Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em theo hướng bền vững
UBND tỉnh vừa phê duyệt “Chương trình Bảo vệ trẻ em Dak Lak giai đoạn 2011-2015” trên cơ sở Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ. Đây sẽ là một lối mở, tháo gỡ những vướng mắc cho các địa phương, cấp cơ sở trong công tác bảo vệ trẻ em…
Công tác bảo vệ trẻ em còn nhiều khó khăn, thách thức
Trong những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn, khung khổ luật pháp và chính sách trợ giúp trẻ em từng bước được hoàn thiện và mở rộng. Các hoạt động bảo vệ trẻ em bước đầu triển khai thực hiện ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa; can thiệp giảm thiểu các nguy cơ; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em bị tổn thương và hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến năm 2010 của tỉnh chưa đạt kết quả mong muốn, trong số 36 chỉ tiêu đặt ra thì có tới hơn một nửa số chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có 5 chỉ tiêu bảo vệ trẻ em. Điều đó cho thấy, công tác bảo vệ trẻ em vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn trên 50% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 84.096 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 65.534 trẻ em sống trong hộ nghèo của các địa phương chưa được hưởng trực tiếp các chế độ chính sách hoặc chưa nhận được sự trợ giúp của cộng đồng; hàng nghìn trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội như bố mẹ ly hôn, ly thân, phạm tội phải vào tù, có người mắc tệ nạn xã hội, tình trạng trẻ em bị sao nhãng diễn ra khá phổ biến ở nhiều gia đình, kể cả gia đình nghèo và gia đình khá giả... Đa phần nhóm trẻ này vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho trẻ em và theo quan niệm của cộng đồng quốc tế thì đây là nhóm trẻ em có nguy cơ cao bị tổn thương.
Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, bạo lực, buôn bán, bị bóc lột sức lao động vẫn diễn biến phức tạp và chưa được ngăn chặn có hiệu quả: bình quân hàng năm xảy ra 30 vụ xâm hại trẻ em, trên 450 người chưa thành niên vi phạm pháp luật; trên địa bàn tỉnh hiện có 43 trẻ em vi phạm pháp luật đang học tập tại trường giáo dưỡng, nhiều trẻ em vi phạm pháp luật đang được giáo dục và quản lý tại cộng đồng...Các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, trừng phạt trẻ em ngày càng có tính chất nghiêm trọng, báo động về sự suy đồi đạo đức…
Nói về nguyên nhân của thực trạng trên, bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTB&XH) cho biết: Nhìn chung là do nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế. Việc ngược đãi, xâm hại đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, can thiệp kịp thời. Tình trạng cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục con cái hay còn gọi là sự ”sao nhãng” còn khá phổ biến. Thiếu khung pháp lý toàn diện về bảo vệ trẻ em, một số quy định của luật pháp còn chưa cụ thể và thiếu tính đồng bộ. Song song đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng lại luôn có sự biến động do có sự thay đổi về cấu trúc tổ chức. Trước năm 2007, có khoảng hơn 1 nghìn cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố thì đến nay hầu như xóa trắng. Tại cấp xã, nhiều người làm việc kiêm nhiệm, yếu về trình độ, kỹ năng làm công tác xã hội nói chung, với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Cấp huyện trước đây có từ 2-3 cán bộ chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em thì nay chỉ còn 1 người, có nơi còn phải kiêm nhiệm thêm việc khác. Cấp tỉnh trước đây có gần chục cán bộ thì nay chỉ còn 4 cán bộ… Đây cũng là những thách thức đặt ra đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh. Ngoài ra, ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ trẻ em quá thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế và đầu tư cho các lĩnh vực khác ở cả cấp trung ương và địa phương. Một bộ phận lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... chưa nhận được sự trợ giúp của xã hội… Việc xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phát triển các dịch vụ tư vấn, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế. Đến nay, tỉnh chưa có trung tâm công tác xã hội trẻ em, chưa có văn phòng, điểm tư vấn về bảo vệ trẻ em ở cộng đồng.
Chương trình Bảo vệ trẻ em: đẩy mạnh hướng về cơ sở
Tạo dựng được môi trường sống mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ cao; phòng ngừa, giảm thiểu đồng thời trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị tổn thương, tạo cơ hội để các em tái hòa nhập cộng đồng, bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện… là mục tiêu tổng quát của Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ và cũng là mục tiêu của Chương trình Bảo vệ trẻ em Dak Lak giai đoạn 2011-2015…
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp trong dịp tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở huyện Krông Ana đã nhận định: Với việc phê duyệt "Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015", Chính phủ thể hiện quyết tâm bảo vệ trẻ em, tạo cho trẻ em cuộc sống an toàn, tạo sự bình yên, ổn định cho xã hội. Chương trình này kế thừa và phát triển những chính sách và giải pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong giai đoạn trước, đồng thời đặt các mục tiêu và giải pháp cao hơn để giảm thiểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phòng ngừa trẻ em bị xâm hại một cách tích cực hơn. Chương trình cũng cho thấy những nỗ lực củng cố cơ cấu tổ chức và nhân lực, tăng cường ngân sách Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương để hướng tới phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em một cách bền vững. Nhờ đó, công tác bảo vệ trẻ em chuyển mạnh sang hoạt động trên nền tảng hệ thống, giảm bớt phân tán, tăng cường phối hợp đồng thời với phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành; phân cấp cụ thể trách nhiệm từ Trung ương đến tận cấp xã, phường, thôn, buôn, cụm dân cư. Điểm nhấn của Chương trình là việc tái thiết lập xây dựng mạng lưới đội ngũ cộng tác viên cơ sở.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Krông Ana. |
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng LĐTB&XH huyện Ea H’leo cho rằng: Từ khi giải thể Ủy ban Dân số – gia đình – trẻ em, cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đội ngũ cộng tác viên cơ sở chính là mắt xích quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em am hiểu sâu sát tình hình địa phương, biết rõ điều kiện, hoàn cảnh của trẻ em trong địa bàn mình. Chính vì vậy, chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ nghề công tác xã hội cho trẻ em và xây dựng mạng lưới cộng tác viên của Chương trình sẽ bảo đảm trẻ em được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn; góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở trong giai đoạn tiếp theo, tiến tới phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em một cách bền vững…
Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 của tỉnh được triển khai thực hiện đồng thời bởi 5 dự án: truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp; xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nguồn kinh phí để thực hiện các Dự án của Chương trình là 49,1 tỷ đồng (trung bình 9,8 tỷ đồng /năm). Hy vọng trong 5 năm tới, công tác bảo vệ trẻ em sẽ đạt kết quả như mục tiêu Chương trình đã đề ra: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 6% tổng số trẻ em; 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ bị tổn thương được can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ; 30.000 trẻ em sống trong gia đình nghèo được tham vấn, trợ giúp kỹ thuật phát triển kinh tế cho hộ gia đình; 50% huyện, thị xã, thành phố xây dựng được hệ thống bảo vệ trẻ em và đưa hoạt động hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có hiệu quả...
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc