Trình, quê ở Nam Định. Số còn lại chưa có kết quả hoặc cho kết quả không trùng khớp.
Cần thiết tìm hài cốt bằng phương pháp khoa học
Ông Nguyễn Quang Trường, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ: Thực sự chúng tôi rất khó xử trong tình trạng tìm, nhận mộ “ồ ạt” bằng hình thức ngoại cảm, áp vong trong thời gian gần đây. Rất nhiều gia đình, sau khi tìm mộ bằng tâm linh đã làm đơn đến các Phòng LĐ-TB&XH xin được di dời mộ và phản ứng gay gắt, nhiều khi quá khích, rất khó cho cơ quan chức năng. Vì không có cơ sở nào tin cậy xác thực hài cốt đó là của liệt sĩ nên chúng tôi không thể giải quyết. Mặt dù trước đây chưa có chủ trương nào cho phép được lấy mẫu hài cốt đi giám định ADN, nhưng trước nhu cầu về tâm linh của người dân và đảm bảo độ chính xác của phần mộ, chúng tôi vẫn gợi ý và cho phép thân nhân liệt sĩ tìm liệt sĩ theo phương pháp này.
Nhằm xác định được nhiều hơn danh tính của các liệt sĩ còn thiếu thông tin, hiện nay, Bộ Lao động TB&XH đang tiến hành dự thảo Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Thứ trưởng Bộ Lao động TB&XH Bùi Hồng Lĩnh trong chuyến làm việc tại Dak Lak vào tháng 7 đã cho biết: Hiện nay cả nước vẫn còn trên 500.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt hoặc đã tìm được hài cốt nhưng chưa xác định được danh tính. Chính vì vậy cũng chừng đó gia đình đang khắc khoải chờ tin người thân và tất tả đi tìm hài cốt bằng đủ mọi hình thức, trong đó hình thức tìm mộ liệt sĩ bằng tâm linh (ngoại cảm, áp vong…) đang rộ lên. Trên thực tế thì số người có khả năng đặc biệt để tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm rất ít. Cho nên, Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là rất bức thiết. Thực hiện Đề án là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác hậu phương quân đội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ mang tính nhân văn và ý nghĩa xã hội cao cả. Tuy nhiên, để Đề án thực hiện thành công cần có sự tham gia của các bộ, các ngành, các tổ chức xã hội, của các cựu chiến binh và mọi tầng lớp nhân dân. Việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cần phải được thực hiện một cách chính xác, dựa vào nhiều nguồn thông tin, vật chứng. Cần phải phối hợp nhiều biện pháp trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ như biện pháp tuyên truyền, đồng đội, quần chúng nhân dân cung cấp thông tin. Thứ 2 là khai quật hài cốt đó lên thì dựa vào di chứng, vật chứng từ quá khứ và thứ 3 đó phải là phương pháp xác định ADN. Tìm hài cốt liệt sĩ là mong muốn chính đáng của thân nhân các gia đình liệt sĩ. Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là việc làm thiêng liêng. Để có được thông tin chính xác, các gia đình và các đội công tác cần tìm hiểu, tham khảo các dữ liệu gốc ở trung tâm quản lý dữ liệu thông tin liệt sĩ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội hoặc ở các đơn vị. Đó là cơ sở xác nhận vô cùng quan trọng để lần tìm được mộ phần của các liệt sĩ. Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cũng cho biết, tới đây, việc giám định ADN sẽ do các địa phương giới thiệu đến các trung tâm giám định của các bộ hoặc các trung tâm giám định có hợp đồng với Bộ LĐ-TB&XH, chi phí sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Với những gia đình đã tự bỏ tiền đi giám định sau này trong Đề án sẽ phân loại và có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Ý kiến bạn đọc