Multimedia Đọc Báo in

Việc làm và an sinh xã hội: Chìa khóa phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo

05:29, 07/01/2012
Trong năm qua, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt, nhưng ở những lĩnh vực như lao động, việc làm, an sinh xã hội Dak Lak vẫn còn nhiều khó khăn và đang đứng trước những thách thức lớn trong chặng đường phát triển tiếp theo…
 

An sinh xã hội và chính sách giảm nghèo bền vững

     Năm 2011, tuy vẫn phải đối diện với những khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Dak Lak vẫn ổn định để phát triển, điều đó là một phần do công tác an sinh xã hội trên địa bàn    đã được thực hiện khá hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 26.500 người thuộc diện yếu thế đang được hưởng trợ cấp hằng tháng (tăng hơn 10.000 người so với năm 2010, vì diện đối tượng được mở rộng theo Nghị định 13 của Chính phủ). Ngoài ra, tỉnh còn triển khai hàng loạt chương trình như: cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách ưu tiên  cho giáo dục (cấp sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số…); tặng quà, cứu trợ, cứu đói nhân dịp ngày lễ, tết, lúc giáp hạt; tổ chức mừng thọ, tặng quà cho người già… với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, những chính sách xóa đói giảm nghèo đã mang lại hiệu quả. Đầu năm 2011, theo chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh có 81.053 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 20,82%), nhưng đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 17,82%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn quá cao so với cả nước (dự kiến dưới 13%); có 3 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, 5 xã và 96 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, đặc biệt vẫn còn 22 thôn, buôn có tỷ lệ hộ nghèo là 100%... Đây thực sự là một thách thức lớn đối với việc thực hiện công tác an sinh xã hội trong giai đoạn mới của tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Nhiệm vụ an sinh xã hội ngày càng nặng nề vì diện đối tượng bảo trợ liên tục được mở rộng bởi hàng loạt chính sách mới, các nhu cầu cần bảo trợ cũng đa dạng hơn. Trong năm 2012, nhiệm vụ đề ra đối với công tác bảo trợ xã hội của tỉnh là ngoài việc thực hiện các chính sách để nâng cao mức sống cho nhóm đối tượng cần bảo trợ phải chú trọng đến đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, dạy nghề…, tạo điều kiện để họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Trong đó, 3 đối tượng cần quan tâm nhất là người tàn tật, người cao tuổi và trẻ em… Năm 2012 cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 trên cơ sở Nghị quyết 80 ban hành ngày 19-5-2011 của Chính phủ. Theo đó, công tác giảm nghèo phải mang tính chất toàn diện và bền vững. Đây là một chính sách mới mang tính đột phá trong công tác giảm nghèo. Trước đây có nhiều chính sách giảm nghèo của nhiều cấp, ngành cùng quản lý dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán hoặc chồng chéo dẫn đến hiệu quả giảm nghèo chưa cao. Nay, việc hình thành một chương trình giảm nghèo chung sẽ tạo điều kiện tập trung nguồn lực từ ngân sách để ưu tiên đầu tư cho địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Trung tuần tháng 12-2011, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã họp và tán thành, thông qua Nghị quyết về Giảm nghèo bền vững của tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015. Trong đó có một số mục tiêu cụ thể như: tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân 3%/năm. Nhiều chính sách giảm nghèo như: chính sách tín dụng ưu đãi; đào tạo nghề; miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã biên giới, huyện khó khăn; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo… Tổng kinh phí thực hiện Chương trình hơn 8.684 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư trực tiếp cho Chương trình gần 608 tỷ đồng, số còn lại phân theo ngành, lĩnh vực và nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi. Chương trình sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng ở 2 huyện biên giới là Ea Súp, Buôn Đôn và 3 huyện khó khăn: Lak, M’Drak, Krông Bông. Chương trình nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các địa bàn khó khăn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và nhóm dân cư.

Lớp học nghề thổ cẩm ở xã Dak Nuê (huyện Lak).
Lớp học nghề thổ cẩm ở xã Dak Nuê (huyện Lak).
Đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm để phát triển bền vững
 
Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn là một trong những nhiệm vụ được ngành LĐ-TB&XH đặt lên hàng đầu trong những năm vừa qua. Toàn tỉnh hiện có 42 trung tâm, cơ sở dạy nghề công lập, tư thục (trong đó có 2 trường cao đẳng nghề) và đang có 10.828 học sinh, sinh viên học nghề. Năm 2011 các cơ sở dạy nghề đã tuyển mới là 17.702 học sinh, sinh viên (đạt 108% kế hoạch năm) và có 16.629 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp. Trong năm cũng đã tạo việc làm mới cho 25.267 lao động; 700 lao động xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6.838 doanh nghiệp thu hút khoảng 104.997 lao động đang làm việc. Số lao động làm việc trong doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện ký kết Hợp đồng lao động chiếm khoảng 82% so với tổng số lao động. Có 40 doanh nghiệp đăng ký thỏa ước lao động tập thể, 30 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động và 1.093 đơn vị tham gia đóng Bảo hiểm xã hội, với 39.431 lao động. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở dạy nghề và chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể trong việc tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề. Sở LĐ-TB&XH cũng đã hoàn thành xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2020 và Đề án về Chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu: Đến năm 2020 tỉnh sẽ có 60 cơ sở dạy nghề; 176.280 người được học nghề, trong đó 91.825 người được học nghề từ sự hỗ trợ của Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn. Đến năm 2015 sẽ giải quyết việc làm cho 130.000 người, trong đó số người giải quyết việc làm mới là 70.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%; giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5%; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 29% năm 2010 lên 40% vào năm 2015. Tuy nhiên, Đề án này chưa được HĐND thông qua vì một số chỉ tiêu còn thiếu cơ sở, cần phải bổ sung cụ thể, chặt chẽ hơn… Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh và Sở LĐTB&XH sẽ hoàn chỉnh Đề án để HĐND thông qua trong kỳ họp tới nhằm nhanh chóng triển khai thực hiện Đề án.  Để người lao động sau khi được đào tạo có việc làm phát huy hiệu quả, tỉnh sẽ chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn…
 
 Năm 2012 kế hoạch đề ra vẫn là giải quyết việc làm cho 25.200 lao động trong tỉnh (trong đó số người giải quyết việc làm tăng thêm 13.800 người), giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn còn 6,5%, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,96%...
 
Minh Quân

Ý kiến bạn đọc