ẤM ÁP VÙNG SÂU
02:42, 29/01/2012
Một mùa Xuân mới đang về, mùa Xuân càng ý nghĩa và ấm áp hơn đối với những buôn, làng vùng sâu, vùng xa. Bởi hơn ai hết, người dân ở đây cảm nhận được rõ nhất sự “thay da, đổi thịt” của quê hương mình mỗi mùa Xuân về - đánh dấu thêm một năm đầy nỗ lực vươn lên cùng với sự quan tâm hỗ trợ, những chính sách đầu tư của Nhà nước.
Ea M’Droh: Đổi thay từng ngày
Trong không khí những ngày giáp Tết, chúng tôi tìm về vùng đất Ea M’Droh (huyện Cư M’gar) để chứng kiến niềm vui được mùa của bà con nông dân nơi đây. Những vườn cà phê trĩu quả đang được thu hoạch về sân phơi, nó không chỉ đong đầy trong ánh mắt tươi vui mà còn giúp cuộc sống vốn khốn khó của người dân đang từng ngày thay đổi.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống người dân Ea M’Droh đang ngày càng đổi thay. Ảnh: Hồng Thủy |
Là một xã vùng sâu có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, xã Ea M’droh những năm trở lại đây nhờ sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước đang khoác lên mình một diện mạo mới. Những con đường nhựa, những ngôi nhà xây khang trang bên ngôi nhà dài truyền thống, trường học đầy đủ trang thiết bị, những cánh đồng xanh tốt, bạt ngàn… như tô điểm thêm vẻ đẹp bức tranh của một vùng quê yên tĩnh. Ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Những năm trước 1975, Ea M’Droh bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, bom đạn cày đi xới lại làm tan hoang nhà cửa, buôn làng. Tuy nhiên, với tinh thần cách mạng kiên trung, đồng bào các dân tộc vẫn một lòng bám buôn, làng sản xuất lương thực để nuôi quân đánh thắng kẻ thù xâm lược. Sau ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư hàng chục tỷ đồng để khai hoang xây dựng ruộng đồng, làm thủy lợi; hướng dẫn, tạo điều kiện ổn định, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân”. Để phát triển kinh tế hộ gia đình, phần lớn diện tích đất rẫy trước đây bà con nông dân trồng cây lúa cạn, năng suất thấp đã được chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Nhờ vậy, hiện nay xã Ea M’Droh đã có trên 666,4 ha cà phê và hàng trăm héc-ta tiêu, cao su, điều, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục nghìn tấn nông sản các loại.
Những năm trước, công trình đập thủy lợi Ea Rách được Nhà nước đầu tư với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cung cấp nước tưới hàng trăm héc-ta lúa nước. Nếu như năm 2008, cả xã chỉ có 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số có điện, thì nay 100% số thôn, buôn đã có điện lưới quốc gia phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đồng bào tự nguyện hiến đất, hiện hệ thống đường giao thông liên xã và nhiều tuyến đường xương cá vào các thôn, buôn cũng đã được thảm nhựa, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đặc biệt, dự án trọng điểm hỗ trợ 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là buôn Dhung và Ea M'Droh phát triển kinh tế với tổng số vốn 1 tỷ đồng bằng hình thức cung cấp con, cây giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi đến nay đã giúp các hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định... Riêng năm 2011, xã Ea M’Droh đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 công trình trường mẫu giáo thôn 19 (trị giá gần 300 triệu đồng) và hội trường thôn 13 (trị giá trên 200 triệu đồng) điều này phần nào đáp ứng nơi học tập cho con em và nhu cầu về điểm sinh hoạt của người dân địa phương. Kinh tế phát triển, cuộc sống ngày càng khá lên, bà con các dân tộc đã quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa, sự nghiệp giáo dục và y tế cộng đồng. Cụ thể, hơn 95% số hộ đăng ký Gia đình văn hóa; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS trên 97%; Trạm Y tế xã đạt Chuẩn quốc gia từ năm 2009… Ông Ama Tâm, Trưởng buôn Ea M’Droh tâm sự: “Được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cuộc sống người dân Ea M'Droh đã thay đổi nhiều, bà con không còn chịu cảnh bữa đói bữa no nữa, gia đình nào cũng có nương rẫy để chăm lo phát triển kinh tế. Bây giờ đường sá đi lại thuận tiện hơn, có nguồn điện chiếu sáng phục vụ sinh hoạt và sản xuất, con cháu trong làng đều được đi học đến nơi đến chốn, người dân rất phấn khởi”.
Sắc xuân nơi xã vùng xa Ea Lê
Một ngày mới ở xã Ea Lê đầy ắp những âm thanh, hình ảnh sống động.. Xen lẫn trong nắng vàng rực rỡ và tiếng máy bơm vọng về là dòng nước bạc cuộn chảy theo kênh mương chằng chịt lượn quanh tưới mát cho cánh đồng lúa ngút ngát xanh. Phía xa xa, những chiếc máy cày màu đỏ chót đang cần mẫn tạo nên những đường vẽ thẳng tắp ở lưng chừng đồi đưa về thoang thoảng mùi ngai ngái của đất mới được cày ải. Một mùa xuân căng tràn sức sống đang về với xã vùng xa Ea Lê (huyện Ea Súp).
Một góc xã Ea Lê. Ảnh: Minh Quân |
Niềm vui nào hơn khi những ngày giáp Tết, công trình xây dựng nâng cấp mở rộng 10 tuyến đường liên thôn vừa hoàn thành. Đường rộng, đổ cấp phối phẳng phiu, đường làm đến đâu nhà dân chỉnh trang đến đó. Và Tết năm nay thật sự là cái Tết rất vui với người dân xã Ea Lê bởi hàng loạt các công trình như trường trung học cơ sở (THCS), trường tiểu học (TH) được xây dựng khang trang hơn với kinh phí đầu tư của Nhà nước trên 11 tỷ đồng; hệ thống kênh mương tưới tiêu gần 40km được nạo vét, xây mới hoàn chỉnh sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân 2011-2012.
Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê hồ hởi chia sẻ: “Ea Lê đã được chọn và đang trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tuy mới chỉ có 4/19 tiêu chí đạt chuẩn, nhưng cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã sẽ phấn đấu để đạt kế hoạch. Xã còn được xây dựng xã điểm, quy hoạch cụm Trung tâm và xây dựng khu công nghiệp nữa đấy”. Rồi ông lại trầm ngâm kể về những ngày gian khó đã qua: Xã được hình thành đã hơn 30 năm, ban đầu chỉ là vài trăm hộ dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng đưa vào xây dựng vùng kinh tế mới giữa nơi rừng thiêng nước độc, bạt ngàn rừng khộp khô và nóng. Những năm đầu cuộc sống vất vả, khó khăn muôn phần. Nhưng “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm” khi cuộc sống tạm thời ổn định thì bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao… tìm đến sinh cơ lập nghiệp. Ấy vậy là cả xã toàn những người nghèo, tay trắng mò mẫm khai hoang trồng trỉa. Nhưng được Nhà nước quan tâm thông qua một loạt các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ, và chỉ riêng năm 2011, xã đã được đầu tư gần 13 tỷ đồng… Người dân được thụ hưởng một cơ sở hạ tầng khang trang; 98% hộ được dùng điện; 20 km đường chính được nhựa hóa; 2 trường TH và 1 trường THCS đầy đủ phòng học còn có nhà công vụ cho giáo viên, nhà nội trú cho học sinh ở xa; trạm y tế đạt chuẩn. Bà con được vay vốn phát triển sản xuất, được hỗ trợ làm nhà, 109 hộ nghèo được xây nhà theo Chương trình 167; được hướng dẫn cách làm ăn… đời sống người dân cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm, từ 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2009, lên 7 triệu đồng năm 2010 và năm 2011 tăng lên 8,5 triệu đồng. Có khá nhiều hộ xây nhà hàng trăm triệu đồng.
Hiện xã Ea Lê có 2.492 hộ dân, trong đó hơn 60% số hộ là người dân tộc thiểu số phía bắc di cư vào lập nghiệp từ những năm 1990. Ông Lương Văn Mỳ, Trưởng thôn 12 (một trong những thôn có đa số dân là người Tày, quê ở Cao Bằng) phấn khởi bộc bạch: Thôn vừa được đầu tư nâng cấp đường liên xóm, nên nhà nào cũng lo chỉnh trang lại nhà cửa, rộn ràng đón Tết. Bà con ăn Tết to vì nhà nào cũng thóc lúa đầy bồ. Ruộng đồng đã có thể làm 3 vụ lúa vì chủ động nguồn nước tưới nhờ hệ thống kênh mương nội đồng Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp công sức làm hoàn chỉnh. Bây giờ, bà con biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt để đạt năng suất cao. Mọi người còn có ý thức tự vươn lên, không muốn ỷ lại Nhà nước, không muốn xếp loại hộ nghèo. Trong thôn có nhiều máy cày để cày xới, vận chuyển. Bà con cũng đã biết chú trọng đến học vấn của con em. Nhiều cháu học xong trung cấp, cao đẳng, đại học về làm việc ngay tại xã, huyện. Hiện vẫn còn một số cháu đang học các trường đại học Y, Nông Lâm, Sư phạm… Đây chính là nguồn cán bộ về lâu về dài của địa phương…
Những công trình ấm áp tình Xuân
Khi những cánh én từ phương bắc lượn bay trên bầu trời, những triền đồi ngập tràn sắc trắng hoa cà phê, những hàng dã quỳ vàng rực rỡ cạnh các tuyến đường… cũng là lúc người dân khắp mọi miền quê chuẩn bị đón thêm một mùa Xuân nữa đang về. Bên cạnh niềm vui, hân hoan được đón Tết trong tiết trời ấm áp, nhiều miền quê nghèo trong tỉnh còn đón thêm biết bao niềm vui khác khi những công trình dân sinh đã và đang triển khai xây dựng trong năm 2011.
Những ngày cuối năm này, chúng tôi về lại phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) để ghi nhận niềm vui và sự xúc động của bà con nơi đây khi công trình cấp nước sinh hoạt được khởi công xây dựng. Đây là dự án được phê duyệt và đầu tư xây dựng đồng bộ với công suất 5.600 m3/ngày, đêm; tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Trong đó, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) viện trợ không hoàn lại 81 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 39 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2013, bảo đảm cung cấp nước (đạt tiêu chuẩn quốc gia) cho khoảng 60.000 dân trên địa bàn 7 phường nội thị của thị xã.
Công trình cấp nước sạch thị xã Buôn Hồ khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân. Ảnh: Thế Hùng |
Ông Phạm Phú Lộc, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, khi công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, giảm tác động xấu do chất lượng nước sinh hoạt và vệ sinh kém gây ra. Những năm gần đây, bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước với hàng nghìn tỷ đồng xây dựng đường sá, điện, nước và chỉnh trang, cải tạo môi trường theo hướng văn minh, hiện đại… người dân ở đây cũng đã tự nguyện và tích cực đóng góp công sức của mình vì sự phát triển chung của quê hương. Như vậy, cùng với hàng chục nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ khác do Nhà nước đầu tư xây dựng đã góp phần đưa 71% dân số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều vùng hiện đã chấm dứt tình trạng sử dụng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới thêm 189 công trình cấp nước tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần đưa 85% dân cư vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 100% dân số vùng nông thôn đều sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung, các công trình bảo đảm an sinh xã hội cho người dân như: mở mới hồ đập thủy lợi, cấp nước sạch, kiên cố hóa kênh mương và cầu liên thôn sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2011 cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Cùng với đó là sự hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng đến hỗ trợ giống cây con, tích lũy tái đầu tư mở rộng sản xuất… nên đời sống của người dân vùng thôn quê ngày càng khấm khá “có của ăn của để”.
Hồng Minh Thế
Ý kiến bạn đọc