09:42, 26/01/2012
Trong khi đang có rất nhiều người muốn bỏ rừng về phố lập nghiệp thì anh lại bỏ phố lên rừng. Gia đình, bè bạn khuyên can, cho rằng anh… điên. Còn anh thì hào sảng bảo: “Tôi chính thức “điên” khi quyết định bỏ ra tiền tỷ đầu tư nuôi loài cá hồi quý tộc trên đỉnh Yang Hanh này…”.
Người "điên" này có tên là Lê Xuân Hùng, năm nay chỉ mới bước sang tuổi 41, và đang là ông chủ của một trang trại nuôi cá hồi, cá tầm với quy mô lớn trên đỉnh Yang Hanh (thuộc địa bàn xã Cư Drăm, huyện Krông Bông), dãy núi cao tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Lội bộ vượt gần 10 km đường rừng với cả chục con dốc luôn dựng đứng trước mặt, phải mất gần 2 giờ đồng hồ ướt đẫm mồ hôi chúng tôi mới đến được trang trại nuôi cá của anh. Gọi là trang trại, nhưng hóa ra nơi đây cũng chỉ là một bãi đất tương đối bằng phẳng được bao bọc bởi dãy Yang Hanh hùng vĩ có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Giữa bãi đất trống ấy là 18 hồ nuôi cá – bằng chứng hùng hồn cho cái sự “điên” đã đeo đẳng theo cái tên của anh mấy năm nay! Dưới hồ, anh cùng 4 kỹ sư trẻ phong phanh trong áo lá quần đùi vệ sinh lòng hồ cho cá. Anh bắt tay chúng tôi giữa cái lạnh cắt da trên đỉnh núi ngày cuối đông, rồi cười bảo: “Nhìn đơn sơ vậy chứ đã ngốn của thằng này trên 2 tỷ đồng rồi đó chú!”. Thú thật, vượt qua đoạn đường rừng mệt đến bở hơi tai, tôi cũng đã manh nha trong ý nghĩ của mình là “thằng cha này điên thật!”… Và rồi, trong căn lều tuềnh toàng hoang lạnh giữa rừng, tôi được nghe anh kể về hành trình đưa loài cá hồi, cá tầm được mệnh danh là “cá quý tộc” về nuôi trên đỉnh Yang Hanh…
|
Hùng “điên” nâng niu những con cá hồi, cá tầm của mình như báu vật |
Mùa khô năm 2008, trong một lần lội rừng tìm song mây, anh bị lạc giữa dãy Yang Hanh. Đói khát đến lả người, anh lần theo sườn núi tìm đến được dòng suối Ea Krông Tun. Dòng nước suối trong vắt, mát lạnh giữa rừng đã giúp anh hồi tỉnh. Nhìn đàn cá nai tung tăng lượn lờ dưới suối, bất chợt anh nhớ lại mô hình nuôi cá nước lạnh – cá hồi – một lần được tận mắt thấy ở ngoài miền Bắc. Trong đầu anh chợt lóe lên ý nghĩ: “Người ta nuôi cá hồi được, tại sao ta không thử?”. Về đến Buôn Ma Thuột, anh lập tức vùi đầu vào máy tính, tra cứu trên mạng Internet tìm hiểu các mô hình nuôi cá hồi ở Việt Nam, điều kiện thủy sinh của giống cá này… Sau đó anh lại lội rừng tìm lên con suối Ea Krông Tun quan sát dòng chảy, đo đếm nhiệt độ nước… Chưa yên tâm, anh lại lọ mọ sang Kon Tum, rồi đến Lâm Đồng để xem các mô hình nuôi cá nước lạnh. Từ thực tế khảo sát, anh nhận thấy điều kiện nuôi cá hồi ở Dak Lak tốt hơn nhiều so với các địa phương khác và quyết định đầu tư nuôi cá. Nhưng lấy tiền đâu ra, khi mà mới chỉ ý tưởng thôi cũng đã bị gia đình, bè bạn can ngăn và cho rằng anh điên rồ? Anh kể: Phải mất đến mấy tháng trời vận động, thuyết minh vợ mình mới “chịu”. Bạn bè thân thiết thấy mình quyết tâm nên cũng xiêu lòng góp vốn đầu tư với tâm trạng “vừa liều vừa lo”…
Chạy xin chủ trương, xin thuê đất xong, đầu tháng 3-2009, trang trại nuôi cá của anh bắt đầu được thi công. Đến tháng 6-2009 anh đã hoàn thành được 4 hồ và bắt đầu thả cá. Với diện tích mỗi hồ khoảng 300 m2, anh thả 3000 con giống. Kết quả hơn cả mong đợi: cá sinh trưởng tốt và tỷ lệ chết rất thấp. Chỉ 7 tháng sau, mẻ cá thử nghiệm đầu tiên trên 4 hồ của anh đã được “hạ sơn” về tiêu thụ tại thị trường Buôn Ma Thuột và TP. Hồ Chí Minh với khối lượng trên 10 tấn cá. Thử nghiệm thành công, bước sang năm 2010, anh mạnh dạn đầu tư nuôi hẳn 12 hồ và đã thu về được gần 50 tấn cá hồi đặc sản… Từ đó, thương hiệu cá hồi Yang Hanh của anh bay đi khắp nơi, từ các nhà hàng đến siêu thị ở Dak Lak, ở TP. Hồ Chí Minh…
“Thành công nhưng lỗ nặng chú ơi!”. Giọng Hùng “điên” hơi chùng xuống, rồi đều đều, nhẹ bâng: “Mỗi con cá hồi giống mua tại Viện Nghiên cứu Thủy sản 3 (Lạc Dương, Lâm Đồng) có giá khoảng 12.000 đồng. Thức ăn cho cá phải nhập từ nước ngoài về với giá 57.000 đồng/kg, cộng với tiền thuê nhân công, kỹ sư chăm sóc… Nhưng nếu chỉ từng đó thôi thì Hùng này giàu to rồi! Đằng này do đường sá cách trở quá nên tạm thời phải chịu lỗ để… chờ thời”. Anh cho biết, để đưa được cá giống với thức ăn của chúng lên đến nơi phải thuê nhân công địa phương vác từ dưới chân núi lên. Đến ngày thu hoạch lại phải vác từng con xuống núi mới chở đi tiêu thụ được. Thực ra, năm nào anh cũng bỏ ra số tiền mấy chục triệu đồng để thuê xe làm lại đường lên núi. Nhưng con đường này xe cũng chỉ đi được vào mùa khô. Mỗi khi mưa xuống, nước lại bào mòn còn trơ lại đá, ô tô, xe máy chỉ biết chào thua. Số tiền đầu tư này nếu cộng lại từ năm 2009 đến nay thì đã bay đứt của anh chiếc xe ô tô đời mới. Đó là chưa tính đến công cán, mồ hôi của anh đã đổ ra ở đây hơn 3 năm trời nay…
Lại nói đến chuyện công sức đã bỏ ra, Hùng kể tôi nghe câu chuyện mà theo anh là kỷ niệm nhớ đời với vợ và đàn cá hồi của mình. Số là mùa mưa năm ngoái, nhớ vợ nhớ con quá anh tranh thủ về phố. Buổi tối hôm đó, câu chuyện về con cá hồi trên núi chưa kịp kể hết với vợ thì chuông điện thoại reo. Công nhân gọi về thông báo là nước lũ cuốn trôi cả máng dẫn nước vào hồ, cần phải khắc phục kịp thời, bởi chỉ sau 5 giờ đồng hồ không có nước chảy cá sẽ chết hết. Tình hình vô cùng khẩn cấp, anh vội phóng xe vào rừng trong đêm khuya, bỏ mặc vợ chưng hửng trách với theo: “Anh điên thật rồi!”. Ngay trong đêm ấy, anh có mặt ở trại cá đúng 2 giờ sáng để cùng anh em công nhân đóng lại máng nước, cứu được đàn cá. Còn vợ anh thì đến giờ vẫn không quên nhắc lại câu chuyện cá hồi đang còn dang dở…
Khó khăn, gian khổ và… lỗ nặng như vậy nhưng anh vẫn quyết tâm đeo đuổi cái nghiệp nuôi cá mình đã chọn. Do đường sá quá khó khăn nên vào thời điểm này anh chỉ cho nuôi cầm chừng 2 hồ cá hồi với khoảng 6.000 con giống, dự kiến ra Tết sẽ cho thu hoạch khoảng 6-7 tấn cá. Còn lại tâm sức anh dốc hết vào việc đầu tư nuôi thử nghiệm giống cá tầm. Tham vọng của anh là sẽ nuôi và cho cá tầm đẻ trứng. Hiện anh đang có trên 100 con cá tầm giống đã đạt được trọng lượng từ 3-4 kg. Ước mơ của anh với đàn cá tầm này là trước hết phải cho chúng… đẻ được trứng. Anh cho biết, hiện tại để có được giống cá hồi cũng như cá tầm, nước ta phải nhập trứng cá giống từ nước ngoài về rồi mới ấp cho nở. Bởi vậy nên giá thành của cá đội lên cao. Chỉ riêng trứng cá tầm giống, 1 kg nhập về đã có giá vài trăm triệu đồng. Nếu kỹ thuật ấp suôn sẻ thì giá cá bột giống cũng lên tới 70.000 đồng một con. Nâng niu con cá tầm giống trên tay, anh Hùng nheo mắt cười đầy tham vọng: “Nếu như cho cá tầm đẻ được ở Việt Nam thì đây quả là một công trình khoa học mang tầm cỡ thế giới của thằng Hùng “điên” này…”.
“Nhưng không lẽ anh cứ phải tiếp tục chịu lỗ để đeo đẳng loài cá quý tộc này mãi sao?” – tôi dò hỏi, còn mắt anh sáng rực lên: “Ban đầu thì tôi cũng định sẽ đầu tư con đường từ dưới lên đàng hoàng để thuận tiện đi lại rồi mở rộng quy mô. Nhưng may quá. Mới đây có tin là nhà nước sẽ làm một con đường nối Cư Drăm chạy sang tới Khánh Hòa. Thế là nhẹ cả người. Con đường này mở ra thì xuống Nha Trang chỉ có 70 km, sang Đà Lat cũng chỉ vài chục cây số, lại đi ngang qua trại cá nữa thì lo gì mà lỗ. Xe cộ chạy lên đến nơi chở thức ăn cho cá, chở cá đi phân phối ra thị trường… Khi ấy tôi chỉ cần 2 năm thôi là thu hồi vốn. Để xem có ai còn gọi tôi là “Hùng điên” nữa không!”…
Trong câu chuyện của Hùng “điên”, tôi nghe phảng phất đâu đó lòng tự ái của một con người thừa quyết tâm và giàu khát vọng. Tự ái quá đi chứ, khi mà việc anh làm ai cũng bảo là… điên. Thậm chí, vào năm 2009, vừa nuôi cá thử nghiệm tốt, anh vừa nghiên cứu đề tài khoa học về nuôi cá hồi, có người trong hội đồng khoa học của tỉnh chưa cần xem xét thực tế, đã vội gạt phăng đi rằng: “Đề tài không khả thi. Ở Dak Lak không thể nuôi cá hồi được”. Anh chua chát nhớ lại: “Khi ấy họ cũng bảo tôi bị điên, gàn dở. Tôi chỉ biết cười. Đến khi thu hoạch cá, tôi mang đến biếu ăn chơi. Từ đó, con cá hồi của tôi mới được công nhận. Cũng từ đó, trại nuôi cá hồi của tôi tha hồ tiếp các đoàn đến xem”…
Hùng “điên” tiễn tôi xuống núi với câu nói nửa đùa nửa thật:: “Ở đời, cái gì mới cũng khó mà được chấp nhận ngay”. Tôi ngẫm ra mới thấy, cái sự “điên” của anh cũng có phần triết lý!
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc