Multimedia Đọc Báo in

Làng rau trong lòng phố

22:32, 19/01/2012

Hình như tách biệt với cái ồn ào, náo nhiệt của phố phường, làng rau xung quanh suối Đốc Học yên bình và thơ mộng đến lạ. Bước chân cứ bị vướng vít bởi những con đường ngoằn ngoèo được tô điểm bởi rau và hoa…

Bình yên làng rau suối Đốc Học.
Yên bình làng rau suối Đốc Học.

Ở Buôn Ma Thuột, bước chân ra chợ, bạn được các bà các cô các chị bán rau giới thiệu đây là rau muống suối, cà chua suối… ấy là bạn đang được tiếp cận với một thực phẩm nổi tiếng - rau củ quả suối Đốc Học ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột. Người ta bảo cà chua suối, dưa leo suối, bí xanh suối, rau muống suối Đốc Học từ lâu đã nổi tiếng vì có vị rất riêng: ngọt, mềm và rất nhiều nước. Chẳng biết chính xác ai là người đầu tiên khơi nguồn, ai là ông tổ ở đất trồng rau này. Người dân ở đây kể rằng: Năm 1955, một số cư dân từ miền Bắc di cư vào Buôn Ma Thuột, họ không sống tập trung ở các trại định cư mà chọn lấy khu sình lầy dưới thung lũng suối Ea Drung. Vùng đất này nằm sau lưng trường Sabatier (Trường PTTH Chuyên Nguyễn Du bây giờ) vốn là khu đất các ông đốc học người Pháp cấp cho các học sinh nội trú của trường trồng rau xanh, cũng bởi vậy mà dòng suối chảy qua đây còn có tên suối Đốc Học. Những người dân đến đây lập nghiệp cũng đến xin các ông đốc học đất trồng rau và nghề trồng rau, làng rau cứ từ ấy mà sinh sôi, mở rộng, lưu truyền đến tận bây giờ. Làng rau gồm nhiều địa bàn: tổ dân phố 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8; trung bình mỗi hộ trồng rau có chừng năm, bảy trăm mét vuông.

Được coi là “cây đại thụ” ở vùng này, cụ Ngô Văn Bái năm nay đã ngoài 90 tuổi vẫn giữ nếp sinh hoạt, lao động là sáng nào cũng dậy sớm ra vườn rau, không làm được việc nặng nhọc thì bắt con sâu, vắt ngọn bầu ngọn bí lên giàn. Cụ bảo: Một ngày không được ra vườn rau là buồn bực, mệt nhọc trong người. Phải nói không ngoa rằng, đến làng rau suối Đốc Học, hỏi người trồng rau nào thì ai cũng tự hào khi gia đình mình có tuổi nghề ngót nghét nửa thế kỷ. Tự hào vậy bởi đó là nghề cha truyền con nối. Chỉ vườn rau được bố trí, phân luống bài bản, chị Bùi Thị Xuân cho hay cụ nội, cụ ngoại của chị đã bắt đầu làm rau từ năm 1958 và tất cả cơ ngơi có được hôm nay là thành quả, kinh nghiệm từ thời các cụ để lại. Gia đình chị có 8 chị em thì có đến 6 người hiện đang mưu sinh bằng nghề này. Không chỉ với chị Xuân, nghề trồng rau cũng trở thành “của hồi môn” của rất nhiều gia đình ở vùng suối Đốc Học này.

Người dân nơi đây vẫn cần mẫn gìn giữ nghề của cha ông bao đời nay.
Người dân nơi đây vẫn cần mẫn gìn giữ nghề của cha ông bao đời nay.

Một ngày mới bắt đầu với người dân làng rau là từ 3, 4 giờ sáng để có đủ nguồn rau kịp đưa ra chợ. Việc tiêu thụ thì đa dạng, bán sỉ có, bán lẻ có; lai rai mùa nào thức ấy. Trước đây, nguồn nước tưới cho rau hầu như lấy từ suối Đốc Học nhưng do tốc độ đô thị hóa, nước suối bị ô nhiễm, người dân đã đầu tư trang bị hệ thống giếng khoan, đường ống để bơm tưới. Những người có thâm niên làm nghề ở đây cũng cho biết diện tích đất trồng rau đã thu hẹp nhiều so với trước đây.

Làng rau suối Đốc Học như một lòng chảo nằm trọn trong lòng phố núi Buôn Ma Thuột. Với nhiều con suối nhỏ được khơi nguồn sâu trong lòng đất cùng sự cần mẫn, chăm chỉ một nắng hai sương của người dân xứ đạo, ngày ngày trên đất đai vườn tược ấy, rau trái tỏa lên hương vị rất đồng quê, mộc mạc, yên bình. Nhưng bạn sẽ còn bị quyến rũ bởi bắt gặp một dáng vóc Đà Lạt thơ mộng khi một lần đặt chân đến nơi đây. Theo đường Hồ Tùng Mậu, Hoàng Hoa Thám hay Lương Thế Vinh, bạn đều có thể đến được với làng rau và cũng từ đây phóng tầm mắt, làng rau như một thung lũng trù phú với những ngôi nhà nằm xen kẽ các vườn rau với đủ loại, những con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc, nhỏ xinh được tô điểm bởi rau và hoa, đẹp đến ngỡ ngàng. Có một điều đặc biệt là từ làng rau lên phố, gần như ngả nào cũng phải ngược lên những con dốc đứng. Trong ánh nắng vàng dịu nhẹ của một buổi chiều đông, khi đặt chân đến nơi này, du khách như lạc vào thế giới của các loại hoa, rau, củ quả. Nhiều loại rau được cho là khó tính, chỉ trồng ở Đà Lạt cũng được bàn tay của những người dân nơi này chinh phục thành công. Tiếng chuông nhà thờ ngân nga, vương vấn theo làn khói lam chiều, la đà ôm lấy những nếp nhà. Nhiều người ví đây như một Đà Lạt giữa lòng phố núi Ban Mê quả thật cũng không sai…

Đàm Nam Gia


Ý kiến bạn đọc