Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới ở buôn Blăng

08:15, 29/02/2012

Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân buôn Blăng, xã Ea Tar (Cư M’gar) đã có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng mọc lên ngày càng nhiều bên cạnh những ngôi nhà dài truyền thống. Những vườn cà phê, cao su xanh mát; những nụ cười rạng rỡ, thân thiện của bà con nơi đây như muốn chứng minh một cuộc sống sung túc đang hiển hiện ở nơi đây.

Chủ sở hữu của ngôi nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại trị giá gần tỷ đồng, các vật dụng đắt tiền và hai xe ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng là anh Yvung Niê, năm nay mới 36 tuổi. Quê ở buôn Trí A (Buôn Đôn), năm 1994 anh Yvung lập gia đình và chuyển về sống ở buôn Blăng, xã Ea Tar. Lúc đầu hai vợ chồng không có đất sản xuất, anh phải đi chạy xe tải thuê, còn vợ anh ở nhà đi làm phụ với bố mẹ. Dần dần nhờ chịu khó tích lũy, anh chị đã mua được xe công nông để hằng ngày chở thuê cho mọi người trong buôn. Rồi anh chị cũng mua được đất, mới đầu là 2 ha, sau đó tăng lên 7 ha, bước đầu trồng cây ngắn ngày như đậu, ngô. Khi có vốn anh chị đầu tư trồng cà phê, cao su. Đến nay gia đình đã có 2 ha cà phê, 5 ha cao su đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh có thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. Không những thế, gia đình Yvung còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động trong buôn, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Còn gia đình bà Yă Kăn hiện tại đã có tới 19 ha cao su, 3 ha cà phê, mang lại thu nhập từ 30 – 50 triệu đồng/tháng và mỗi năm trừ chi phí gia đình bà có thu nhập khoảng 600 triệu đồng; tạo công ăn việc làm ổn định cho 13 lao động, với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Đến nay gia đình bà Yă Kăn đã xây được căn nhà khang trang trị giá trên 600 triệu đồng, mua được 2 xe ô tô với trị giá khoảng gần 1 tỷ đồng. Nhìn gia cảnh bà Yă Kăn bây giờ, ít ai biết rằng trước đây gia đình bà hết sức khó khăn. Ngày trước bà chỉ trồng ngô, đậu, chăn nuôi heo; song nhờ biết tiết kiệm, dần dần gia đình bà đã mua được máy xay xát lúa để làm dịch vụ, rồi mua được xe công nông, đất trồng cà phê, cao su… Cứ như vậy cuộc sống khá dần lên. Bà Yă Kăn tâm sự:  “Trước đây do con còn nhỏ, tôi chưa nắm được khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi Nhà nước có chủ trương đầu tư, hỗ trợ thì cuộc sống của gia đình tôi và bà con trong buôn được cải thiện, biết chăn nuôi heo, gà bán để đầu tư sản xuất. Bộ mặt buôn Blăng bây giờ đã khác xưa rất nhiều”.

Được biết, buôn Blăng hiện có 170 hộ với 1.601 nhân khẩu  với 98% là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Buôn Blăng đã được công nhận là buôn văn hóa cấp huyện vào năm 2001. Người dân trong buôn chủ yếu trồng cà phê, cao su và các loại cây trồng ngắn ngày. Hiện nay, trong buôn hộ nào cũng có cao su, hộ ít nhất là 1  ha, nhiều nhất là 45 ha, với giá cà phê và cao su đạt ở mức cao đã giúp nhiều hộ gia đình ở buôn Blăng có mức thu nhập từ 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng mỗi năm. Theo thống kê, hiện nay trong buôn có 7 hộ đã mua được ô tô, 80% số hộ có điều kiện kinh tế khá, giàu, trong buôn không còn hộ nghèo; 100% số hộ được sử dụng điện. Điều đáng mừng là 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Buôn Blăng cũng là buôn tiêu biểu của xã Ea Tar trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đặc biệt là trong buôn hiện có khoảng 30% số hộ gia đình vẫn còn lưu giữ được chiêng và ché, trong đó có khoảng 10 bộ chiêng quý và hơn 30 ché quý.

Cuộc sống của bà con buôn Blăng giờ đây đã khác trước rất nhiều. Có được kết quả đó là nhờ sự cần cù trong lao động sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt, chăn nuôi, tiết kiệm trong chi tiêu, sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người dân trong buôn. 

Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.