Multimedia Đọc Báo in

Làng xanh - sức trẻ nơi biên cương

09:00, 25/01/2012

Khởi động từ năm 2005, Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ya Lốp, Ea Súp đã dệt nên màu xanh và sức sống mới cho vùng đất hoang vu nơi biên cương bởi chính nhiệt huyết và lòng yêu lao động của các bạn trẻ.

Đổi thay

Giữa ngút ngàn rừng khộp đang mùa rụng lá, Làng Thanh niên lập nghiệp (LTNLN) hiện ra với những ngôi nhà mới khang trang dọc hai bên con đường bê tông thẳng tắp. Những vùng đất hoang vu, cằn cỗi được thay thế bằng màu xanh của cây lúa, đậu, dưa hấu… Anh Lò Văn Sài, Trưởng ban tự quản Làng nhớ lại những ngày tháng khó khăn hồi mới vào đây: “Nhìn rừng núi heo hút, đất đai bạc trắng, điện, đường không có mà nản lòng. Rồi cũng quen, mọi người đến đông dần, khai hoang trồng lúa, trỉa ngô, lập gia đình sinh con… cứ thế dần dần thành làng”. Đi thăm làng, chúng tôi ngạc nhiên vì không nhà nào khóa cửa (dù đi vắng) thì anh Sài giải thích: “Mỗi người mỗi quê về đây nên mọi người đoàn kết, yêu thương nhau như anh em, ở đây chưa khi nào xảy ra trộm cắp hay đánh nhau”.

Ghé thăm gia đình anh Lương Văn Triệu, một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi của làng; bên bộ bàn ghế cáu cạnh vừa sắm, anh cho biết: gia đình anh ở xã Ea Rốk (Ea Súp), do cuộc sống rất khó khăn vì thiếu đất sản xuất, đầu năm 2010, cả nhà anh đến đây lập nghiệp, được cấp 1 sào đất ở, 1 ha đất canh tác. Ngoài trồng lúa và hoa màu, anh còn nuôi thêm trâu, vịt, làm dịch vụ xay xát, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng, có tiền xây nhà, sắm đủ tiện nghi và nuôi 2 con ăn học. Còn với anh Nguyễn Văn Vững thì từ ngày đến làng, anh đã thật sự đổi đời. Anh Vững quê Quảng Bình, vào ở nhờ nhà bà con ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp) nhưng không nghề nghiệp, đất canh tác ít nên phải đi làm thuê. Khi biết đến Dự án LTNLN của Đoàn tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, anh là một trong những người đầu tiên tình nguyện vào đây lập nghiệp. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, anh đã có cơ ngơi nhà cửa vườn tược khang trang, cuộc sống khá giả. Anh Hoàng Quốc Bảo – Phó trưởng Ban quản lý Dự án LTNLN Ia Lốp cho biết: Làng được triển khai xây dựng năm 2006 từ nguồn vốn Trung ương Đoàn và ngân sách của tỉnh, trên tổng diện tích hơn 2.781 ha tại xã Ya Lốp, gồm 120 hộ. Sắp tới, khi thành lập đơn vị hành chính thôn và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì đời sống của các hộ dân ở đây sẽ được nâng lên rõ rệt.

Anh Lương Văn Triệu đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng trọt, chăn nuôi và làm dịch vụ xay xát
Anh Lương Văn Triệu đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng trọt, chăn nuôi và làm dịch vụ xay xát

Nhiệt huyết tuổi trẻ trên bục giảng

Bên cạnh nhà Ban quản lý là lớp học mới được xây lên. Cô H’Mit Kbua và các cháu lớp mầm của phân hiệu Trường Mầm non Hoa Lan đang miệt mài làm quen với từng chữ cái.

Dạy học ở đây, điều đầu tiên là các thầy, cô giáo phải làm quen với khó khăn, thiếu thốn, để nuôi lòng nhiệt tình với nghề. Các thầy cô đến từng gia đình học sinh để, tìm hiểu hoàn cảnh. Bộn bề nỗi vất vả, chỉ có nhiệt tình tuổi trẻ, tình thương yêu học trò, trách nhiệm nghề nghiệp là sức mạnh giúp các thầy cô giáo trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tốt nghiệp Trường CĐSP Hải Dương, cô giáo Nguyễn Thị Thanh (phụ trách lớp ghép 2, 3 thuộc phân hiệu Trường TH Trần Hưng Đạo) tình nguyện vào LTNLN dạy học và chấp nhận những thử thách rất lớn với một giáo viên trẻ. Cô Thanh tâm sự: “Những ngày đầu vào Làng, đêm nằm chỉ biết khóc vì buồn. Nhưng sự tin yêu của học trò và người dân ở đây làm em thêm vững tâm để dạy tốt”.

Lấy ghế làm bàn, cô H’ Mit Kbua cùng các cháu trường Mầm non Hoa Lan vẫn say sưa theo từng nét chữ
Lấy ghế làm bàn, cô H’ Mit Kbua cùng các cháu trường Mầm non Hoa Lan vẫn say sưa theo từng nét chữ

Với các thầy, cô giáo nơi biên giới xa xôi này, niềm vui lớn nhất là những ánh mắt trong trẻo của học trò ngày ngày ngóng chờ, là cuốn vở chữ mỗi ngày đẹp hơn của các em. Trong căn nhà nhỏ, thiếu thốn các vật dụng sinh hoạt, cô Nguyễn Thị Thoa đang soạn giáo án. Cô Thoa nhà ở xã Ia T’Mốt (huyện Ea Súp) mới vào dạy học ở Làng từ đầu năm học này, nhưng đường xa, đi lại khó khăn nên thỉnh thoảng mới về nhà. Bên cuốn giáo án đang soạn dở, cô giáo trẻ nói như tâm tình: “Tuổi trẻ không ngại vất vả, chỉ biết cố gắng dạy hết lòng cho các em, rồi tự nhiên thấy gắn bó với làng”. Nghe câu nói ấy của cô giáo mới hơn 20 tuổi, chúng tôi ai cũng cảm thấy mến phục những trái tim yêu nghề và tâm huyết với học trò vùng biên của các thầy cô giáo trẻ. Và cũng chính điều đó, họ đã tạo được niềm tin yêu với học trò và người dân nơi này. Chính họ - những thầy cô giáo không quản gian lao gieo nên những mầm xanh tri thức, cùng với những công dân của LTNLN hướng đến tương lai tươi sáng.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc