Multimedia Đọc Báo in

Một phụ nữ Êđê 17 năm gắn bó với công tác dân số

08:40, 10/01/2012
Đến xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar), hỏi thăm chị H’Ă Niê, cán bộ chuyên trách dân số xã không ai là không biết, bởi 17 năm nay, cán bộ và nhân dân trong xã đã quen với hình ảnh một nữ cán bộ dân số suốt ngày cắp cặp xuống các thôn, buôn tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, đẻ ít, đẻ thưa để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Chị H’Ă bén duyên với công tác Dân số từ năm 1994, lúc bấy giờ cuộc sống của bà con trong xã nói chung và buôn Kana B do chị quản lý còn hết sức khó khăn, thiếu thốn. Nhiều gia đình mặc dù nghèo khó, con cái không được học hành tới nơi tới chốn nhưng vẫn thích sinh đông con. Nhận thức của người dân về vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế, việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em còn nhiều bất cập, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai ít được đi khám thai tại cơ sở y tế. Từ khi làm công tác dân số, chị H’Ă hiểu vai trò của cộng tác viên dân số là hết sức quan trọng nhưng làm thế nào để giúp người dân thay đổi cách suy nghĩ về “trời sinh voi sinh cỏ”, “đông con lắm của”, sinh thêm con để có thêm người để làm nương làm rẫy… là việc không phải dễ, một sớm một chiều mà làm được.

Địa bàn chị H’Ă quản lý chủ yếu là người dân tộc Êđê (85%), Kinh (15%) nên quan niệm sinh con cũng có phần khác nhau. Người Kinh sinh nhiều con tập trung chủ yếu ở các gia đình chưa có con trai với mong muốn sinh con trai để nối dõi tông đường, chăm sóc phụng dưỡng lúc về già. Người Êđê thì ngược lại,  thích sinh con gái hơn. Để giúp người dân hiểu được lợi ích của công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, chị H’Ă đã tuyên truyền trước hết là người thân trong gia đình mình, tiếp đến là những người hàng xóm. Trong các biện pháp tránh thai thì đình sản là biện pháp khó vận động nhất. Cùng với những kiến thức đọc được từ sách vở, qua các buổi tập huấn do cấp trên tổ chức, chị đã giải thích tường tận cho các chị em những ưu điểm, nhược điểm của các biện pháp tránh thai, từng đối tượng phù hợp với từng biện pháp… Bằng sự kiên trì, bền bỉ, chị không chỉ lồng ghép tuyên truyền, vận động trong các buổi họp buôn, sinh hoạt phụ nữ, nông dân… mà còn tranh thủ thời gian rảnh đến các hộ gia đình để vận động, thuyết phục họ không sinh nhiều con, thực hiện biện pháp tránh thai để tránh sinh con ngoài ý muốn. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần chị đã thuyết phục được một số chị em có 2 con, 3 con đi đình sản, càng tự hào hơn khi xã Cư M’gar là một trong những địa phương có người đi đình sản đầu tiên trong huyện. “Tiếng lành đồn xa”, khi thấy các chị em đi đình sản về vẫn khỏe mạnh bình thường, nhiều người còn mập ra, đặc biệt là không ảnh hưởng gì đến chuyện sinh hoạt vợ chồng, thế là người này kháo người kia, thậm chí có chị còn đến xin đề nghị được đi đình sản. Nhờ những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của mình, với cương vị là cộng tác viên hay cán bộ chuyên trách dân số, chị H’Ă đều hoàn thành và vượt các chỉ tiêu mà cấp trên giao, đặc biệt là đình sản.

G
Chị H’ Ă Niê (thứ hai từ phải qua) đang tư vấn cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ.

Buôn Kana B do chị quản lý hiện có 112 hộ, với 560 khẩu, trong đó dân tộc Êđê là 85 hộ, còn lại là hộ dân tộc Kinh. Số phụ nữ 15-49 tuổi có chồng là 118 chị, chiếm gần 22% dân số toàn buôn. Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nên tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Toàn buôn hiện có 76 chị sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó đình sản 9 người, đặt vòng là 34 người, thuốc uống 27 người, bao cao su 6 người; đưa tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại toàn buôn lên 64,4%. Tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 ngày càng giảm, số phụ nữ mang thai đều được khám thai tại cơ sở y tế, số trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều ông chồng sẵn sàng chia sẻ với các bà vợ việc chăm sóc và nuôi dạy con cái, thực hiện các biện pháp tránh thai, dành thời gian để phát triển kinh tế gia đình. Trong thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của chị H’ Ă Niê, người đã 17 năm gắn bó với công tác dân số ở địa phương.

Đình Quân

 


Ý kiến bạn đọc