Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người gác rừng

22:33, 19/01/2012

Quanh năm len lỏi giữa núi rừng để kiểm tra, ngăn chặn hoạt động của bọn lâm tặc, đã nhiều lần, nhiều người trong số họ bị đe dọa, thậm chí bị hành hung đến mang thương tật… nhưng những cán bộ kiểm lâm ở VQG Cư Yang Sin chưa một lần có ý nghĩ từ bỏ nhiệm vụ, từ bỏ rừng.

Trên đường đi tuần tra
Trên đường đi tuần tra

Kiểm lâm kể chuyện lạc đường
Ai cũng nghĩ kiểm lâm thì phải thuộc hết ngóc ngách của rừng, nhưng với những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở VQG Cư Yang Sin nơi toàn đồi núi trập trùng, rộng gần 60 nghìn ha, trải dài trên 2 tỉnh Dak Lak – Lâm Đồng thì việc một vài lần bị lạc khi lội rừng tuần tra chỉ là chuyện bình thường. Anh Mai Ngọc Lâm, đội trưởng đội cơ động của Hạt kiểm lâm VQG Cư Yang Sin kể cho chúng tôi nghe lần lạc rừng của cả đội: năm 2005, khi vừa bước chân vào làm ở Hạt kiểm lâm vườn quốc gia này, đội của anh gồm 5 người đi tuần tra trên đỉnh Chưpănac. Sau khi để một người ở lại trông lán, 4 người bám theo một đường dây gài bẫy thú của lâm tặc để tháo dỡ thì bất ngờ cơn mưa rừng ập đến, cả nhóm bị mất dấu, lạc đường. 4 anh em càng đi lại càng thấy mờ mịt, không tìm được lối ra. Nhóm cứ cắt rừng, lần mò đi theo suối để xác định phương hướng. Nhưng vào mùa mưa, suối ở đây lại nhiều nên nhóm của anh Lâm cứ quanh quẩn không thoát ra được. Họ cứ mò mẫm đi như vậy mất 5 ngày 4 đêm. Trong mấy ngày lạc đường, cả nhóm hoàn toàn dựa vào những kinh nghiệm đi rừng của mỗi người để sinh tồn. Cả đội không còn lương thực, phải ăn bằng lá rừng, hoặc nhặt những quả rừng bị thú rừng ăn dở để ăn chống đói và tránh ăn phải quả độc. Chỉ đến khi gặp được một người dân đi đánh cá ở sông, nhóm mới biết là mình đã may mắn thoát hiểm, niềm vui vỡ òa trên gương mặt mọi người, ai cũng quên hết đói, khát nhảy lên vui sướng... Tính quãng đường bị lạc trong rừng, Lâm và đồng đội đã đi mất gần cả trăm cây số đường rừng. “Cái khó của người gác rừng là mỗi lần đi sâu vào trong rừng để tuần tra, không có sóng điện thoại, bộ đàm nên không thể liên lạc được với bên ngoài. Nếu như gặp chuyện bất trắc cũng không thể ngay lập tức gọi điện báo về trung tâm để xin ý kiến chỉ đạo, muốn báo tin thì chỉ có đường duy nhất là cử người lội bộ ngược trở ra” - anh Lâm chia sẻ.

Chuẩn bị bữa ăn trong một chuyến tuần tra dài ngày
Chuẩn bị bữa ăn trong một chuyến tuần tra dài ngày

Và nhiều chuyện phải “lạnh lưng”
Anh Kiều Thế Tình, trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4 cho biết: thường công việc của người bảo vệ rừng là cứ sáng dậy sớm nấu cơm ăn rồi nổ xe máy chạy đến khu rừng mình quản lý, giấu xe trong rừng và đi bộ len lỏi trong từng tiểu khu để kiểm tra. Thỉnh thoảng trong tháng lại có những chuyến luồn sâu vào rừng để tuần tra dài ngày, một đội thường có từ 7-8 người gùi theo quần áo, vật dụng cá nhân và lương thực dự trữ. Mặc dù được trang bị súng bắn đạn cao su, dùi cui điện, nhưng đơn độc trong rừng sâu cũng “lạnh lưng” lắm. Cái “lạnh lưng” của những người gác rừng ở đây cũng là điều dễ hiểu, bởi khi đang săn bắt thú, khai thác hoặc vận chuyển gỗ trái phép mà gặp phải những người gác rừng, thì lâm tặc sẽ tìm mọi cách chống trả để thoát thân hoặc tẩu tán tang vật.

Phút giải lao trong lúc đi tuần tra
Phút giải lao trong lúc đi tuần tra

Anh Mai Ngọc Lâm kể: trong lần đi tuần tra cùng 4 đồng đội tại tiểu khu 1395 thì phát hiện hai đối tượng lâm tặc dùng súng bắn chết 2 con voọc, đội tiến hành vây bắt, tuy nhiên các đối tượng đã không chấp hành mà hung hãn chĩa súng về phía kiểm lâm nổ súng, buộc các anh phải nấp sau các tảng đá, các đối tượng nhanh chân tẩu thoát. Hay có nhiều vụ lực lượng kiểm lâm khi bắt được các đối tượng vi phạm là người bản địa, sau khi xử phạt và thả ra thì chúng quay lại trả thù. Hai anh Lâm Quang Đông, Vũ Văn Hòa, kiểm lâm viên trạm kiểm lâm số 5 đóng ở xã Yang Mao vẫn còn rùng mình khi kể lại vụ bị hơn 20 đối tượng lâm tặc đánh trả thù ngay tại trạm ngày 20-3-2010. Trước đó, buổi sáng đội tuần tra của trạm phát hiện bắt giữ và tịch thu súng của một nhóm lâm tặc tại tiểu khu 1227. Đến tối cùng ngày khi các anh đang trực tại trạm thì bị nhóm hơn 20 lâm tặc bất ngờ ập đến mang theo dao, gậy gộc, côn nhị khúc tấn công tới tấp. Hậu quả, anh Đông bị thương tật 12%, anh Hòa 10%. Hay như chuyện nhiều khi giữa đêm khuya khi cả trạm đang ngủ thì bất ngờ hứng chịu những trận “mưa đá” rầm rầm do lâm tặc ném vào khiến không ai dám hé đầu ra ngoài. Lâm tặc còn nghĩ ra chiêu trả thù oái ăm bằng cách đốt hết quần áo của lực lượng kiểm lâm - đó là vụ việc xảy ra tại trạm kiểm lâm số 3, có 9 cán bộ kiểm lâm với với hơn 36 bộ quần áo bị đốt sạch…

Khó khăn, hiểm nguy là vậy song với các anh, khi được hỏi về kỷ niệm của những năm tháng nằm rừng thì ai cũng hồ hởi, bởi các anh đã xác định đến với rừng là chấp nhận xa gia đình, chấp nhận hy sinh. Họ sống gần gũi với rừng, với những buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở trong lâm phần mình quản lý, kết tình thân, dần dà cảm hóa họ trở thành những cộng tác viên đắc lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khi đi tuần đến khu vực nào họ đều ghé vào làng ấy gặp gỡ, trò chuyện với bà con và hướng dẫn họ kỹ thuật canh tác trong từng mùa vụ. Gần gũi lâu hóa thân thiết, vì vậy, cứ ghé thăm làng là được chiêu đãi rượu cần…

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc