Multimedia Đọc Báo in

HOA XUÂN DÂNG BÁC

09:39, 26/01/2012

Những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương; những nông dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát  triển kinh tế; đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực vươn lên trong cuộc sống…Ở mỗi lĩnh vực khác nhau, mỗi người đều có cơ hội học tập, vận dụng sáng tạo và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thể hiện những tư tưởng, đạo đức cách mạng bằng những việc làm, hành động cụ thể, thế hệ hôm nay đang chung sức, chung lòng xây dựng “Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng tâm nguyện….

 
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"
 
Diện mạo những vùng quê đang có những khởi sắc rõ rệt: nhiều đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, mở rộng, nâng cấp; hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang; đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rõ rệt… Có thể nói, những đổi thay tích cực ấy có sự góp sức không nhỏ của nhiều cán bộ, đảng viên tại cơ sở - những người luôn xung kích, đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương… 

 

Ama Thanh (bên trái), Bí thư Chi bộ thôn Ea Tút, xã Pơng Drang (Krông Buk) cùng trưởng thôn trao đổi công việc
Ama Thanh (bên trái), Bí thư Chi bộ thôn Ea Tút, xã Pơng Drang (Krông Buk) cùng trưởng thôn trao đổi công việc
Ông Y Nem Êban (tên thường gọi là Ama Thanh), Bí thư Chi bộ thôn Ea Tút (xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk) là một đảng viên hết lòng vì công việc chung. Đến thôn Ea Tút,  nhìn những con đường nội thôn được trải nhựa, rải cấp phối thẳng tắp, thông thoáng, rộng rãi, không ai nghĩ rằng chỉ dăm năm trước đó còn là những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, bụi mù trời vào mùa nắng. Để có được những con đường đẹp đẽ như bây giờ có sự góp công rất lớn của Ama Thanh. Cách đây chừng chục năm, Ea Tút còn là thôn vùng 3 của xã Pơng Drang, địa bàn rộng gồm 3 buôn, 2 xóm với 250 hộ. Thôn chưa có điện, đường sá đi lại rất khó khăn. Từng là Thôn trưởng rồi Bí thư Chi bộ thôn, Đội trưởng Đội công tác 253, Ama Thanh cho rằng: để công tác tuyên truyền, vận động người dân có hiệu quả, trước hết cần chú trọng đến việc cải thiện đời sống của người dân trong buôn, trong đó công việc quan trọng là xây dựng hệ thống điện – đường – trường – trạm. Nhận thấy để làm được đường giao thông không chỉ trông chờ vào Nhà nước mà cần có sự góp sức của nhân dân, Ama Thanh tổ chức họp dân, thuyết phục người dân nhường đất để mở rộng con đường chính trong thôn từ 8m lên 12m. Ông nhớ lại: “Thôn phải họp mất 6 đêm để cán bộ, đảng viên giải thích cho người dân hiểu lợi ích của việc mở rộng đường. Sau đó, các cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước; tôi cũng phải chặt đi hàng muồng trước nhà để hiến đất làm đường. Rồi người dân lần lượt làm theo, thậm chí một số hộ ở buôn Win còn hiến cả đất trồng cà phê để làm đường”. Kết quả con đường chính của thôn thẳng tắp, rộng đến 12m được hoàn thành; trong đó có hơn 570m đường đã được nhựa hóa. Sau đó, chi bộ, ban tự quản thôn tiếp tục vận động người dân nhường đất, góp tiền để mở rộng các con đường hẻm trong các buôn, xóm từ 3-4m lên 7m, rải cấp phối. Cũng chính Ama Thanh đã đứng ra lập tờ trình gửi các cấp chính quyền đề nghị được kéo điện về thôn. Nhờ vậy, không chỉ người dân trong thôn mà một số hộ dân ở các thôn lân cận như thôn 7, thôn 9, thôn 10, thôn Tân Mai cũng được mắc điện. Sau đó, nhờ nguồn vốn của Nhà nước, thôn Ea Tút còn được đầu tư xây dựng một nhà cộng đồng khang trang trị giá 400 triệu đồng. Diện mạo thôn Ea Tút đã thay đổi; có điện, có đường, đời sống của người dân trong thôn cũng đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Người dân chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị trong thôn được giữ vững ổn định. Còn với Bí thư Ama Thanh thì vẫn luôn tâm niệm rằng: với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, việc gì mình gương mẫu thực hiện cho tốt thì người dân sẽ tin và làm theo.

 

Các con đường trong thôn Ea Tút đều được mở rộng, thông thoáng
Các con đường trong thôn Ea Tút đều được mở rộng, thông thoáng
Đã nhiều năm lăn lộn với phong trào ở cơ sở, anh Y Nem Buôn Krông, Chủ tịch Mặt trận TQVN huyện Krông Ana tâm sự: muốn bà con nghe, tin và làm theo thì không thể vận động suông mà cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, làm có hiệu quả thì mới thuyết phục được quần chúng. Miệng nói tay làm, anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng cuộc sống mới. Gắn bó với cơ sở đã giúp anh hiểu rõ tâm tư nguyện vọng người dân, từ đó có cách làm phù hợp, hiệu quả. Khi còn làm cán bộ Đoàn xã Ea Bông, một xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống mọi mặt còn khó khăn, anh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tạo dựng sân chơi cho thanh niên các buôn với những hình thức phù hợp như luyện tập văn nghệ, thể thao, tổ chức câu lạc bộ đội, nhóm; xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Nhằm tạo kinh phí tổ chức các hoạt động, anh đã tìm những giải pháp phù hợp để gây quỹ Đoàn. Anh liên hệ với Phòng NN-PTNT huyện đầu tư giống lúa mới cho những gia đình có ruộng, có đủ điều kiện tổ chức hội thảo đầu bờ về nâng cao sản lượng lúa, đến khi thu hoạch thì phần sản lượng tăng thêm được đưa vào xây dựng quỹ Đoàn. Nhiều hộ đồng bào đời sống còn khó khăn,  khi vận động anh Y Nem luôn xác định phương châm “cán bộ đảng viên gương mẫu đi trước”, những việc gì khó đảng viên phải mạnh dạn làm trước. Trong khi đồng bào còn thói quen nuôi heo thả rông thì mô hình xây chuồng, nuôi heo của anh được đông đảo  đoàn viên thanh niên trong xã đến tham quan, học hỏi. Hằng tuần Đoàn xã tổ chức định kỳ “Ngày Chủ nhật xanh” để đoàn viên thanh niên các trường học trên địa bàn đến các buôn trồng cây xanh, trao đổi về bảo vệ môi trường, giao lưu văn nghệ, thể thao với đoàn viên thanh niên các buôn, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các chi đoàn. Nhờ năng nổ trong mọi công việc, anh Y Nem có cơ hội phát huy tính tiên phong, sự năng động của người cán bộ, đảng viên trẻ trong việc thu hút, tập hợp thanh niên, xây dựng phong trào cơ sở vững mạnh, đặc biệt là phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp.
 
Thực hành tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình
 
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nông dân thể hiện  bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. 
 
Trong đó, có phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước” của phụ nữ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Phong trào đã khơi dậy, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, làm chuyển biến tích cực nhận thức của chị em, nhất là trong học tập đức tính cần, kiệm của Bác. Rất dễ dàng nhận thấy những mô hình giúp nhau làm kinh tế của các tổ hội phụ nữ ở các thôn, buôn của xã Ea Kao, bởi những cách làm thiết thực. Từ mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, tích góp từ tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, đến việc tham gia các quỹ tiết kiệm v.v… chị em đã góp phần giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Chị Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Kao cho biết: “Với 2.625 hội viên, sinh hoạt ở 14 chi hội, trong những năm qua, từ sự đóng góp của chị em, quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo của hội đã huy động được trên 469 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có 223 chị em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được vay để phát triển kinh tế gia đình. Có thể nói: các hoạt động của tổ tiết kiệm, tổ giúp nhau làm kinh tế, tổ tín dụng tiết kiệm… đã thực sự phát huy được tinh thần tương thân tương ái, góp phần tích cực trong việc giúp chị em vượt khó, vươn lên. Nhờ đó, trong năm 2010, đã có 19 hội viên thoát nghèo, năm 2011 tăng lên là 37 chị”. Từ phong trào giúp nhau làm kinh tế, đã có rất nhiều tấm gương vượt khó. Như gia đình chị Vũ Thị Hạnh ở thôn 2, đang lúc hoàn cảnh kinh tế khó khăn thì chồng bị tai nạn, chị phải bán hết đất đai, nhà cửa để chạy chữa cho chồng, nên gia đình lâm vào tình cảnh đói nghèo triền miên. Cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước, các chị em trong tổ hội phụ nữ thôn 2 luôn dành cho chị niềm thương cảm sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ chị về tiền vốn vay, chị em còn thường xuyên động viên tinh thần để chị chèo chống, duy trì mái ấm của mình. Bằng nguồn vốn vay từ quỹ hội, chị Hạnh đã thuê một sạp bán rau, quả ở chợ Trung tâm xã Ea Kao, và giờ đây sạp rau quả này đã trở thành “điểm tựa kinh tế” cho cả gia đình. Còn như gia đình chị Nguyễn Thị Hạ, chồng mất sớm, một mình phải nuôi 2 con nhỏ, nhờ sự giúp đỡ của hội mà cũng trong năm 2010, chị cũng đã vươn lên thoát nghèo. Ngoài 3,5 sào cà phê, chị Hạ đào thêm 1 ao cá, vừa thả cá giống vừa nuôi cá thịt, bình quân thu nhập mỗi năm khoảng 30-40 triệu đồng. Có thể nói, việc học tập và làm theo gương Bác ngày càng trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực trong các cấp hội phụ nữ, nông dân. Chị Trịnh Thị Tuyết chia sẻ: Từ việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, các phong trào tiết kiệm đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành nguồn lực giúp chị em phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo; đồng thời nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Cũng từ những việc làm tình nghĩa đó mà sự đoàn kết giữa các hội viên ngày càng gắn bó.” 

 

Anh Kiều Thơ bên trại gà của mình
Anh Kiều Thơ bên trại gà của mình
Học tập tấm gương thực hành tiết kiệm của Bác, nhiều nông dân đã biết cách tính toán, tiết kiệm trong sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Anh Kiều Thơ, hội viên Hội Nông dân thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) chia sẻ: Với nhiều nông dân, đất đai không thiếu, nhưng làm thế nào để khai thác hiệu quả kinh tế từ đất là điều không đơn giản. Điều quan trọng là phải biết hướng dẫn gia đình thực hành tiết kiệm chi tiêu trong sản xuất và sinh hoạt, biết sắp xếp kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế. Nhận thấy nghề nuôi gà trên địa bàn phát triển mạnh, nhu cầu về gà giống rất cao, nhưng nguồn giống bấp bênh, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng, nên anh quyết định đầu tư cho lĩnh vực sản xuất, cung ứng con giống. Để xác định được nguồn gà giống có chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu thị trường, anh đã học hỏi kỹ thuật ấp gà giống theo công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng lò ấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; đồng thời đầu tư phát triển đàn gà bố mẹ, chủ động đầu vào cho lò ấp, cung cấp con giống trực tiếp cho lứa nuôi sau… Cơ sở luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh phòng bệnh, có 1 bác sĩ thú y chuyên theo dõi, quản lý dịch bệnh nên đàn gà phát triển tốt, bảo đảm nguồn thịt sạch, trứng sạch. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần anh đã làm chủ được công nghệ, nâng cao chất lượng, sản lượng lò ấp, đưa công suất từ 100 trứng/ca lên 2,5 vạn trứng/ca. Anh Trần Văn Chường ở buôn Jok, xã Ea H’ding (Cư M’gar) là một nông dân biết cách tính toán để tiết giảm đầu tư hợp lý trong sản xuất. Anh tận dụng bã hèm từ nấu rượu nuôi heo nên chi phí đầu tư cho chăn nuôi giảm khoảng 30% so với các hộ chăn nuôi khác mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong trồng trọt, anh học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên giảm được lượng phân bón, tiết kiệm được nguồn nước tưới… nhưng cây trồng vẫn phát triển đều và cho năng suất cao. Nhờ vậy gia đình anh có thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm… 
 
Đồng bào dân tộc thiểu số làm theo lời Bác
 
Làm theo lời Bác, đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống mới.
 
Là người Mông, quê ở huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), chị Hoàng Thị Việt cùng gia đình chuyển vào xã Ea Trang (nay là Cư San, huyện M’Drak) đầu năm 1999. Những ngày đầu trên quê hương mới, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng khi được vận động tham gia công tác phụ nữ ở thôn, chị đã đồng ý ngay. Chị bộc bạch: “Mình đã học hết lớp 7, được xem là có học vấn khá nhất trong số những chị em người Mông ở thôn. Có chút kiến thức, mình tham gia công tác xã hội để góp phần xây dựng phong trào, nâng cao nhận thức cho phụ nữ người Mông”. Vừa là cán bộ phụ nữ, vừa là cộng tác viên dân số thôn, chị Việt gần như tất bật cả ngày với công việc “vác tù và hàng tổng”, hết đi họp ở xã, triển khai các hoạt động phong trào, đến việc vào nhà các chị em vận động tham gia hoạt động hội, tuyên truyền thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình… Mặc dù lợi thế cùng là người Mông, hiểu được hoàn cảnh của các gia đình trong thôn, nhưng chị Việt cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Chị chia sẻ: “Nhiều gia đình người Mông trong thôn, trong xã vẫn còn những quan niệm lạc hậu như trời sinh voi, sinh cỏ, thích đẻ nhiều con để có thêm lao động trong gia đình. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Ngoài việc tuyên truyền miệng cho họ hiểu, mình còn phải dẫn chứng thực tế những hộ sinh ít, cuộc sống kinh tế khá để thuyết phục. Bên cạnh đó là phối hợp với các đoàn thể và các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.
Chị Hoàng Thị Việt
Chị Hoàng Thị Việt
Từ khi đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư San vào năm 2008, chị Việt càng bận rộn hơn. Hội Phụ nữ xã hiện có gần 700 hội viên, trong đó 90% là người Mông, sống rải rác trên địa bàn 12 thôn trong xã. Với địa bàn rộng như vậy, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, chị và hầu hết cán bộ xã phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ. Được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đời sống của đồng bào người Mông ở Cư San đã cải thiện rất nhiều; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Nhiều hộ đã chuyển từ ở nhà tranh sang nhà tôn, nền láng xi măng; mua sắm được xe máy, ti vi, máy cày... Xã vùng ba Cư San cũng đã được Nhà nước đầu tư kéo điện, xây dựng trạm xá, trường học. Chị Việt cười vui: “Cư San đã có 3 trường tiểu học rồi đấy, trường THCS cũng đã được xây dựng gần xong, còn điểm trường mẫu giáo, tiểu học ở các thôn thì nhiều lắm. Trẻ con người Mông giờ không còn thất học như cha mẹ chúng nữa đâu”.
 
Ở buôn Tring (thị xã Buôn Hồ), chị H’Blă Mlô không chỉ là người thân thiết mà còn là niềm tự hào của buôn. Bà con quý trọng chị ở tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là tấm gương mẫu mực trong vượt khó, vươn lên làm chủ cuộc sống. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, những năm qua, chị đã có những việc làm cụ thể, thiết thực giúp đỡ bà con, góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, xây dựng buôn làng ngày càng đổi mới. Năm 2002-2003, chị là một trong những con em người dân tộc thiểu số tại chỗ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng… nhưng chưa có việc làm, được tỉnh tạo điều kiện cho đi học lớp trung cấp chính trị tại Trường Chính trị tỉnh. Với sự nỗ lực vượt khó, tích cực học tập rèn luyện, trong thời gian học chị đã vinh dự được kết nạp Đảng. Tiếp đó, chị được cử đi học cử nhân chính trị tại Học viện Hành chính quốc gia, trở về, được phân công giữ cương vị Phó trưởng Phòng Nội vụ thị xã Buôn Hồ. Công việc bận rộn, nhưng chị cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt. Ở nhà, chị là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực, và là tấm gương sáng của buôn làng trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Chị H’Blă Mlô
Chị H’Blă Mlô
Trong công việc, chị đi đầu trong vận động, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất hiệu quả, xây dựng cuộc sống mới. Từ tháng 7-2011, chị được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ. Với cương vị mới, chị đề ra phương hướng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị tâm sự: “Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó nên mình càng biết yêu quý và nâng niu những gì mà mình đã nỗ lực đạt được. Cũng vì vậy mà làm việc gì mình cũng nghĩ phải cố gắng làm thật tốt, xứng đáng với niềm tin mà mọi người dành cho mình. Học Bác, mình luôn tâm niệm và luôn cố gắng làm theo những điều mà Bác đã dạy: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sống giản dị, không lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, mưu cầu lợi ích cá nhân, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực.” Là Phó Chủ tịch UBND thị xã phụ trách lĩnh vực nông - lâm nghiệp và dân tộc, chị luôn mong muốn làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, nhất là đối với thanh niên dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần thực hiện mục tiêu của địa phương, phấn đấu bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn thị xã khoảng 3%, đưa thị xã Buôn Hồ nhanh chóng trở thành đô thị loại 3 vào năm 2015.  
 
Hồng Thủy- Lê Hương - Ngọc Hoa

Ý kiến bạn đọc