Multimedia Đọc Báo in

Đánh cắp... quyền trẻ em!

08:07, 16/03/2012

Ngồi chờ đến lượt khám bệnh ở một bệnh viện công, tôi vô tình chứng kiến một trường hợp ăn cắp… quyền trẻ em! Chuyện là có một bệnh nhân độ tuổi thanh niên được người nhà là nhân viên trong bệnh viện dắt vào phòng siêu âm với giấy chỉ định của bác sĩ là siêu âm thận. Có lẽ, vì là “người nhà” nên bệnh nhân ấy được “đặc cách” cho siêu âm ngay, mặc dù đang có vài ba người (trong đó có cả tôi) đã ngồi chờ từ trước đó. Sau khi được vị bác sĩ siêu âm kiểm tra rất kỹ lưỡng và cho biết kết quả thận không có vấn đề gì, cô nhân viên có người nhà liền nhờ: “Thận không sao, hay là nó bị đau chỗ khác, bác (cách gọi thân mật bác sĩ) xem kỹ giúp em nó với?”. Sau một hồi do dự, vị bác sĩ bảo: “Được rồi, chỗ người nhà thì khuyến mãi thêm siêu âm gan nữa cho rõ một thể!”. Rồi ông quay sang cô điều dưỡng ngồi bên cạnh: “Đây là người nhà của bác X., em làm thêm phiếu siêu âm gan rồi tính vào danh mục siêu âm của trẻ em dưới 6 tuổi để được miễn phí nhé!”. Cô điều dưỡng răm rắp làm theo “chỉ đạo”, còn vị bác sĩ nọ thì tiếp tục công việc siêu âm gan cho “người nhà”, ai cũng miệt mài với chuyên môn của mình, không hiểu có chút bận tâm nào đến việc gian dối vừa làm (chắc đây không phải là lần đầu tiên?). Chỉ thương cho những trẻ em dưới 6 tuổi có quyền được khám chữa bệnh miễn phí tại bệnh viện công, bởi chúng chẳng thể biết được rằng quyền của mình bị người lớn trắng trợn đánh cắp như vậy.

Quả thực, mỗi khi đi khám bệnh, ai cũng mong mình có quen biết với người nào đó trong bệnh viện để có thể nhờ vả, nhưng nhờ vả để đỡ phải mất thời gian chờ đợi với thủ tục rắc rối là một lẽ, còn chuyện lợi dụng sự quen biết để làm trái quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác, nhất là quyền lợi của trẻ nhỏ thì thật đáng trách.

Duy Khánh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.