Những người “chở mùa xuân” đến sớm
Đường Trường Chinh và một số tuyến đường quanh Quảng trường 10-3 Buôn Ma Thuột những ngày này rực rỡ sắc hoa và cây cảnh tấp nập người mua bán; ai đi qua cũng cảm nhận rằng xuân đã đến rất gần. Những người chở xuân đến sớm trên phố cao nguyên này là chủ các vựa hoa, cây cảnh của thành phố Buôn Ma Thuột và các tỉnh nổi tiếng về hoa kiểng như Bình Định, Phú Yên, Bến Tre…
Đến hẹn lại lên, từ ngày 15 tháng 12 âm lịch, bà Nguyễn Thị Hà (52 tuổi), chủ vựa hoa kiểng ở huyện Chợ Lách, Bến Tre lại thuê xe tải chở cây cảnh lên bày bán tại chợ hoa trên đường Trường Chinh. Đây là năm thứ 3 bà tham gia chợ hoa Buôn Ma Thuột. Để có một điểm bán như thế này, từ trước đó bà đã phải liên hệ đặt chỗ để giáp tết chỉ việc chở cây cảnh từ dưới Bến Tre lên. Bà Hà cho biết, thường những chủ hoa ở các tỉnh xa như bà bao giờ cũng tranh thủ chở hoa, cây cảnh lên Buôn Ma Thuột sớm hơn các chủ hoa ở trong tỉnh. Chuyến xe tải chở gần hai trăm chậu cây cảnh lên Buôn Ma Thuột vừa rồi, riêng tiền vận chuyển đã gần mười triệu, tiền bốc vác gần ba triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Lục, chủ một vựa hoa cảnh lớn ở Tuy Hòa, Phú Yên cũng tranh thủ chở cây cảnh lên sớm hơn các năm trước. Hàng của anh chủ yếu là cây cảnh nhỏ, mai và quất; tiền thuê xe vận chuyển hàng lên cũng mất gần 5 triệu, chưa kể tiền bốc vác - anh Lục cho biết. Người bán hoa, cây cảnh ở tỉnh xa ngoài việc phải vất vả thuê xe vận chuyển, còn phải đem theo rất nhiều vật dụng sinh hoạt như: bạt để che chỗ ngủ, giường gấp, võng, chăn chiếu… và mỗi đợt đi bán hàng xa thường phải từ 2-3 người để thay phiên nhau thức. Năm nay anh đã phải huy động đến 4 người thân trong gia đình lên để trông coi. Riêng bà Hà năm nào cũng phải đi 3 người, gồm bà, chồng và người con trai lớn. Hơ tay trên bếp than củi trong nồi đất, bà Hà nói: năm nay thời tiết ở Buôn Ma Thuột lạnh hơn các năm trước, dù đã cẩn thận mang thêm chăn ấm, nhưng bà vẫn không chịu nổi lạnh nên phải mua thêm than củi để sưởi.
Cây quất bày bán trên đường Trường Chinh |
Công việc bán hoa, cây cảnh di động cũng có khá nhiều chuyện vui buồn, rủi ro. Anh Lục kể: chuyến đi năm trước, anh “méo mặt” bởi trong quá trình vận chuyển từ dưới nhà lên Buôn Ma Thuột, do gặp đường xấu, xe xóc khiến nhiều chậu quất rụng quả, đến nơi bốc hàng xuống nhìn những chậu quất chỉ còn cành, không còn quả mà xót ruột. Khách hàng chê xấu, anh phải hạ gần một nửa giá bán và chuyến quất năm đó anh lỗ nặng; cũng may nhờ có tiền bán cây cảnh nên vớt vát được chút ít. Anh Trần Văn Nguyện, chủ vựa hoa cảnh ở Tuy Hòa, Phú Yên chuyên bán mai tết kể: phiên chợ hoa năm vừa rồi anh thuê xe chở gần trăm chậu mai lên. Lúc ở nhà mai được chăm sóc kỹ, các cành nảy rất nhiều nụ, anh đinh ninh với những chậu mai như thế sẽ được giá, lãi to! Vậy nhưng, khi chở lên Buôn Ma Thuột gặp trời nắng nóng, nhiều chậu bung bông, khách hàng trả giá thấp, nhiều chậu hoa nở hết vàng rực, nhìn thì đẹp nhưng không thể bán được, anh phải thuê xe chở quay về. Vụ mai năm đó anh lời chẳng được bao nhiêu. “Với những người bán hoa cảnh di động, khi chở một chuyến cây cảnh lên bán ở chợ hoa, bao giờ các chủ hoa cũng xác định phải bán cho kỳ hết, chỉ bất đắc dĩ lắm mới phải chở về, vì nếu chở về thì năm đó tết kém vui” - anh Nguyện chia sẻ. Những người bán cây cảnh như bà Hà thì ít rủi ro hơn, bà cho biết: với hơn 200 chậu cây cảnh, nếu may mắn đến khoảng 26, 27 tết sẽ bán hết. Nhưng cũng có năm phải đến ngày cuối cùng mới hết hàng. Nếu còn tồn thì cũng bán rẻ cho kỳ hết chứ không mang về. Bà nhẩm tính, xe cây cảnh này nếu bán hết, trừ tất cả chi phí, may mắn sẽ lời được khoảng 15-20 triệu đồng. Sau khi bán hết, cả gia đình lại bắt xe đò về dưới quê để chuẩn bị tết. “Những người bán hoa, cảnh di động như chúng tôi, mọi người thường ví là người “chở mùa xuân” đến sớm, nhưng cũng lại là những người luôn phải đón xuân muộn…” - bà Hà cười nói.
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc