Sự tha hóa quyền lực
20:20, 18/02/2012
Nói tới quyền lực là nói tới khả năng áp đặt ý chí của chủ thể này lên chủ thể khác, buộc chủ thể đó phục tùng ý chí của mình. Trong bất kỳ quyền lực xã hội nào thì ý chí luôn là bộ phận quan trọng nhất, thể hiện bản chất của quyền lực.
Quyền lực Nhà nước chính là ý chí của giai cấp thống trị, được thực hiện bằng hệ thống thiết chế Nhà nước, trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Ở nước ta, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì quyền lực Nhà nước là thống nhất và thuộc về nhân dân. Nhân dân trao quyền/ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân để thực thi quyền lực. Tuy nhiên không ít trường hợp, người được trao quyền trong khi hành xử, sử dụng quyền lực nhà nước vẫn còn hay nhầm lẫn, lẫn lộn giữa quyền được trao với quyền của cá nhân. Chính vì lẽ đó, quyền lực luôn luôn có xu hướng bị tha hóa. Hiện nay khi đề cập đến “sự tha hóa” của quyền lực, không ít người trong chúng ta đôi khi còn tỏ ra ngại ngần, sợ “đụng chạm” vì quyền lực vẫn luôn được coi như là một vùng nhạy cảm.
Thực ra, sự tha hóa là “1.Trở nên khác đi, biến thành cái khác; 2. Trở thành người mất phẩm chất, đạo đức” (Đại từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2008). Và như thế, có thể thấy rõ “sự tha hóa quyền lực” đang là một thực tế. Không ít trường hợp quyền lực đã bị biến dạng và nó được biểu hiện như sự lạm quyền, lộng quyền, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán... (Trong đó lạm quyền luôn là dạng thức phổ biến của sự tha hóa quyền lực, thể hiện dưới dạng chủ thể nắm quyền lực tự cho mình thêm những quyền mà họ không có khi được trao quyền). Nhưng nhìn chung, dù có biểu hiện dưới hình thức nào thì các khuynh hướng tha hóa quyền lực cũng đều gây ra hậu quả xấu cho xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của chế độ.
Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay cũng đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (...) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (...) tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... và đã “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”. Bằng việc “xem mạch bắt đúng bệnh, kê đúng đơn thuốc” (nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về Nghị quyết Trung ương 4 - Báo Nhân Dân số ra ngày 9-2-2012), hy vọng rằng sự tha hóa quyền lực ở “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” sẽ sớm được ngăn chặn để xây dựng một nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc