Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: Vẫn còn nhiều khó khăn

09:40, 02/11/2011

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 và bắt đầu thực hiện chi trả từ ngày 1-1-2010. BHTN ra đời đã nhận được ủng hộ của người lao động; tuy nhiên, qua gần 2 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã nảy sinh không ít tồn tại, khó khăn.

Mục đích của BHTN là nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp được học nghề đồng thời được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Chị Nguyễn Thị Dung ở xã Ea Riêng (M’Drak) trước đây làm thợ may ở TP. Hồ Chí Minh. Do điều kiện gia đình, chị phải về quê để sinh sống nên hiện tại không có việc làm. Trong khi chờ tìm được việc làm thích hợp, chị đã đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak đăng ký thất nghiệp và hoàn tất hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Dung cho biết: “Sau 12 tháng làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, tôi đã được công ty tuyên truyền về BHTN nên trong 3 tháng đầu sau khi thất nghiệp tôi không phải lo lắng nhiều vì đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp đáng kể để trang trải cho cuộc sống”. Không chỉ trường hợp của chị Dung, năm 2010, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tiếp nhận 1.401 hồ sơ đăng ký thất nghiệp; trong đó có 1.191 hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2011, Trung tâm đã tiếp nhận 1.845 hồ sơ đăng ký thất nghiệp, trong đó số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.673 người với số tiền chi trả hơn 6,2 tỷ đồng. Những khoản trợ cấp thất nghiệp này đã góp phần giải quyết phần nào những khó khăn của người lao động khi chưa tìm được việc làm mới.

Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại một điểm giao dịch việc làm ở Dak Lak. Ảnh: M.Q
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại một điểm giao dịch việc làm ở Dak Lak. Ảnh: M.Q
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà BHTN mang lại thì trong quá trình thực hiện BHTN tại Dak Lak đã nảy sinh không ít vấn đề. Một trong những tồn tại đó là nhiều người lao động vẫn còn chưa hiểu về các thủ tục để được hưởng chính sách này. Anh Nguyễn Duy Khoa, thường trú tại huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Trong khi làm việc tại Nhà máy của Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên, mặc dù đã được tuyên truyền về chính sách BHTN nhưng do không quan tâm lắm nên đến khi nghỉ việc, bị thất nghiệp tôi vẫn không biết nhiều về BHTN. Mặc dù được bạn bè giới thiệu đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak để đăng ký thất nghiệp và làm hồ sơ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nhưng hiện tôi vẫn chưa biết phải làm như thế nào”. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp chưa tuyên truyền, phổ biến về BHTN đến người lao động trong đơn vị. Bà Bùi Thị Nga, Trưởng Phòng BHTN, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, Trung tâm đã tuyên truyền nhiều về chính sách BHTN bằng nhiều hình thức, như: gửi công văn đến các cơ quan, doanh nghiệp; phát tờ rơi; phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, panô, áp-phích, nhưng một số doanh nghiệp vẫn chưa phổ biến đến người lao động, dẫn đến tình trạng người lao động đến đăng ký thất nghiệp còn chậm trễ. Như vậy, sẽ gây thiệt hại cho người lao động trong việc hưởng các chế độ, quyền lợi của BHTN”.  Theo quy định tại Điều 83, 84 Luật Bảo hiểm xã hội, người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề với thời gian không quá 6 tháng và được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm miễn phí. Tuy nhiên, phần lớn lao động khi đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh vẫn chỉ nhắm đến việc nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến việc được tư vấn, giới thiệu việc làm. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến người lao động chưa hiểu hết về BHTN, nhất là những lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp hiện đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một tồn tại nữa là: để nhận được trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải trải qua khá nhiều quy trình, tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại. Người lao động thất nghiệp hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng thì ít nhất cũng phải 5 lần đến Trung tâm Giới thiệu việc làm để đăng ký thất nghiệp, nộp hồ sơ, nhận quyết định và mất thêm 3 lần đi lại nữa mới lĩnh được tiền trợ cấp.

Thực tế qua một thời gian thực hiện quy định về thời gian đăng ký thất nghiệp và thời gian hoàn thành hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Vì sau khi thất nghiệp, người lao động phải cố gắng để tìm  việc làm mới, chỉ khi nào không tìm được việc thì họ mới nghĩ đến thất nghiệp và khi đến đăng ký thì đã trễ hạn; lại có trường hợp một số doanh nghiệp không đủ thời gian để làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho lao động nên người lao động không kịp hoàn thành hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Về quy định lao động sau khi thất nghiệp trong vòng 7 ngày phải đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm, ông Lâm Đình Nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: “Dak Lak là một tỉnh miền núi, nhiều địa phương điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là các xã biên giới; vì vậy, quy định sau khi thất nghiệp, trong vòng 7 ngày lao động thất nghiệp phải đến đăng ký thất nghiệp gây không ít khó khăn cho người lao động”.

Thiết nghĩ, để khắc phục những tồn tại vừa nêu, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về BHTN để người lao động hiểu, nắm rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHTN thì các cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc thay đổi thời gian đăng ký thất nghiệp và hoàn thành hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động khi làm thủ tục.

Gia Khiêm

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.