Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch cúm gia cầm: Ngổn ngang mối lo

07:24, 29/02/2012

Không còn là chuyện mới, dịch cúm gia cầm liên tục xuất hiện trong những năm trở đây. Nhưng có lẽ chính cái “không mới” ấy là mối lo khiến công tác phòng chống dịch càng thêm khó khăn, phức tạp.

Từ đầu năm đến nay dịch cúm gia cầm bắt đầu tái phát tại 12 tỉnh, thành phố. So với tình hình dịch của cùng kỳ năm trước, dịch năm nay xuất hiện chủ yếu trên vịt, được chăn nuôi theo hình thức thả đồng. Hiện thời tiết bất lợi và diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, trong khi đó hoạt động buôn bán, vận chuyển mạnh gia cầm mạnh giữa các vùng, các địa bàn cũng là nguyên nhân làm dịch bệnh dễ có điều kiện phát tán. 

Chăn nuôi tập trung, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học góp phần hạn chế dịch lây lan.

Song song với khó khăn này, chủng của vi-rút cúm gia cầm đã biến đổi trong khi chưa có đủ các loại vắc-xin phù hợp để hỗ trợ tiêm phòng cũng là nỗi lo lớn. Đến thời điểm này cả hai loại vắc-xin H5N1 Re-1 và H5N1 Re-5 do Việt Nam nhập từ Trung Quốc vẫn có tác dụng bảo hộ tốt đối với các nhánh vi-rút 1 và 2.3.4. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là kết quả nghiên cứu, kiểm tra sự lưu hành của vi-rút cúm gia cầm độc lực cao H5N1 tại Việt Nam do Cục Thú y công bố cho thấy nhiều nhánh mới của vi-rút cúm H5N1 hiện đã xuất hiện và có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, vắc-xin bảo hộ đạt yêu cầu lại chưa có. Vắc-xin đang dùng chỉ có hiệu quả bảo hộ đàn gia cầm dưới 70%. Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch cúm gia cầm, hầu hết các địa phương đều kiến nghị một giải pháp bổ trợ là cấp vắc-xin để  tiêm phòng, khống chế dịch. Theo quyền Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm, do ở nước ta, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ nên nếu không tiêm phòng thì nguy cơ bùng phát dịch diện rộng sẽ rất cao. Nhưng trong điều kiện vắc-xin có hạn, lâu dài vẫn phải là biện pháp an toàn sinh học, liên quan đến vấn đề giữ gìn vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; khuyến khích chăn nuôi tập trung… Điều đó cũng có nghĩa đề cập đến câu chuyện không thể làm ngay một sớm một chiều là thay đổi hành vi, nhận thức chăn nuôi manh mún, tự phát, nhỏ lẻ, tận dụng của người dân.

Là một tỉnh có địa bàn rộng, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên Dak Lak cũng không ngoại lệ khi phải đối diện với chồng chất mối lo trong công tác phòng chống dịch. Dịch bệnh càng khó kiểm soát khi địa phương có số lượng vịt trên 1 triệu con và phần lớn là thả đồng; hoạt động vận chuyển gia cầm giữa các địa bàn khá sôi động. Đó là chưa kể đến việc chăn nuôi của rất nhiều người dân ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn hạn chế trong tiếp cận thông tin. Đồng tình với quan điểm, biện pháp lâu dài hay nói cách khác cái gốc của phòng chống dịch là nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, ông Nguyễn Khắc Chuyên phân tích thêm: Thực ra cái gì mới tuy lạ thường được người ta quan tâm, chú ý, thậm chí là sợ, không dám lơ là. Khi dịch cúm gia cầm mới xuất hiện, người ta sợ đến mức gần như “tẩy chay” sản phẩm gia cầm. Nhưng mãi rồi thành “nhờn”, hệ lụy theo đó là chủ quan, coi thường. Thế nên người chăn nuôi khi thấy gia cầm chết, ốm, thay vì trước hết phải báo cho cán bộ thú y để kịp thời có biện pháp xử lý, bao vây, khống chế dịch thì động thái đầu tiên lại tìm đủ cách chạy chữa, hoặc bán đổ bán tháo, thậm chí tiếc của làm thịt ăn, hoặc cho người khác. Đến khi bị phát hiện hoặc hết cách chữa mới báo cáo thì dịch đã có điều kiện lây lan. Theo thời gian lưu hành, biến chủng của vi-rút là quy luật, trong khi nhận thức của người chăn nuôi còn chưa thay đổi theo hướng khoa học hơn thì phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm sẽ là việc làm luôn mới đối với ngành thú y.

Phân tích của ông Chuyên khiến người ta hiểu hơn tại sao ông nhấn mạnh tuyên truyền là biện pháp hàng đầu trong phòng chống dịch cúm gia cầm. Còn nhiều cán bộ thú y thì tâm sự rằng: kinh nghiệm cho thấy càng chăn nuôi tập trung, họ đỡ vất vả,  bởi cả khi đã bỏ ra một khoản tiền đầu tư lớn, người chăn nuôi sẽ quan tâm đến giải pháp an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng… hạn chế dịch bệnh. Chính chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, khó kiểm soát, thiệt hại khi dịch xảy ra đối với cá nhân hộ chăn nuôi không lớn nhưng với cộng đồng lại không hề nhỏ.

Đàm Thuần – Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc