Multimedia Đọc Báo in

Chương trình kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: Dấu ấn trong lòng dân

08:54, 25/01/2012

 

“Lá lành đùm lá rách” là đạo lý sống từ ngàn đời nay của ông cha ta. Truyền thống đầy nhân văn ấy của dân tộc người Việt Nam đã được Tỉnh ủy Dak Lak vận dụng sáng tạo vào chủ trương kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ bà con  khắc phục khó khăn vươn lên làm chủ cuộc sống. Dấu ấn về những hoạt động nghĩa tình này thì đã in đậm trong tâm thức của người dân…
 
Cây cầu nghĩa tình
 
Ngày Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên tổ chức lễ khánh thành cây cầu treo bắc qua con suối đầu buôn Liêng Ông (xã Dak Phơi, huyện Lak) là ngày bà con trong buôn vui mừng hơn đi trẩy hội. Cây cầu được dựng lên đã đưa được cái chân bà con lên nương rẫy, có đường để bà con đưa gùi lúa, gùi ngô về nhà, không mừng, không vui sao được! 
 
Từ trước đến nay, đời sống của người dân trong buôn chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô và lúa. Đã vậy, diện tích đất canh tác ít, năng suất lao động không cao nên cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Mặt khác do đất canh tác của đồng bào trong buôn chủ yếu ở các đồi núi xa, muốn đến nơi phải băng qua một con suối lớn. Vào mùa mưa, nước lũ tràn về, người dân không thể lội qua nên đành bỏ hoang nương rẫy khiến đời sống càng thêm khó khăn. Chỉ tính đến cuối năm 2009, cả buôn Liêng Ông còn có đến 45 hộ thuộc diện nghèo (chiếm 48% số hộ trong buôn)… 
Cầu treo đã trở thành cứu cánh để người dân buôn Liêng Ông thoát nghèo
Cầu treo đã trở thành cứu cánh để người dân buôn Liêng Ông thoát nghèo

 

 
Là đơn vị nhận kết nghĩa với buôn Liêng Ông, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên đã thấy được nỗi khó khăn vất vả của người dân trong buôn. Vậy nên ngoài việc thường xuyên tổ chức các chuyến thăm tặng quà hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn trước mắt, lãnh đạo Công ty quyết định đầu tư làm một cây cầu treo bắc qua sông với trị giá gần 100 triệu đồng. Cây cầu mọc lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào trong buôn và khu vực lân cận đi làm rẫy, đặc biệt là khi mùa mưa đến, nước lũ tràn về. 
 
Phó chủ tịch UBND xã Dak Phơi Y Tuyên Buôn Krông cho biết, vùng canh tác nông nghiệp bên kia cầu là vùng đất trù phú rộng hơn 100 ha. Trước đây khi chưa có cây cầu này, chỉ cần vài trận mưa nhỏ là nước đã đổ về cuồn cuộn và bà con đành phải ở nhà. Mà đã không có việc làm thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác do “nhàn cư vi bất thiện”... Cây cầu treo do Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên xây tặng không chỉ phục vụ bà con tại buôn Liêng Ông mà còn giúp người dân ở các buôn Jiê Juk, Bu Juk và Liêng Keh đi lại thuận tiện. Từ khi có cây cầu, bà con nông dân đã có điều kiện chú tâm chăm sóc cây trồng nên năng suất tăng lên rõ rệt. Hơn thế, nhờ giao thương thuận tiện nên các loại nông sản như cà phê, lúa, ngô, đậu thu hoạch đến đâu được bà con vận chuyển về đến đó nên đã không bị tiểu thương ép giá như trước đây. Nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã sắm được các tiện nghi như xe máy, ti vi, máy kéo…góp phần cải thiện đáng kể tình hình kinh tế xã hội của buôn.
 
Thanh niên buôn Bu đã có cái nghề
 
Hai bên con đường cấp phối sạch đẹp giữa buôn Bu (xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak) thời gian gần đây các tiệm sửa chữa điện dân dụng, may vá của thanh niên mọc lên ngày càng nhiều. Buôn trưởng Ama Po phấn khởi dẫn chúng tôi đi quanh một vòng trong buôn, rồi khoe: “Chúng nó đã có kiến thức để làm ăn, có nghề nghiệp nuôi sống bản thân, tránh xa các tệ nạn xã hôi, thật vui không gì bằng…”.  Đời sống của người dân buôn Bu, đặc biệt là lớp thanh niên như được “khoác” lên trên mình tấm áo mới, đồng hành với những đổi thay đó là nhờ có sự đóng góp của đơn vị kết nghĩa Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak. 
 
Nhờ được đơn vị kết nghĩa đào tạo nghề may, H'Nghiếp đã có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân cũng như trang trải được những khó khăn của gia đình...
Nhờ được đơn vị kết nghĩa đào tạo nghề may, H'Nghiếp đã có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân cũng như trang trải được những khó khăn của gia đình...
Năm 2007, trường đã cử thầy, cô giáo về tận buôn để dạy các nghề: điện dân dụng, sửa chữa máy nổ, may vá hoàn toàn miễn phí cho hơn 120 thanh niên dân tộc thiểu số. Đời sống còn nhiều khó khăn, thanh niên trong buôn đa số học hết trung học cơ sở là nghỉ, lập gia đình rồi chỉ quen với việc lên rẫy, cuốc cày. Khi đơn vị kết nghĩa về buôn mở lớp dạy nghề, người trẻ thì thấy hớn hở, người già trong buôn ai cũng ưng cái bụng. Những bàn tay chỉ quen với việc cầm cái cuốc, dặm cây lúa, tuốt hạt cà phê, vai chỉ quen mang gùi, giờ bắt đầu đụng tay đến dầu, mỡ;  tỉ mỉ bên từng đường kim mũi chỉ, tiếp cận dần với những kỹ thuật đầu tiên về nghề… Những cử chỉ lóng ngóng ban đầu ấy đã dần thuần thục, như một tín hiệu đáng mừng rằng luồng ánh sáng của “công nghiệp hóa” đã bắt đầu tỏa về buôn. Không ít học viên ngày đầu còn bỡ ngỡ, ái ngại, đến nay đã có tay nghề thành thạo, mở các tiệm sửa chữa riêng hoặc may vá tại nhà, nhiều thanh niên trong số đó đã được tuyển vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… với mức thu nhập trên 2,5 triệu đồng/ tháng.
 
Ama Po dẫn chúng tôi đến trước một tiệm sửa chữa dân dụng, nơi Y Hội A Drơng đang loay hoay với chiếc máy nổ của một người trong buôn vừa mang sang nhờ sửa giúp. Y Hội nhớ lại, năm 2007 anh được các thầy Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak về buôn dạy cho nghề sửa chữa điện dân dụng. Sau gần 4 tháng chăm chỉ học nghề, khi đã vững kiến thức, từ số vốn của gia đình anh vay thêm một ít nữa từ Ngân hàng Chính sách Xã hội mở tiệm ngay trước sân nhà, chủ yếu phục vụ người dân trong buôn và các buôn lân cận. Dù không nhiều nhưng hầu như lúc nào tiệm của anh cũng có khách đến, người nhờ sửa chiếc máy nổ, người nhờ xem hộ chiếc bình ắc-quy… Trung bình mỗi tháng anh cũng kiếm được trên 1 triệu đồng. Nguyện vọng của Y Hội sắp tới là sẽ dành dụm, huy động thêm vốn để cơi nới cửa hàng, đầu tư mua thêm nhiều trang thiết bị để đáp ứng việc sửa chữa các dụng cụ điện phức tạp hơn cho bà con trong buôn. 
 
Như được mở ra một hướng đi khác cho đời mình, chị H’Nghiếp Ajun cũng tỏ ra phấn khởi không kém. Từ ngày được đơn vị kết nghĩa dạy cho nghề may, chị không còn phải đi làm thuê nữa mà mở tiệm may tại nhà. “Trước đây, mình chỉ biết có nương rẫy, nay học được cái nghề, mình vừa có việc để làm, vừa có thu nhập nuôi sống bản thân và lo cho gia đình, đời sống đã bớt đi nhiều lam lũ”- H’Nghiếp tâm sự.
 
Mùa Xuân này, buôn Bu đã có nhiều khởi sắc và đang thay da đổi thịt từng ngày. Các “ông chủ”, “bà chủ” thanh niên càng bận rộn hơn bởi nhiều nhà đặt may tấm áo mới, sửa chữa vật dụng trong nhà cho tươm tất để đón Tết. Cuộc sống của bà con buôn Bu đang “sáng” lên từng ngày, và thanh niên buôn Bu cũng đang bắt đầu nghĩ đến khát vọng đổi đời bằng đôi tay khối óc trên chính quê hương của mình.
 
“Vàng 4 chân” ở buôn Mrông C
 
Với người dân buôn Mrông C (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar)) thì những con bò giống mà đơn vị kết nghĩa với buôn – Cục Hải quan Dak Lak – tặng chính là vàng “vàng 4 chân”, vàng đẻ ra vàng! 
Y Jô Mlô (người đứng bên trái) đang kỳ vọng vào đàn bò
Y Jô Mlô (người đứng bên trái) đang kỳ vọng vào đàn bò "vàng" của mình sẽ tiếp tục... đẻ ra "vàng"

 

 
Năm 2004, Cục Hải quan Dak Lak được Tỉnh ủy phân công kết nghĩa với buôn Mrông C. Lúc bấy giờ đời sống của bà con trong buôn còn nghèo lắm. Trưởng buôn Y Nghê Mlô nhớ lại, thời điểm đó cả buôn có đến 166 hộ với 787 nhân khẩu. Tiếng là “người thị trấn” nhưng phương thức canh tác còn lạc hậu, lại thiếu đất sản xuất nên cái đói cái nghèo cứ đeo bám người dân trong buôn. Từ ngày được Cục Hải quan về kết nghĩa, đời sống bà con trong buôn đã đổi thay trông thấy. Những hộ đói thì nhận được trợ giúp quà, gạo, những hộ nghèo thì được hỗ trợ giống cây trồng… Tuy nhiên, mô hình mà đơn vị kết nghĩa đầu tư hiệu quả nhất, theo Y Nghê đó chính là tặng bò cho hộ nghèo… 
 
Chia sẻ về mô hình đầu tư này, ông Huỳnh Văn Tiến, Cục trưởng Cục Hải quan Dak Lak nhớ lại: “Vào thời điểm đó chúng tôi cũng băn khoăn không biết hỗ trợ người dân thế nào cho hiệu quả. Suy nghĩ nát óc, rồi qua tham khảo ý kiến của người dân, chúng tôi quyết định tặng bò cho hộ nghèo nuôi. Cách thức hỗ trợ là giao trực tiếp bò cái giống cho hộ nghèo nuôi. Khi bò sinh ra con thì hộ nuôi bò cái này được sở hữu bê con; còn bò mẹ sẽ được giao cho hộ nghèo khác… 
 
Việc bàn giao bò giống cũng được tiến hành rõ ràng, minh bạch. Mỗi lần làm quyết định bàn giao chúng tôi đều phối hợp với Ban tự quản buôn tiến hành họp dân, phải thống nhất đúng hộ nghèo mới giao bò mẹ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng thường xuyên giám sát chặt chẽ và giữ mối liên hệ mật thiết với chi bộ, ban tự quản thôn nên việc nhận nuôi cũng như chăm sóc bò rất tốt.  Với số “vốn” ban đầu chỉ có 4 con bò cái giống trị giá gần 40 triệu đồng, đến thời điểm này tổng số bò đã được nhân giống lên đến 42 con, giá trị ước tính lên đến hàng trăm triệu đồng…”.

 

Cán bộ Cục Hải quan Dak Lak tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi buôn kết nghĩa Mrông C
Cán bộ Cục Hải quan Dak Lak tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi buôn kết nghĩa Mrông C
Từ 4 con bò giống ban đầu ấy, đến nay nhiều hộ gia đình ở buôn Mrông C đã thoát được nghèo, thậm chí có hộ đang còn sở hữu cả một đàn bò trị giá vài chục triệu đồng. Điển hình nhất là hộ gia đình Y Jô Mlô, hộ nghèo nhất buôn vào thời điểm năm 2005. Cũng vì quá nghèo nên anh được ưu tiên nhận bò giống nuôi trước. Nhận được bò như có được vàng, anh chăm chút nâng niu như con đẻ của mình. Nhờ đó, chỉ một năm sau bò mẹ đã sinh cho anh một con bê giống khỏe mạnh. Chuyển giao bò mẹ cho người khác, anh lại chăm chút bê con. Đến nay thì anh đã gây dựng được đàn bò 4 con, và cái nghèo cũng không còn đeo đẳng gia đình anh nữa. Hỏi thăm chuyện nuôi bò, anh cười phấn khởi rồi “đính chính” lại rằng: Anh đang nuôi vàng, “vàng 4 chân”, vàng sinh ra vàng! 
 
Quả thật, với những trường hợp gia đình còn gặp nhiều khó khăn như anh thì một con bò cũng đã là khối tài sản lớn lắm rồi. Giờ đây, “bò đẻ ra bò – vàng đẻ ra vàng” thì còn gì vui hơn nữa. Vậy nên dẫu gia đình cũng còn cần trang trải nhiều thứ, nhưng anh kiên quyết không bán “vàng” đi mà vẫn kiên trì chờ “vàng” sinh sôi nảy nở…
 
Nhận xét về hiệu quả công tác kết nghĩa giữa Cục Hải quan Dak Lak với buôn Mrông C, Bí thư chi bộ buôn Y Khon Niê không giấu được niềm vui: “Từ ngày kết nghĩa với cán bộ hải quan, bà con trong buôn được quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều thứ lắm. Bên cạnh mô hình đầu tư bò đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt thì vào những ngày lễ, Tết… cán bộ hải quan còn tặng quà tất cả các hộ trong buôn”. Chính sự quan tâm đó cũng là nguồn động viên to lớn, là chỗ dựa tinh thần quan trọng để người dân phát huy tính tự chủ, chăm chỉ làm ăn vươn lên trong cuộc sống.  
 
Buôn Ea Na đổi đời 
 
Nếu như nói đến hiệu quả cũng như giá trị đầu tư ở buôn kết nghĩa thì có lẽ không đâu được thụ hưởng nhiều như bà con ở buôn Ea Na (xã Ea Na, huyện Krông Ana). Năm 2004, Công ty Phân bón Bình Điền nhận kết nghĩa với buôn Ea Na, và cũng từ đó đến nay bà con trong buôn luôn nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của đơn vị kết nghĩa với tổng giá trị đầu tư đã lên đến hàng tỷ đồng. 

 

Đại diện buôn Ea Na và lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền ký kết sổ vàng kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân vận tỉnh Dak Lak
Đại diện buôn Ea Na và lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền ký kết sổ vàng kết nghĩa trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân vận tỉnh Dak Lak
Ngay từ năm 2004, sau khi tổ chức lễ kết nghĩa, Ban Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền đã xác định việc đầu tư để phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho buôn là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, định kỳ hằng năm, Công ty đều mời những các cộng tác viên ở Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên và các nhà khoa học trong Hội đồng cố vấn Khoa học kỹ thuật của công ty đến buôn Ea Na để xem xét thực địa về điều kiện đất đai, con giống, cây trồng… sau đó tư vấn, tập huấn KHKT, cung cấp kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn cho bà con. Nắm bắt được khoa học kỹ thuật, nhưng do thiếu vốn nên nhiều hộ đầu tư phân bón cho cây trồng chưa đầy đủ và kịp thời, vì vậy đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc công ty quyết định đầu tư và nâng mức đầu tư phân bón với hình thức trả chậm không tính lãi cho bà con nông dân trong buôn. Chỉ tính từ 2004 đến 2010, Công ty đã đầu tư phân bón trả chậm không tính lãi với số lượng 486,75 tấn, trị giá hơn 3,53 tỷ đồng (giá trị lãi suất không tính cho bà con là hơn 404 triệu đồng). Riêng trong năm 2011 Công ty tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đầu tư phân bón trả chậm không tính lãi cho bà con trong buôn với số lượng 83 tấn, trị giá gần 800 triệu đồng, riêng phần hỗ trợ lãi suất không tính lãi là 112 triệu đồng.
 
Không chỉ đầu tư chuyển giao KHKT, Công ty còn thành lập hẳn một Tổ khuyến nông bằng cách lựa chọn 3 thanh niên là con em đồng bào trong buôn đưa đi đào tạo tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên (kinh phí do Công ty tài trợ) . Sau khi đào tạo xong, công ty đã ký hợp đồng lao động chính thức với các em (với mức phụ cấp là 2.000.000 đ/tháng/em ) để thành lập “Tổ khuyến nông” của buôn nhằm hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con. Và mới đây nhất, Công ty đã tổ chức khánh thành tặng buôn hệ thống đường dây điện phục vụ sản xuất có chiều dài trên 700m với trị giá 120 triệu đồng. Đường điện này đã phục vụ tưới cho 40 ha cây trồng của trên 45 hộ bà con dân tộc thiểu số trong buôn…

 

Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền kiểm tra công trình cấp nước sạch đầu tư cho người dân buôn Ea Na
Cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền kiểm tra công trình cấp nước sạch đầu tư cho người dân buôn Ea Na
Hỏi chuyện đầu tư của đơn vị kết nghĩa đối với buôn Ea Na, ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND xã Ea Na cả quyết rằng không thể nào thống kê hết được. Nói rồi ông cũng nhẩm tính:  Công trình nước sạch cho 21 hộ tổng kinh phí 55 triệu đồng; công trình vệ sinh cho trường mẫu giáo gần 12 triệu đồng; sân bóng chuyền cho buôn 20 triệu đồng; 2 giếng nước sinh hoạt 40 triệu  đồng; sửa chữa đường nội bộ và cổng vào buôn với kinh phí hơn 55 triệu đồng; xây dựng 1 căn nhà mái ấm tình thương 40 triệu đồng… “Tính tổng cộng thì giá trị đầu tư cho buôn phải kể đến tiền tỷ” – ông Hải khẳng định.
 
Nhờ được quan tâm đầu tư nhiều nên đời sống người dân Ea Na đã có những đổi thay đến không ngờ. Trưởng buôn Y Bá Êban dẫn chứng: Nếu như năm 2004, năng suất cà phê chỉ đạt khoảng 1 tấn đến 1,5 tấn nhân/ha thì đến nay đã tăng lên từ 3,5 đến 4 tấn nhân/ha (tăng 200%), thậm chí có một số hộ năng suất đạt từ 5 đến 5,5 tấn/ha. Sản lượng ngô lai tăng từ 3 tấn lên 4,5 tấn/ ha (tăng 50% ), cây lúa tăng từ 4 tấn lên 5 tấn/ha ( tăng 20% ), cây tiêu tăng từ 1,5 tấn lên 2 tấn/ha ( tăng 25% )... Đời sống người dân nhờ đó cũng dần được nâng lên. Cụ thể, năm 2004, toàn buôn có 296 hộ thì đã có 120 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 40,5%. Đến nay toàn buôn có 332 hộ thì chỉ còn 70 hộ nghèo, giảm trên 50%. Nếu như năm 2004 toàn buôn chỉ có khoảng 20 hộ khá giàu (tỷ lệ khoảng 6%) thì đến nay số hộ khá giàu của buôn là khoảng 200 hộ (chiếm tỷ lệ khoảng 60%). Toàn buôn trước đây chỉ có khoảng 40 hộ có mô tô, xe máy cày phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì đến nay gần như 100% hộ dân trong buôn đã có xe máy, thậm chí có hộ còn sắm được cả ô tô, hầu hết hộ nào cũng có phương tiện nghe nhìn.
 
Đánh giá những kết quả đạt được cũng như ý nghĩa chủ trương kết nghĩa của Tỉnh ủy Dak Lak, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho rằng: Ngoài những hiệu quả đạt được gắn liền với từng chương trình cụ thể thì ý nghĩa lớn nhất mà chương trình kết nghĩa đạt được đó là đã tăng cường được sự hiểu biết, gần gũi, đoàn kết gắn bó giữa đồng bào trong buôn với Công ty. Và quan trọng hơn nữa, kết quả từ chương trình kết nghĩa này đã thể hiện chủ trương đúng đắn Tỉnh ủy Dak Lak, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó động viên khuyến khích đồng bào tự chủ trong cuộc sống, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chung sức chung lòng xây dựng buôn làng ngày càng phát triển 
 
Hoàng Minh – Giang Nam – Đỗ Lan
 
 

Ý kiến bạn đọc