Multimedia Đọc Báo in

Những câu chuyện tình làng nghĩa xóm

09:51, 27/01/2012

Có ai đó đã từng nói cuộc sống hiện đại đang làm cho con người ta sống lạnh lùng, khép kín và ít quan tâm đến người xung quanh hơn… Song, đó chỉ là chuyện xảy ra ở một số ít người, bởi trên thực tế vẫn có những câu chuyện sống động về tình làng nghĩa xóm mang đậm chất nhân văn. Không tình ruột thịt cũng chẳng phải bà con họ hàng, nhưng họ sống với nhau bằng tất cả tấm lòng của những người, những gia đình “tối lửa tắt đèn có nhau”…

Tái sinh nhờ hàng xóm, láng giềng

Cuối năm 2010, trong một lần đi hái cà phê thuê cho một gia đình khác trong vùng, anh Trần Xuân Quý (tổ dân phố 6, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ) bị ngã xuống giếng hoang cạn nước sâu hơn 10 mét. Khi hay tin chồng ngã giếng bị đa chấn thương đang được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, vợ anh đã gom hết số tiền dành dụm của gia đình để mang đi chữa bệnh cho chồng. Song số tiền vợ chồng anh có được cũng chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn đồng, bởi gia cảnh nghèo, chỉ đi làm thuê để có cái ăn qua ngày, lấy đâu ra tiền dành dụm, nhà có mấy sào rẫy cà phê thì chưa đến ngày thu hoạch. May thay, lúc ấy Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” (một câu lạc bộ được hình thành trên sự tự nguyện tham gia của các hộ dân ở tổ dân phố 6 nhằm giúp đỡ những người hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn) hay tin đã đóng góp được 3,9 triệu đồng mang tặng anh Quý làm chi phí chữa bệnh. Không những thế, thấy hoàn cảnh gia đình anh neo người, vợ chăm chồng ở bệnh viện, có 2 con trai lại đang tuổi ăn tuổi học, các thành viên Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” đã đóng góp hàng chục ngày công giúp gia đình anh thu hoạch cà phê, phơi khô và đóng bao cất giữ hộ, đồng thời, còn thay nhau trông coi nhà cửa, chăm lo từ cái ăn đến việc học hành của 2 cháu nhỏ. Ngày xuất viện trở về, nhìn nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, mùa màng đã thu hoạch xong vợ chồng anh Quý vui mừng khôn xiết. Anh tâm sự: “Ngày tôi nhập viện, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của bà con hàng xóm, chưa chắc tôi đã qua được cơn nguy kịch. Không chỉ cho tiền, bà con còn giúp tôi công sức để thu hoạch mùa màng. Trước những tấm lòng, tình cảm ấy, tôi thấy gia đình mình như đang sống trong một gia đình lớn, ở đó có sự thương yêu đùm bọc của mọi người. Và cũng chính những tình cảm ấy đã tiếp thêm cho vợ chồng ý chí vươn lên. Đến bây giờ gia đình tôi đã được xóa tên trong danh sách hộ nghèo…”.

Một buổi sinh hoạt của CLB Vòng tay nhân ái. Ảnh: K.O
Một buổi sinh hoạt của CLB Vòng tay nhân ái. (Ảnh: K.O)

Được biết, ngoài những việc làm tình nghĩa dành cho những gia đình gặp tai nạn bất ngờ, những thành viên Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” ở tổ dân phố 6 còn tự nguyện đóng góp tiền để cùng nhau vượt khó làm giàu. Với 20 thành viên ban đầu, chưa đầy một năm sau khi hình thành, Quỹ của Câu lạc bộ đã thu được 12 triệu đồng và tổ chức cho 6 hộ vay để phát triển chăn nuôi, tăng thêm chi phí chăm sóc cây cà phê của gia đình. Không những thế, vào những ngày lễ tết họ còn đóng góp tiền, gạo, quà để đi thăm hỏi trẻ tàn tật, mồ côi trên địa bàn tổ dân phố. Rồi khi có ai đau ốm, họ lại đóng góp và cùng nhau đến thăm hỏi, động viên. Chia sẻ về hoạt động của Câu lạc bộ, Chủ nhiệm Lê Thị Tảo cho biết: “Những hoạt động Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” đã và đang làm đều hướng đến một mục đích là thắp sáng lên ngọn lửa thương yêu trong cụm dân cư của mình để bất cứ ai, gia đình nào trên địa bàn cũng thấy và cảm nhận được tình thương yêu, sự sẻ chia mà bà con hàng xóm dành cho mình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển thêm hội viên và phát triển thêm số quỹ của câu lạc bộ để ngày càng có nhiều gia đình hội viên được vay vốn và giúp đỡ được nhiều trường hợp khó khăn hơn…”.

Nghĩa tình xómThái

Ở xã Ea Pil (huyện M’Drak) có một xóm Thái vỏn vẹn chỉ có 20 gia đình sống quần cư bên một sườn đồi. Vì nằm ngay vị trí Km 74 Quốc lộ 26 nên còn có tên gọi là xóm Thái 74 để phân biệt với những làng Thái khác thuộc địa bàn huyện M’Drak. Ông Hà Văn Nguyên, người có uy tín nhất xóm Thái kể, năm 1992, ông và 15 hộ dân đã rời huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tìm đến xã Ea Pil lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng quê mới, các hộ phải làm đủ nghề mưu sinh: trồng dâu, chặt mây, đốn củi, làm thuê… Kinh tế khó khăn, lại thêm những cơn sốt rét rừng vàng cả mắt khiến nhiều hộ dắt díu nhau trở về quê hoặc đi nơi khác, chỉ còn 6 hộ bám trụ. Nhớ về thuở cơ hàn, ông Ngân Văn Êm, một trong 6 hộ bám trụ lại xóm Thái 74 chia sẻ: “Cuộc sống những ngày đầu trên vùng đất mới cơ cực đủ bề, khổ nhất là vào mùa mưa ngồi trong nhà mà phải đội nón. Có lần đi làm về lũ trên nguồn ập xuống đột ngột cuốn mất những căn lều tạm, anh em trong xóm đành tập trung làm lại nhà ở. Cũng chính vì trải qua những trận “thừa sống thiếu chết” như vậy, nên các hộ nắm chặt tay nhau, xem nhau như anh em một nhà. Người lớn nói người nhỏ nghe, họa hoằn lắm trong xóm mới có chuyện xích mích, hiểu lầm nhau, nhưng tất cả đều được hóa giải bằng lời lẽ thấu tình đạt lý chứ chưa  bao giờ có chuyện cãi vã, thóa mạ hay xô xát nhau. Mọi việc trong xóm dù lớn, dù nhỏ, đều được các gia đình chung sức sẻ chia…”. Năm 1995, xã Ea Pil được thành lập, cuộc sống của xóm Thái 74 cũng dần ổn định. Các hộ bàn bạc và thống nhất chung sức làm nhà mới cho từng hộ. Nhà nào có người già yếu thì làm trước, rồi cứ thế lần lượt đến nhà khác, mỗi năm làm 3-4 nhà. Với cách làm đó, chỉ 10 năm sau, 20 hộ trong xóm đã có nhà xây kiên cố, khang trang. Nhà cửa ổn định, mọi người hợp lực đào ao nuôi cá, tiếp đến giúp nhau mua xe máy và các đồ dùng sinh hoạt khác…

Từ sự giúp đỡ lẫn nhau của người dân, xóm Thái đã có nhiều ngôi nhà khang trang. Ảnh: Nguyên Hoa
Từ sự giúp đỡ lẫn nhau của người dân, xóm Thái đã có nhiều ngôi nhà khang trang. (Ảnh: Nguyên Hoa)

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, làm nhà, mua sắm phương tiện, bà con xóm Thái  còn bảo ban nhau từ bỏ nhiều hủ tục, thay vào đó là nếp sống văn hóa lành mạnh, xây dựng tình làng nghĩa xóm bền chặt, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Năm 2003 và những năm sau này, bà con trong xóm cùng nhau đầu tư công sức, tiền của gia cố những đoạn đường giao thông nội thôn để việc đi lại thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa…

Thoát nghèo từ Quỹ Hội đồng hương

Với 128 hộ, 630 khẩu (trong đó có 125 gia đình là người Quảng Bình và 3 hộ người Hà Tĩnh đi theo diện kinh tế mới), từ một thôn có hơn nửa số hộ nghèo và cận nghèo thì nay đã thoát nghèo từ sự giúp đỡ của Hội đồng hương giúp nhau làm kinh tế. Vốn là những người con của dải đất miền Trung nắng lắm mưa nhiều, quanh năm lam lũ nhưng cái đói cái nghèo không chịu buông tha, sau khi vào Dak Lak lập nghiệp họ đã dựa vào nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn vất vả để xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc. Ông Ngô Tùng Sơn, Trưởng thôn Tân Lập (xã Cư Kpô, huyện Krông Buk) chia sẻ: “Có được kết quả như ngày nay một phần là nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, phần còn lại là do sự nỗ lực thoát nghèo của người dân thông qua Quỹ Hội đồng hương của thôn”. Với cách làm sáng tạo như tổ chức các hộ gia đình theo từng tổ đổi công giúp nhau vừa giảm được chi phí thuê mướn nhân công vừa bảo vệ được sản phẩm nông nghiệp, huy động các gia đình tham gia đóng góp Quỹ đồng hương tự nguyện để lấy vốn cho vay không tính lãi, không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Thông qua mức đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng/năm, đến nay thôn Tân Lập đã có 3 hội đồng hương được thành lập và hoạt động, mỗi hội có từ 30 đến 40 hộ tham gia với số quỹ hiện có trên 100 triệu đồng. Nguồn quỹ này được các hội đồng hương xoay vòng cho vay phát triển kinh tế đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó đã có 5 hộ gia đình khó khăn nhất của thôn thoát nghèo, 14 hộ khác vươn lên khá giả. Trong ngôi nhà mới khang trang ông Nguyễn Thanh Cảnh chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 người, con cái đều đang tuổi đến trường. Mọi chi phí sinh hoạt của cả nhà đều trông vào mấy sào cà phê, năm nào được mùa thì còn đỡ chứ trúng năm mất mùa thì khó khăn chồng chất, ngay cả tiền đóng học cho các cháu cũng thiếu trước hụt sau. Từ khi được vay vốn của Quỹ Hội đồng hương, ngoài trồng cà phê, tôi còn trồng những cây ngắn ngày kết hợp chăn nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế từng bước được cải thiện...”. Bằng cách làm đơn giản là góp vốn giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hiện 2/3 số hộ trong thôn Tân Lập đã có nhà xây kiên cố, sắm đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, đi lại. Hằng năm tỷ lệ trẻ tới trường đạt 98%, toàn thôn đã có 20 con em vào học các trường đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp;  95/128 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt, năm 2001, Tân Lập được đón nhận danh hiệu Thôn Văn hóa cấp huyện và từ đó đến nay năm nào cũng được UBND huyện, xã tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng thôn buôn văn hóa, giữ vững an ninh trật tự.

Giúp nhau trong hoạn nạn

Với gia đình chị Đỗ Thị Hoa ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) cái Tết năm nay dường như kém vui hơn các năm trước bởi cơn bạo bệnh của chị đã làm cho kinh tế gia đình vốn đã khó lại càng khó bội phần. Nhìn con trẻ không được sắm quần áo mới, hũ gạo gia đình đang vơi cạn cùng thời gian mà vợ chồng chị không cầm được nước mắt. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm được đều phải lo thuốc thang chạy chữa cho ca mổ sỏi mật của chị cách đây vài tháng. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Hồng không có công ăn việc làm ổn định, phải chạy đôn chạy đáo làm thuê, làm mướn khắp nơi, ai thuê gì làm nấy vừa lo tiền thuốc cho vợ vừa chăm sóc cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, bà con, hàng xóm và các hội viên trong Chi hội phụ nữ tổ dân phố 7 đã cùng nhau chung sức giúp gia đình chị Hoa vượt khó với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Nhận 20 kg gạo và số tiền gần 2 triệu đồng của bà con hàng xóm và các chị em trong Chi hội phụ nữ quyên góp, ủng hộ, chị Hoa vô cùng cảm động. Chị thổ lộ: “Nếu không có sự giúp đỡ của bà con hàng xóm chắc gia đình tôi không có Tết…”. 

Đại diện Hội LHPN thị trấn Quảng Phú thăm hỏi gia đình hội viên Đào Thị Hoa. Ảnh: Tuấn Anh
Đại diện Hội LHPN thị trấn Quảng Phú thăm hỏi gia đình hội viên Đào Thị Hoa. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng là một trong những hộ có hoàn cảnh éo le, ông Nguyễn Dung ở tổ dân phố 4 (thị trấn Quảng Phú) tuy đã 70 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền nuôi người vợ mù và đứa con trai tâm thần. Để gia đình ông Dung vượt khó, hơn 2 năm qua, chị em trong Chi hội phụ nữ tổ dân phố 4 đã tổ chức góp gạo tiết kiệm giúp gia đình ông không phải đứt bữa mỗi ngày. Nói về những việc làm đầy ý nghĩa của phụ nữ địa phương, bà Trịnh Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Quảng Phú cho biết: “Giúp đỡ người có hoàn cảnh không may là nét đẹp từ ngàn đời xưa của ông cha truyền lại, vì vậy trước khi chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài thì hàng xóm láng giềng phải tương trợ lẫn nhau, đặc biệt là các chị em ở địa phương phải là người tiên phong bởi trong hoạn nạn, khó khăn các chị em rất cần sự chia sẻ, động viên để vượt qua nghịch cảnh”. Cũng bởi những suy nghĩ sâu sắc ấy mà ngoài việc đóng góp giúp đỡ gia đình khó khăn, các chi hội phụ nữ còn hướng dẫn  chị em làm hồ sơ vay vốn để phát triển sản xuất. Tính đến thời điểm này Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Quảng Phú đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay trên 8 tỷ đồng giúp 166 hội viên nghèo có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Tỷ lệ giảm nghèo hằng năm trong các chi hội đạt gần 4%.

Có thể nói, sự đóng góp của người dân tổ dân phố 4, tổ dân phố 7 và Hội phụ nữ thị trấn Quảng Phú về vật chất tuy chưa nhiều lắm nhưng sự giúp đỡ ấy lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn để giúp mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn thêm nghị lực vươn lên.

Kim Oanh – Nguyên Hoa – Tuấn Anh

 

 


Ý kiến bạn đọc