Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN tỉnh: Tăng cường công tác kết nghĩa giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên

09:54, 13/12/2011

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã đẩy mạnh công tác kết nghĩa giữa các chi hội và hộ phụ nữ người Kinh với các chi hội và hộ phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ. Hoạt động này đã tạo mối quan hệ tình cảm gắn bó, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết, giúp chị em giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Sau khi lập gia đình vào năm 1991, số vốn còn lại của vợ chồng chị H’Đam Êban ở buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) chỉ đủ mua một mảnh đất nhỏ. Được bố mẹ cho căn nhà gỗ cũ, vợ chồng chị dựng tạm để ở với hy vọng sau này có điều kiện xây nhà mới. Thế nhưng gần 20 năm trôi qua khi 5 người con lần lượt chào đời, vợ chồng chị vẫn chưa thực hiện được mơ ước đó. Bởi cả hai vợ chồng đều không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy nên dành dụm mãi cũng chỉ mua được 2 sào cà phê, lo trang trải việc học cho các con. Một niềm vui bất ngờ đã đến vào năm 2010 khi gia đình chị được chi hội phụ nữ thôn 2 – chi hội kết nghĩa với buôn hỗ trợ 15 triệu đồng từ nguồn vận động của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Quyến đóng chân trên địa bàn để làm nhà. Vui mừng trước sự giúp đỡ của đơn vị kết nghĩa, anh em, họ hàng người giúp công, người giúp của hỗ trợ xây dựng cho gia đình chị căn nhà rộng 54 m2, trị giá 80 triệu đồng. Đứng giữa căn nhà gỗ cũ và căn nhà xây khang trang, chị H’Đam xúc động nói: “Từ ngày có nhà mới, bọn trẻ thích lắm vì không còn lo cảnh mưa dột, gió lạnh nữa. Nếu không có sự giúp đỡ của chi hội kết nghĩa chắc vợ chồng mình không dám mạnh dạn vay mượn để xây căn nhà này”. Ngoài gia đình chị H’Đam còn có gia đình chị H’Re Ênuôl và chị H’Đuaih Ênuôl ở buôn Ea Bông cũng được đơn vị kết nghĩa hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để làm nhà. Không chỉ vận động, kêu gọi các mạnh thường quân đóng chân trên địa bàn giúp đỡ buôn kết nghĩa, chi hội phụ nữ thôn 2 còn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, hướng dẫn bà con buôn kết nghĩa cách thức tổ chức sinh hoạt hội, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Niềm vui của chị H’Đăm Êban (người thứ 2 bên phải) trước căn nhà được chi hội phụ nữ thôn kết nghĩa xây dựng năm 2010.
Niềm vui của chị H’Đăm Êban (người thứ 2 bên phải) trước căn nhà được chi hội phụ nữ thôn kết nghĩa xây dựng năm 2010.

Để công tác kết nghĩa đạt hiệu quả, sau khi nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh đã chủ động khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa, xây dựng bản cam kết, hướng dẫn việc tổ chức kết nghĩa có sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ vậy đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tích cực của các cấp hội và hội viên. Đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ban tự quản, già làng và các tổ chức đoàn thể trong các thôn, buôn hiểu rõ mục đích của việc kết nghĩa và phối hợp thực hiện tốt các nội dung đã ký kết. Nhờ vậy, công tác kết nghĩa đã đi vào chiều sâu và ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực.

Sau gần 7 năm (2005-2011) triển khai công tác kết nghĩa, đến nay toàn tỉnh đã có 686 chi hội phụ nữ người Kinh kết nghĩa với 472 chi hội phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, có 11.323 hộ gia đình phụ nữ người Kinh kết nghĩa với 8.009 hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số. Bằng tình cảm và trách nhiệm với chị em phụ nữ ở buôn kết nghĩa, các cấp hội đã huy động từ nhiều nguồn, kể cả việc vận động đóng góp của cán bộ, hội viên phụ nữ, các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để hỗ trợ hội viên phụ nữ ở buôn, thôn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2005 đến nay, các chi hội đã vận động được 4.297 chị kinh tế khá giúp không lấy lãi gần 6.000 phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vay trên 2 tỷ đồng, 35 chỉ vàng, hàng chục nghìn cây, con giống các loại, gần 2.300 tấn phân bón và trên 20.000 ngày công lao động. Đồng thời, các chi hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 63 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 8.500 lượt chị vay, vận động xây dựng 44 nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, huy động được trên 460 triệu đồng; phối hợp mở các lớp tập huấn sử dụng, quản lý vốn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, dạy nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan và hỗ trợ làm nhà tình thương cho hội viên khó khăn tại các buôn. Bên cạnh đó, công tác kết nghĩa đã góp phần kiện toàn, củng cố các tổ, chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số. Thông qua các mô hình như Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ với Pháp luật”, Nhóm phụ nữ không sinh con thứ 3, thứ 4… 7 năm qua, các cấp hội đã thu hút được gần 5.861 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt, nâng tổng số hội viên dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh lên 72.000 hội viên. Ngoài những hoạt động trên, các chi hội còn cử cán bộ thường xuyên bám buôn, bám dân tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em dân tộc thiểu số, nắm bắt diễn biến tình hình để cùng tìm biện pháp khắc phục. Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ban tự quản và chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe, không làm theo lời kẻ xấu xúi giục; đoàn kết giữ vững ổn định trật tự địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc