Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong công tác dân số ở Cư Króa (M’Drak)

07:19, 22/11/2011

Xã Cư Króa (M’Drak) hiện có 733 hộ với hơn 3.450 nhân khẩu sinh sống ở 9 thôn; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49,6%. Những năm qua, mặc dù đã có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp cùng sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ dân số song công tác Dân số-KHHGĐ ở đây còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân là do xã Cư Króa có địa bàn rộng (diện tích tự nhiên 20.895 ha), địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đồng đều. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là người dân vẫn còn tập quán thích sinh đông con và phải có con trai, đặc biệt ở thôn 7, thôn 9, nơi có 100% dân số là người Mông di cư từ miền Bắc vào...
Theo thống kê của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện M’Drak, xã Cư Króa hiện có 595 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng nhưng có tới 136 chị sinh con một bề hoặc đã sinh 3 con mà chưa sử dụng các biện pháp tránh thai. Hàng năm, tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm 19%, tình trạng gia tăng dân số, tảo hôn vẫn còn diễn ra. Từ đầu năm 2011 đến nay, ở xã Cư Króa đã có 4 cặp vợ chồng cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Tình trạng này đã góp phần khiến cho tỷ lệ đói nghèo ở đây vẫn còn cao.

Những ngôi nhà của người Mông ở xã Cư Króa.
Những ngôi nhà của người Mông ở xã Cư Króa.
Anh Giàng Seo Lành (38 tuổi) và chị Hoàng Thị Pa (35 tuổi) ở thôn 7, xã Cư Króa, cưới nhau năm 1995 đến nay đã có 9 đứa con. Mặc dù nhiều lần được cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai, nhưng anh Lành và chị Pa đều không chịu áp dụng, vì thế, việc họ có thêm những đứa con nữa là khó tránh khỏi. Hiện tại, thu nhập chính của gia đình anh Lành là từ 4 sào lúa và 2 ha đất trồng mì, nhà có cả chục miệng ăn nên tình trạng thiếu gạo, thiếu tiền cho con ăn học xảy ra triền miên. Anh Lành cho biết: “Nhà mình nghèo lắm. Đứa con đầu 16 tuổi không đi học, còn đứa con thứ hai 13 tuổi đi lấy chồng rồi. Hiện còn 5 đứa đang đi học và 2 đứa còn nhỏ. Việc học hành của chúng mong chờ Nhà nước giúp thôi chứ nhà mình không có tiền để đóng tiền học. Vợ chồng mình còn phải kiếm tiền để lo bữa ăn hằng ngày cho gia đình”. Anh Ma Văn Trung (26 tuổi) và chị Tráng Thị Say (24 tuổi) ở thôn 9 đã có với nhau 5 đứa con. Cuộc sống vốn chỉ trông chờ vào thu nhập chính từ 2 sào mì nên cái đói, cái nghèo vẫn luẩn quẩn quanh họ. Con cái của anh Trung và chị Say trông gầy ốm, xanh xao vì không đủ ăn. Chị Tráng Thị Say cho biết: “Mình cũng muốn kế hoạch lắm nhưng chồng mình không cho, lỡ mang bầu thì phải đẻ thôi”.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác dân số ở những thôn đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Cư Króa là khi cán bộ dân số đi tư vấn KHHGĐ thì người chồng thường không chịu hợp tác, còn người vợ phần lớn không biết tiếng phổ thông, hoặc có người biết nhưng không được sự cho phép của chồng cũng chỉ cười hoặc im lặng. Ông Vương Xuân Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Króa cho biết: “Tăng dân số dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp. Hiện tại, xã Cư Króa vẫn còn 40% gia đình thuộc diện hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiếm đến 25%. Nhiều gia đình ở xã Cư Króa vốn đã khó khăn nay càng thêm khổ cực”.

Một mối quan tâm khác trong công tác dân số-KHHGĐ ở Cư Króa là tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản ở phụ nữ khá cao. Qua những đợt triển khai khám phụ khoa cho phụ nữ do Trạm y tế xã Cư Króa tổ chức từ đầu năm 2011 đến nay đã phát hiện 239 trường hợp viêm nhiễm đường sinh sản (chiếm 64% số người được khám). Nguyên nhân chủ yếu là do gánh nặng về “cơm, áo, gạo, tiền” đã làm cho nhiều chị quên đi việc chăm sóc sức khỏe bản thân trong khi đó, kiến thức về phòng tránh viêm nhiễm đường sinh sản vẫn là điều xa lạ đối với nhiều chị em người dân tộc thiểu số.

Làm sao để người dân tự giác thực hiện KHHGĐ, giảm tình trạng sinh con thứ 3, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vẫn là bài toán khó đối với xã Cư Króa. Để tìm được lời giải rất cần sự chung sức, chung lòng của các ban ngành, đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động truyền thông về dân số; cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình; thực hiện tốt việc quản lý nhân khẩu, đăng ký kết hôn, lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình. Đi đôi với các giải pháp trên cần thiết phải đẩy nhanh các chương trình xóa đói, giảm nghèo, thu hút các dự án có lợi cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Võ Thảo

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.